Giá cát leo thang: Áp lực doanh nghiệp, gánh nặng dân sinhBài 3: Gỡ nút thắt, kiến tạo phát triển bền vững
Không có công trình xây dựng nào thiếu cát mà hoàn thành. Bởi vậy, khi giá cát tăng quá cao, nguồn cung gián đoạn, hàng loạt dự án đầu tư công và công trình dân sinh tại Hà Nội rơi vào thế bí, giải ngân vốn đầu tư công bị ảnh hưởng nặng nề.
Do đó, việc gỡ nút thắt cho thị trường cát không đơn giản là ổn định nguồn cung mà chính là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững. Một số giải pháp hữu hiệu đang được Chính phủ và thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng triển khai quyết liệt...

Cụm công nghiệp Thanh Thùy 2 (xã Tam Hưng) phải dừng thi công do thiếu cát xây dựng. Ảnh: Đỗ Phong
Chính phủ, thành phố sớm vào cuộc
Trước diễn biến phức tạp của thị trường vật liệu xây dựng, trong đó nổi bật là giá cát tăng bất thường, Chính phủ đã nhanh chóng có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt.
Cụ thể, ngày 10-6-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công điện số 85/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp quản lý, bình ổn giá vật liệu xây dựng. Công điện nêu rõ: Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu vật liệu xây dựng, lập kế hoạch cung ứng phù hợp. Chính phủ khuyến khích phát triển vật liệu thay thế như cát nghiền, tro xỉ từ nhiệt điện; giám sát chặt chẽ giá cả, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, thao túng giá; đẩy nhanh thủ tục cấp phép khai thác mỏ, nhất là các mỏ đã hoàn thiện pháp lý nhưng chờ phê duyệt.
Song hành, thành phố Hà Nội cũng nhanh chóng vào cuộc. Liên quan đến vụ việc 3 mỏ cát trúng đấu giá cao gấp 70 lần giá khởi điểm, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) khẩn trương xử lý dứt điểm. Tại Văn bản số 10061/VP-TNMT ngày 22-8-2024, thành phố yêu cầu rà soát toàn bộ quy trình đấu giá, bảo đảm minh bạch, công khai, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, thành phố yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ cấp phép mỏ cát mới, rà soát lại quy hoạch vật liệu xây dựng, bảo đảm cung - cầu cân đối, hợp pháp, an toàn...
Hướng đến minh bạch thị trường vật liệu xây dựng
Để giải quyết triệt để vấn đề giá cát, hướng tới thị trường vật liệu xây dựng minh bạch, bền vững, rất cần sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều phía. Về điều này, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam Phạm Văn Bắc cho rằng, các địa phương cần chuyển nhanh sang sử dụng cát nghiền từ đá, tro xỉ công nghiệp, phế thải xây dựng… để thay thế cát tự nhiên. Các loại vật liệu này không chỉ bền vững mà còn giúp xử lý rác thải, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kiến nghị thành phố Hà Nội nghiên cứu khả năng tái chế rác thải xây dựng và một số chất thải rắn đô thị để sử dụng cho công trình san lấp, giảm áp lực lên bãi chôn lấp và nguồn cát tự nhiên...
Một trong những bước tiến quan trọng là Luật Địa chất và Khoáng sản năm 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2025 đã có nội dung phân loại cát làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát trắng silic). Luật cũng cho phép đơn giản hóa một số thủ tục cấp phép khai thác mỏ - bước tiến lớn về thể chế, góp phần tháo gỡ “nút thắt” pháp lý cho các địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội…
Một hướng đi khả quan khác là thành phố có thể tận dụng nguồn vật liệu tại các bãi sông, bãi nổi... Vấn đề này vừa được HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI thông qua tại Nghị quyết quy định hình thức sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội (thực hiện Điểm a, Khoản 3, Điều 32 Luật Thủ đô)… Theo đó, quỹ đất nông nghiệp tại các bãi nổi có thể được khai thác hợp pháp, kiểm soát chặt chẽ. Sau khai thác, phần vật liệu (đất, cát, sỏi...) có thể sử dụng san lấp cho các công trình hạ tầng; diện tích còn lại có thể cải tạo để phát triển nông nghiệp sinh thái.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng kiến nghị, các bộ, ngành xây dựng cổng thông tin quốc gia về giá vật liệu nên cập nhật theo tuần; công khai toàn bộ dữ liệu đấu giá mỏ, sản lượng khai thác, trữ lượng còn lại; liên thông hệ thống quản lý từ Trung ương đến địa phương để giám sát chặt chẽ... Bởi khi thị trường minh bạch, thông tin đầy đủ, doanh nghiệp mới có thể dự toán chi phí chính xác. Mặt khác, khi thị trường vật liệu nói chung, cát nói riêng được khơi thông, là lúc đầu tư công được thuận lợi, tiến độ các dự án sẽ được bảo đảm, tạo thêm việc làm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng GDP.
Có thể thấy, giải bài toán giá cát một cách căn cơ, cần hội tụ các yếu tố: Thể chế mạnh với luật pháp rõ ràng, quy trình cấp phép nhanh, giám sát nghiêm; thị trường minh bạch, công khai, nguồn cung hợp pháp, đấu giá mỏ công bằng; tư duy bền vững trong đầu tư vật liệu thay thế, tận dụng tài nguyên địa phương, giảm áp lực lên khai thác cát tự nhiên... Chỉ khi các yếu tố này được vận hành đồng bộ, khoa học, nghiêm minh, lúc đó thị trường vật liệu xây dựng nói chung, cát nói riêng mới trở lại ổn định...