Gia cảnh khốn cùng vì 3 con thơ bệnh tật
Vợ chồng bà Phạm Thị Hằng (thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có 5 người con thì 3 con nhỏ bị bệnh tật. Cuộc sống của gia đình đã nghèo càng thêm khốn cùng, bế tắc.
Trời đang nắng bỗng đổ mưa như trút. Cậu con trai út Bùi Văn Hoàng (8 tuổi) nằm trên giường lại bật cười ngây dại. Bà Hằng ngồi cạnh bên vội lấy chiếc khăn lau nước dãi chảy dài xuống cổ, xuống tai cậu con trai. Phía góc nhà, 3 đứa con nhỏ khác của bà đang giành nhau gói mì tôm. Hết nhìn con, lại nhìn chồng-ông Bùi Văn Sơn-đang loay hoay khâu lại chiếc áo đã sờn rách, bà Hằng buông tiếng thở dài, đưa tay lau dòng nước mắt.
Bà Hằng kể: Khi mang thai người con trai út, vợ chồng bà đang làm thuê ở xã biên giới Ia Púch, huyện Chư Prông. Do đi lại khó khăn nên đến tháng thứ 7, bà mới đi khám và siêu âm thai. Lúc này, bác sĩ thông báo thai nhi bị não úng thủy, song vợ chồng vẫn quyết sinh con. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý, nhưng khi nhìn con chào đời với cái đầu quá to, mềm oặt, vợ chồng bà như chết lặng.
Càng thêm tuổi, đầu Hoàng càng to, còn tay chân cứ dài ngoằng, teo tóp, chỉ nằm một chỗ, khóc, cười ngây dại. Suốt 8 năm qua, bà Hằng chưa có lấy một đêm ngon giấc, vì hầu như ngày nào Hoàng cũng lên cơn co giật 2-3 lần. Mỗi lần như thế, tay chân co cứng, mắt trợn trừng đến người nhà cũng sợ hãi.
Nỗi bất hạnh đâu chỉ có thế. Chỉ vào cô con gái Bùi Thị Thu Thảo (15 tuổi), bà Hằng nói: “Nó chỉ học hết lớp 3 rồi nghỉ. Giờ đến quét cái nhà cũng không sạch”. Lúc Thảo lên 5 tuổi, trong một lần chơi đùa cùng những đứa trẻ quanh xóm, bỗng nhiên có vật phát nổ, những đứa trẻ khác nhanh chân bỏ chạy, duy chỉ có Thảo sợ hãi đứng yên và bị nhiều mảnh đá găm vào mặt. Hậu quả, Thảo vĩnh viễn mất đi 1 mắt, mắt còn lại cũng giảm thị lực đến 60%. Học hành khó khăn nên em không thể đến trường như chúng bạn. Trong khi đó, cậu con trai thứ 4-Bùi Quang Huy (11 tuổi) lại mắc bệnh tự kỷ. Huy thường lao vào đánh anh chị, chơi một mình, cười nói, gật gù khó hiểu.
Sau khi sinh Hoàng, bà Hằng chỉ quanh quẩn ở nhà trông con, gánh nặng mưu sinh đều dồn hết lên người chồng gầy gò, ốm yếu. “Bà ấy không biết đi xe máy, các con nhỏ dại, lại đau ốm bệnh tật liên miên, ngộ nhỡ có việc lại chẳng biết nhờ ai”-ông Sơn bộc bạch. Thương bố mẹ và các em, cậu con trai lớn quyết định vào tỉnh Bình Dương tìm việc làm để phụ giúp gia đình.
Bà Hằng rưng rưng: “Nhìn các con, tôi đau khổ lắm. Mình sinh chúng ra mà không lo lắng, chăm sóc đủ đầy. Giờ tôi chỉ ước có tiền đưa con gái vào TP. Hồ Chí Minh để thăm khám, điều trị mắt và đưa con trai thứ 4 đi kiểm tra bệnh tình”. Bà Hằng cũng hy vọng có thể sửa lại ngôi nhà vì con cái ngày một lớn, trong khi nhà xuống cấp, lại chưa đầy 24 m2. Tuy nhiên, nợ tiền mua nhà từ năm 2006 đến nay, vợ chồng bà vẫn chưa trả hết.
Trao đổi với P.V, bà Hoàng Thị Tuật-công chức phụ trách Lao động-Thương binh và Xã hội xã Ia Phìn-cho hay: “Gia đình bà Hằng thuộc diện hộ nghèo. Địa phương đã giúp gia đình làm thẻ bảo hiểm y tế, chi trả đều đặn số tiền hỗ trợ trẻ khuyết tật cùng người chăm sóc hàng tháng. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ 1 con bò giống và mỗi khi có các chương trình thăm hỏi, tặng quà thì đều ưu tiên cho gia đình. Chúng tôi rất mong các nhà hảo tâm quan tâm giúp đỡ để gia đình bà vơi bớt khó khăn”.
Mọi sự giúp đỡ gia đình bà Hằng xin liên hệ: ông Bùi Văn Sơn (thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) hoặc gửi về Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số điện thoại: 0943064095).