Giá cổ phiếu thương hiệu sữa lâu đời nhất Việt Nam tăng dựng đứng sau thông tin chuyển sàn

Quyết định chấp thuận niêm yết tại sàn HOSE đồng nghĩa với việc cổ phiếu MCM sẽ sớm 'chuyển nhà' từ UPCoM sang HOSE trong thời gian tới.

 Cổ phiếu Sữa Mộc Châu liên tiếp tăng trần trước thềm lên sàn HOSE (Ảnh: Mộc Châu Milk)

Cổ phiếu Sữa Mộc Châu liên tiếp tăng trần trước thềm lên sàn HOSE (Ảnh: Mộc Châu Milk)

Đầu tư vào cổ phiếu MCM hơn 1 năm, chị Hoàng Ngọc Lan (35 tuổi, Q.Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ kỳ vọng cho hướng đi mới này: "Kết quả kinh doanh quý 1 vừa rồi, lợi nhuận tại MCM giảm mạnh 51% so với cùng kỳ nên tôi cũng hơi lăn tăn. Nhưng diễn biến kinh doanh qua từng năm, sữa Mộc Châu luôn duy trì được trạng thái tăng trưởng đều, không quá đột biến nhưng "chậm mà chắc". MCM lại sắp niêm yết tại sàn HOSE nữa, tôi càng có niềm tin vào mã này hơn".

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã ra quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu MCM (UPCoM) của CTCP Giống Sữa Mộc Châu - Mộc Châu Milk.

Đồng nghĩa với điều này là 110 triệu cổ phiếu MCM sẽ sớm được niêm yết tại sàn HOSE trong thời gian tới, với mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết là 1.100 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký (24/5). Điều kiện kèm theo, Mộc Châu Milk phải tuân thủ quy định về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các quy định liên quan khác.

Cố phiếu MCM liên tiếp tăng trần sau tin vui từ HOSE (Ảnh: SSI iBoard)

Cố phiếu MCM liên tiếp tăng trần sau tin vui từ HOSE (Ảnh: SSI iBoard)

Ngay sau thông tin này, cổ phiếu MCM tăng đứng, xác lập đỉnh sau 2 năm (kể từ tháng 5/2022) tại mốc giá 43.700 đồng/cp (27/5), tăng mạnh 12,05% so với phiên trước đó.

Đà tăng tiếp tục được duy trì trong đầu phiên sáng nay (28/5), MCM vụt lên 48.000 đồng/cp, tăng 10,34% so với phiên hôm qua. So với thời điểm đầu năm nay, MCM đã tăng 33% giá trị cổ phiếu.

Trước đó, cổ phiếu MCM đã được niêm yết lần đầu tại sàn UPCoM từ tháng 12/2020, số lượng cổ phiếu lưu hành là 110 triệu đơn vị.

Quyết định chấp thuận lên sàn HOSE của MCM được kỳ vọng giúp cổ phiếu MCM thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư, giúp cổ phiếu bứt phá.

Cụ thể, kết thúc quý 1/2024, doanh thu thuần tại MCM đạt 625,4 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó, lợi nhuận gộp giảm 25,6%, kết quả lợi nhuận sau thuế tại MCM quý 1 năm nay, đạt khoảng 50 tỷ đồng, giảm mạnh 51% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tổng tài sản tại MCM được duy trì tương đối an toàn, với tổng tài sản là hơn 2.605 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu đạt 2.372 tỷ đồng (chiếm 91%), nợ phải trả chỉ đạt 233 tỷ đồng (chiếm 9%). Đặc biệt, MCM không ghi nhận dư nợ vay tài chính.

Tình hình kinh doanh những năm gần đây tại Sữa Mộc Châu

Nguồn: Tổng hợp BCTC tại MCM

Nguồn: Tổng hợp BCTC tại MCM

Mặc dù kết quả quý 1/2024 không mấy khả quan so với cùng kỳ năm trước nhưng nhìn chung cả năm 2023, MCM đã thu về lãi kỷ lục, tạo cơ sở cho kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư.

Trong kế hoạch cả năm 2024, MCM đặt mục tiêu lãi sau thuế đạt 332 tỷ đồng, doanh thu thuần đạt 3.367 tỷ đồng. Như vậy, sau 3 tháng đầu năm, MCM hoàn thành lần lượt 15% lãi sau thuế và 18,6% doanh thu thuần so với kế hoạch cả năm.

Mộc Châu Milk có tiền thân là Nông trường Quân đội Mộc Châu, được thành lập vào năm 1958. Đây hiện là thương hiệu sữa lâu đời nhất ở Việt Nam. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, cung cấp con giống bò sữa, sản xuất chế biến các sản phẩm từ sữa và sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Tháng 12/2019, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (VNM, HOSE) trở thành công ty mẹ GTNFoods sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%,. Trong khi đó, GTNFoods nắm giữ 74,5% cổ phần tại Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico (VLC, UPCoM), Vilico sở hữu 51% cổ phần tại Mộc Châu Milk. Điều đó đồng nghĩa với việc Mộc Châu Milk chính thức về tay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam - Vilico). Cũng vào cuối năm 2020, cổ phiếu MCM của Mộc Châu Milk chính thức giao dịch trên UPCoM.

Hiện Mộc Châu Milk có 2 cổ đông lớn là Vilico (sở hữu 59,3% cổ phần) và Vinamilk (sở hữu 8,85% cổ phần). Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinamilk, cũng đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Mộc Châu Milk.

Thương vụ này được đánh giá, đem lại nhiều lợi ích chiến lược cho Vinamilk, như: gia tăng nguồn cung sữa nội địa từ bò sữa của GTNFoods; sở hữu thương hiệu Mộc Châu Milk vốn đã có thương hiệu trong thị trường nội địa và kênh xuất khẩu.

Song, dường như điều này cũng mang lại nhiều khởi sắc cho Mộc Châu Milk. Nhìn lại hơn 4 năm về chung một nhà, tình hình kinh doanh tại MCM cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt qua từng năm, đạt lãi kỷ lục vào năm 2023 vừa qua.

Minh Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-co-phieu-thuong-hieu-sua-lau-doi-nhat-viet-nam-tang-dung-dung-sau-thong-tin-chuyen-san-20240528101500365.htm