Giá cổ phiếu ngân hàng thế giới 'trượt dốc' sau xếp hạng của Moody's, thuế cao bất ngờ của Ý
Cổ phiếu ngân hàng toàn cầu trượt dốc trong phiên giao dịch ngày 8/8, sau khi Moody's hạ bậc xếp hạng của 10 ngân hàng cỡ trung bình của Mỹ và Chính phủ Ý thông qua mức thuế bất ngờ 40% áp dụng cho khoản chênh lệch tiền gửi của các ngân hàng, với những lo ngại về những thách thức mà ngành phải đối mặt.
Sau Moody’s, Ý gây sốc cho các ngân hàng với mức thuế 40%
Lĩnh vực ngân hàng đang tìm cách thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đã đánh sập 3 ngân hàng của Mỹ vào đầu năm nay và gây ra sự mất niềm tin, nhấn chìm Credit Suisse, vốn đã bị đối thủ UBS Group AG mua lại trong một thỏa thuận giải cứu.
Việc Moody's hạ bậc xếp hạng một loạt ngân hàng của Mỹ vào cuối ngày 7/8 đã tấn công M&T Bank cũng như một số ngân hàng nhỏ hơn như Pinnacle Financial Partners, Prosperity Bank, BOK Financial Corp, Commerce Bancshares, Webster Financial, Old National Bancorp…
Tất cả các hạng mục cắt giảm đều theo một bậc duy nhất và tất cả các ngân hàng vẫn ở cấp độ Đầu tư.
Ngoài ra, 6 ngân hàng khác của Mỹ cũng bị Moody's xem xét có khả năng hạ cấp, bao gồm những gã khổng lồ trong ngành như Bank of New York Mellon, US Bancorp, State Street và Truist Financial.
Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini phát biểu trong một cuộc họp báo ở Rome vào cuối ngày 7/8: "Chỉ cần nhìn vào lợi nhuận nửa đầu năm của các ngân hàng để nhận ra rằng, chúng ta không nói về một vài triệu, mà là hàng tỷ".
“Nếu (đúng là) gánh nặng phát sinh từ chi phí tiền tệ đã tăng gấp đôi đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, thì những gì chủ tài khoản hiện tại nhận được chắc chắn không tăng gấp đôi” – ông Salvini nói thêm.
Cùng ngày, Chính phủ Ý đã giáng một đòn bất ngờ vào các ngân hàng của mình và gây chấn động toàn ngành ngân hàng ở châu Âu bằng cách đánh thuế 40% một lần, áp dụng cho thu nhập lãi ròng được tạo ra từ chênh lệch giữa lãi suất cho vay và tiền gửi của các ngân hàng.
Mức thuế này được Chính phủ Ý thông qua trong một cuộc họp nội các vào tối ngày 7/8 cùng với một loạt các biện pháp khác vào phút chót, với muốn sử dụng số tiền thu được để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn với chi phí sinh hoạt, chẳng hạn như những người có thế chấp.
Điều các nhà đầu tư lo lắng là các quốc gia khác sẽ làm theo sau hành động của Ý. Tây Ban Nha và Hungary đã áp thuế bất ngờ đối với lĩnh vực này.
Sau các động thái trên, ngay lập tức cổ phiếu ngân hàng đã giảm trên diện rộng, với mức giảm từ 3% trở lên tại Citizens và Fifth Third. Cổ phiếu của Bank of New York Mellon và State Street giảm 2,5% mỗi cổ phiếu, trong khi cổ phiếu Bancorp Truist Financial của Mỹ giảm gần 4%.
Các ngân hàng lớn của Mỹ, mặc dù không nằm dưới sự xem xét của Moody, nhưng đã sụt giảm trong đầu phiên giao dịch, với JPMorgan Chase giảm 2% và Bank of America mất hơn 3%.
Sự ảm đạm tràn sang giao dịch ở các ngân hàng lớn khác. Cổ phiếu của Citigroup, Wells Fargo, Goldman Sachs Group và Morgan Stanley đã giảm từ 2% đến 4%.
Chỉ số phụ của STOXX Europe 600 ngân hàng giảm 2,9%. Các ngân hàng lớn của Ý, cổ phiếu của Intesa Sanpaolo và UniCredit, hai ngân hàng lớn nhất đất nước, lần lượt giảm 8,5% và 6,9% vào cuối giờ trưa ngày 8/8. Cổ phiếu của Monte dei Paschi di Siena thuộc sở hữu nhà nước giảm 9,8%, trong khi Banco BPM, ngân hàng lớn thứ ba của đất nước, giảm 8%. BPER Banca, Mediobanca và Banca Generali cũng sụt giảm.
Xếp hạng của Moody’s cộng với cú bồi thêm từ mức thuế cao tại Ý gây thêm áp lực lên một ngành ngân hàng vốn đang phải vật lộn với hàng loạt rủi ro khác, nhất là trong bối cảnh lãi suất cao hơn và những thất bại gần đây.
Moody's cho biết khả năng sinh lời tại các ngân hàng Mỹ có thể suy yếu và làm dấy lên những lo ngại như chi phí tài trợ tăng và khả năng tiếp cận các khoản vay bất động sản thương mại tăng cao.
Stuart Cole - kinh tế vĩ mô trưởng tại Equiti Capital, cho biết: “Thông báo của Moody là một hồi chuông cảnh tỉnh. Điều này cũng có tác động lên tăng trưởng của nước Mỹ, vì các ngân hàng khu vực của Mỹ là nguồn tài chính huyết mạch cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ".
