Giá cổ phiếu ngành chăn nuôi 'ngược chiều' giá thịt lợn

Vài tháng trở lại đây, việc giá thịt lợn (heo) tăng phi mã và chưa có dấu hiệu dừng lại được cho là đã tác động đến nhiều cổ phiếu ngành chăn nuôi như DBC, VSN, MML…

Giá tăng cao, doanh nghiệp chế biến thịt lợn gặp khó

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc CTCP Việt Nam kỹ nghệ súc sản - Vissan (VSN) cho biết: “Vissan là doanh nghiệp giết mổ, chế biến thịt heo, nhưng mới tự cung ứng được 8% nguồn thịt lợn, còn lại là phải thu mua từ các trang trại.

Hiện nay, Vissan đang phải chịu lỗ, bởi giá thịt heo hơi mua vào đã tăng lên hơn 90.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với hồi đầu năm, trong khi giá bán thành phẩm thịt tươi sống vẫn áp dụng mức giá bình ổn là 64.000 đồng/kg (tính từ ngày 13/11/2019 đến nay)”.

Được biết, hiện 50% doanh thu của Vissan đến từ mảng phân phối thịt lợn (heo) tươi sống.

Theo lãnh đạo Vissan, Công ty đã có đơn kiến nghị gửi tới Sở Công thương TP.HCM, Sở Tài chính TP.HCM xin được điều chỉnh giá bán cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bởi nếu tình trạng này kéo dài, doanh nghiệp sẽ càng khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy cơ tạm ngừng hoạt động.

Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, giá trị thị trường thịt của Việt Nam ước đạt 272.000 tỷ đồng vào năm 2018, trong đó 62% là thịt lợn.

Công ty CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan - là nhà sản xuất thịt lớn nhất tại Việt Nam, với thị phần thịt lợn ước tính khoảng 16% trong năm 2018.

Một số nhà sản xuất thịt lợn quy mô khác có thể kể tới là Vissan, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), CTCP Masan MEATLife (MML), CTCP GreenFeed Việt Nam…

Trong đó, ngoại trừ MEATLife sản xuất các sản phẩm thịt mát, hầu hết doanh nghiệp còn lại đều tập trung vào thịt ấm, phân phối thịt lợn hơi qua chợ truyền thống và một phần nhỏ qua kênh thương mại điện tử.

Tất cả các doanh nghiệp đều sử dụng mô hình trang trại hợp tác để tăng sản lượng.

Với Dabaco, doanh nghiệp này đang sở hữu 8 trung tâm chăn nuôi lợn ở miền Bắc với tổng công suất thiết kế khoảng 750.000 lợn giống mỗi năm.

Các sản phẩm chăn nuôi lợn thường chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của Dabaco.

Trong năm 2018, nhóm sản phẩm này chiếm 49% tổng doanh thu của Công ty. Bởi vậy, sự biến động của thị trường thịt lợn đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh thu của DBC.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận sau thuế của DBC chỉ đạt 47 tỷ đồng, bằng 1/5 so với cùng kỳ 2018.

Tuy nhiên, trong quý IV/2019 và năm 2020, nhiều công ty chứng khoán dự phóng DBC sẽ khởi sắc.

Nhà đầu tư thận trọng với cổ phiếu chăn nuôi

Việc giá thịt lợn tăng cao thời gian gần đây và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại được cho là đã tác động đến nhiều cổ phiếu ngành chăn nuôi.

Ba tháng qua, cổ phiếu DBC diễn biến trồi sụt.

Sau khi tăng từ 22.000 đồng/cổ phiếu lên gần 26.000 đồng trong tháng 9, thì đã giảm về 23.000 đồng trong tháng 10 và dao động quanh mức 23.000-25.000 đồng/cổ phiếu từ đó đến nay.

Thanh khoản không thực sự mạnh, mức khớp lệnh trung bình khoảng 170.000 cổ phiếu/phiên.

Với cổ phiếu VSN, xu hướng giảm được duy trì kể từ tháng 10. Đóng cửa phiên giao dịch 25/12 ở mức 30.500 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 20% so với đầu tháng 10.

Cùng với đà giảm giá, thanh khoản cổ phiếu VSN cũng èo uột, khớp lệnh trung bình khoảng 1.000 đơn vị, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch.

Điều đáng nói là diễn biến kém tích cực này diễn ra trong bối cảnh VSN ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khả quan, với 3.522 tỷ đồng doanh thu và 149 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 10% và 42% so với cùng kỳ năm 2018.

Tương tự, cổ phiếu MML cũng tuột khỏi mốc 70.000 đồng/cổ phiếu ghi nhận vào đầu tháng 10, hiện giao dịch quanh ngưỡng 65.000 đồng/cổ phiếu, thanh khoản MML cũng không cao, khớp lệnh trung bình khoảng 40.000 cổ phiếu/phiên.

Thực tế, doanh thu và lợi nhuận của MML đi xuống trong 2 năm trở lại đây do chưa tạo được thói quen tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều được giới đầu tư chú ý là triển vọng dài hạn của MML. Lãnh đạo MML cho hay, hiện mảng thịt mát đóng góp 1% trong tổng doanh thu, MML kỳ vọng sẽ nâng tỷ trọng này lên 7% vào năm 2022, qua đó chiếm lĩnh 10% thị phần mảng thịt mát với thương hiệu MEATDeli, doanh số khoảng 1-2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, MML dự kiến sẽ chuyển từ giao dịch trên sàn UPCoM sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2022 hoặc 2023.

Theo VNDirect, tại Việt Nam, giá thịt lợn tăng vọt thời gian qua là do sự bùng phát dịch tả lợn châu Phi và nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc. Thị trường thịt Việt Nam khá tiềm năng, nhưng lại phân mảnh.

Thịt lợn là loại thịt thiết yếu ở Việt Nam, chiếm 66% tổng lượng thịt tiêu thụ, sau đó đến thịt gia cầm và thịt bò.

Tuy nhiên, 99% thịt lợn tiêu thụ là thịt ấm và 95% là không an toàn. Do đó, xu hướng dài hạn, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch theo mô hình 3F (chăn nuôi - trang trại - thực phẩm) sẽ phát triển.

VNDirect cho rằng, doanh nghiệp cung ứng thịt lợn sạch sẽ có lợi thế, bởi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn sạch ngày càng gia tăng.

Hải Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/gia-co-phieu-nganh-chan-nuoi-nguoc-chieu-gia-thit-lon-post228264.html