Gia cố tấm khiên bảo vệ

Hà Lan đã thực hiện một bước quan trọng trong việc tăng cường bảo vệ người tố giác với việc Thượng viện thông qua dự thảo Luật Bảo vệ người tố cáo (Wet bescherming klokkenluiders) vào ngày 24.1.2023, sau khi văn bản này được Hạ viện đồng ý vào ngày 20.12.2022. Luật mới thay thế Luật Về quyền của người tố cáo, đồng thời giới thiệu một số cải tiến quan trọng yêu cầu người sử dụng lao động sửa đổi chính sách tố cáo của họ.

Mở rộng phạm vi và đối tượng

Một trong những mục tiêu chính của Luật Bảo vệ người tố cáo của Hà Lan là cung cấp các biện pháp bảo vệ tốt hơn cho những cá nhân báo cáo những hành vi bị nghi ngờ là sai trái trong tổ chức của họ. Trên thực tế, kể từ ngày 1.7.2016, những người sử dụng lao động có tối thiểu 50 nhân viên ở vương quốc hoa tulip đã phải có nghĩa vụ thiết lập một chương trình nội bộ dành cho người tố cáo để bảo vệ những người dũng cảm lên tiếng về hành vi sai trái. Luật mới giúp tăng cường bảo vệ này bằng cách tuân thủ Chỉ thị về người tố cáo của Liên minh châu Âu ngày 23.10.2019 (2019/1937).

Nguồn: industrialrelationsnews.ioe-emp.org

Nguồn: industrialrelationsnews.ioe-emp.org

Một trong những cải tiến quan trọng được đưa ra trong Luật mới là mở rộng phạm vi đối tượng được bảo vệ. Bên cạnh người lao động, luật hiện bảo vệ cả các cá nhân làm việc để được trả công trong mối quan hệ lệ thuộc, chẳng hạn như người tự làm chủ, thực tập sinh và tình nguyện viên. Hơn nữa, việc bảo vệ còn được mở rộng cho những cá nhân hỗ trợ người tố cáo và các bên thứ ba có liên quan đến người sử dụng lao động trong bối cảnh liên quan đến công việc. Ngoài ra, định nghĩa về “hành vi sai trái” cũng được mở rộng. Nó hiện bao gồm cả hành vi vi phạm hoặc nguy cơ vi phạm luật EU, các hành vi hoặc thiếu sót gây nguy hiểm cho lợi ích công cộng do vi phạm tiềm ẩn các điều khoản theo luật định hoặc quy tắc nội bộ của chủ lao động.

Tạo điều kiện cho người tố giác

Giờ đây, các báo cáo có thể được gửi bằng văn bản hoặc bằng lời nói, qua điện thoại hoặc hệ thống nhắn tin bằng giọng nói hay bằng cách tham gia vào một cuộc trò chuyện. Người sử dụng lao động phải thiết lập rõ ràng các thủ tục để báo cáo ẩn danh những hành vi nghi ngờ sai trái. Trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo, người sử dụng lao động phải xác nhận đã nhận được báo cáo, đồng thời cung cấp thông tin về đánh giá và các hành động tiếp theo trong một khoảng thời gian hợp lý, không quá ba tháng. Luật mới cũng bắt buộc người sử dụng lao động phải duy trì một sổ đăng ký được chỉ định cụ thể để ghi lại các khiếu nại và nghiêm cấm việc đưa vào "các điều khoản im lặng" có thể cản trở việc báo cáo các hành vi sai trái. Khi báo cáo ẩn danh, người báo cáo có nghĩa vụ sử dụng một trung gian bí mật, chẳng hạn như luật sư. Ngoài ra, các báo cáo có thể được thực hiện bên ngoài thông qua luật sư hoặc cố vấn bí mật cho các cơ quan có thẩm quyền trong khi duy trì tính bảo mật.

Đáng chú ý, Luật Bảo vệ người tố cáo còn giới thiệu quy định về báo cáo trực tiếp ra bên ngoài. Người tố giác không còn phải báo cáo nội bộ trước mà giờ đây có thể trực tiếp báo cáo hành vi sai trái cho cơ quan có thẩm quyền bên ngoài cơ quan, tổ chức của họ, chẳng hạn như Cơ quan tố giác, Cơ quan bảo vệ dữ liệu cá nhân hoặc Cơ quan thị trường tài chính... Luật cũng mở rộng các biện pháp bảo vệ, bảo đảm rằng người tố giác không gặp phải bất kỳ bất lợi nào do báo cáo của họ. Luật cung cấp danh sách các ví dụ về những gì cấu thành "bất lợi", bao gồm các mối đe dọa, nỗ lực gây tổn hại và các hình thức đối xử bất lợi khác.

Về việc thực hiện các thủ tục báo cáo nội bộ, bên sử dụng lao động không có hội đồng lao động hoặc cơ quan đại diện của người lao động phải được sự đồng ý của đa số người lao động trừ khi thủ tục nội bộ được quy định trong thỏa thuận lao động tập thể hiện hành. Ngoài ra, trách nhiệm chứng minh đã chuyển sang bên sử dụng lao động, vốn là người phải chứng minh rằng bất kỳ bất lợi nào mà bên tố cáo phải chịu không phải là hậu quả trực tiếp của báo cáo.

Để thực thi việc tuân thủ luật được nghiêm túc, bộ phận điều tra của Cơ quan tố giác sẽ có quyền áp đặt các biện pháp xử phạt hành chính đối với người sử dụng lao động hoặc tổ chức không tuân thủ luật pháp. Tùy theo mức độ vi phạm mà có thể áp dụng các hình thức xử phạt khắc phục hậu quả hoặc trừng phạt. Hơn nữa, bất kỳ bên quan tâm nào cũng có thể nộp đơn yêu cầu tuân thủ luật mới với tòa án cấp dưới.

Hiệu lực của Luật bảo vệ người tố cáo sẽ do Sắc lệnh Hoàng gia quyết định. Người sử dụng lao động trong khu vực tư nhân có lực lượng lao động ít nhất 250 nhân viên phải tuân thủ ngay khi luật được triển khai, trong khi người sử dụng lao động có từ 50 đến 249 nhân viên phải đáp ứng các yêu cầu thủ tục nội bộ cho đến ngày 17.12.2023.

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/gia-co-tam-khien-bao-ve-i334638/