Các ngân hàng nhỏ sẽ gặp áp lực về vốn
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất thêm 4,25 điểm phần trăm kể từ mùa hè năm ngoái, tăng lãi suất tiền gửi chuẩn từ âm 0,5% lên 3,75%. Tuy nhiên, phần lớn khoản tăng đó đã không được các ngân hàng trên toàn khu vực đồng Euro chuyển cho người tiết kiệm.
Tất cả các ngân hàng lớn của Ý đều báo cáo kết quả kinh doanh tốt hơn nhiều so với dự kiến trong 6 tháng đầu năm và nâng cấp triển vọng lợi nhuận nhờ lãi suất cao hơn. 5 ngân hàng lớn nhất nước Ý đã báo cáo tổng lợi nhuận là 10,5 tỷ Euro trong nửa đầu năm 2023, tăng 64% so với một năm trước đó, theo cơ quan xếp hạng DBRS Morningstar.
Bộ trưởng Ngoại giao Ý Antonio Tajani vào tháng trước đã kêu gọi ECB ngừng tăng lãi suất, nói rằng lãi suất cao hơn đang gây căng thẳng cho người đi vay trong khi không kiềm chế được lạm phát.
Hiệp hội ngân hàng quốc gia Fabi cho biết, gần 1 triệu gia đình Ý đã không thanh toán các khoản vay và thế chấp trong tháng 3, với tổng trị giá 14,9 tỷ Euro do lãi suất tăng cao gây căng thẳng cho tài chính hộ gia đình.
Không giống như các ngân hàng ở một số quốc gia châu Âu khác, các ngân hàng Ý không bao giờ tính phí tiền gửi khi tỷ giá chính thức giảm xuống dưới 0. Kể từ khi lãi suất tăng, họ đã cắt giảm chi phí tài khoản vãng lai nhưng từ chối thưởng tiền mặt được giữ ở đó với lý do, tiền là để sử dụng hàng ngày và không phải là một khoản đầu tư.
Theo tính toán của Jefferies, các ngân hàng ở Ý đã chuyển cho người gửi tiền trung bình 12% mức tăng lãi suất, thấp hơn so với 22% ở khu vực đồng Euro.
Các nhà phân tích của Citi tính toán, với mức thuế 40% có thể xóa sạch tới 12% thu nhập năm 2023 của các ngân hàng Ý, nhưng sẽ đem về khoảng 2 - 3 tỷ Euro cho chính phủ.
Các nguồn tin cho biết, Bộ Tài chính Ý dự kiến sẽ thu được ít hơn 3 tỷ Euro (3,3 tỷ USD) từ biện pháp này, tương đương với 2,8 tỷ Euro thu được từ thuế bất ngờ trong năm nay đối với các công ty năng lượng.
Một văn bản dự thảo do chính phủ Ý công bố vào chiều 8/8 đề xuất ngưỡng áp đặt mức thuế 40% sẽ dựa trên chênh lệch giữa thu nhập lãi ròng vào năm 2021 và con số cho năm 2022 hoặc 2023, tùy theo mức nào lớn hơn. Các ngân hàng sẽ nộp thuế khi thu nhập lãi ròng của họ trong năm đã chọn vượt quá 5 hoặc 10% vào năm 2021. Khoản thuế một lần, đến hạn thanh toán vào cuối tháng 6/2024, phải được Quốc hội phê duyệt trong vòng 60 ngày.
Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp được đưa ra có thể có tác động lớn hơn nhiều đối với những ngân hàng nhỏ. Một nhà phân tích giấu tên của Milan cho biết, các ngân hàng Ý dự kiến sẽ kiếm được thu nhập lãi ròng cao hơn từ 50 đến 80% trong năm nay so với năm 2021. Nếu tính đến điều này, khoản thuế 40% sẽ có “tác động tàn phá (về vốn) đối với các ngân hàng nhỏ hơn”.
Còn tại Mỹ, trong báo cáo doanh thu vào tháng trước, một số ngân hàng lớn của nước này đã báo cáo lợi nhuận tăng vọt nhờ lãi suất cao hơn, nhưng cũng cảnh báo những rủi ro khi người tiêu dùng Mỹ chi tiêu ít hơn và tăng trưởng cho vay dự kiến sẽ chậm lại.
Tiền gửi, vốn là một điểm gây áp lực đối với các ngân hàng kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon phá sản vào đầu năm nay, dự kiến cũng sẽ giảm hơn nữa do lãi suất cao khiến khách hàng tìm kiếm các giải pháp thay thế mang lại lợi suất cao hơn.
“Mặc dù tình trạng cạn kiệt nguồn tiền gửi chung do thắt chặt định lượng (QT) đã giảm bớt trong quý II, nhưng vẫn có rủi ro đáng kể là tiền gửi trên toàn hệ thống sẽ tiếp tục giảm trong các quý tới” - Moody's cho biết trong báo cáo ngày 7/8.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn đánh giá tích cực về lĩnh vực này.
Georgios Leontaris - Giám đốc đầu tư của Thụy Sỹ và EMEA tại HSBC Global Private Banking and Wealth, cho biết: "Trong những tuần gần đây, chúng tôi đã nâng quan điểm của mình đối với các ngân hàng Mỹ lên mức tích cực trung lập. Chúng tôi nhận thấy lợi nhuận tương đối ổn, chúng tôi đã xem xét khả năng phục hồi trong các diễn biến kinh tế vĩ mô lớn hơn của nước Mỹ cùng với kỳ vọng lãi suất của Mỹ khá gần với mốc cuối của chuỗi tăng điểm".