Giá cước dịch vụ dữ liệu di động của Việt Nam đang ở mức rất thấp

Trả lời kiến nghị của cử tri Bình Thuận, Bộ TT&TT cho biết, theo thống kê của tổ chức quốc tế, giá cước dịch vụ dữ liệu di động của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Mới đây, Bộ TT&TT đã trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận liên quan đến giá cước các dịch vụ viễn thông di động. Bộ TT&TT cho hay, theo thống kê của tổ chức Cable của UK - Công ty chuyên tư vấn và so sánh các dịch vụ truyền hình cáp, Internet và viễn thông có trụ sở tại thành phố Lichfield (Anh), giá cước dịch vụ dữ liệu di động của Việt Nam trong năm 2023 rẻ thứ 21/237 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đứng thứ 6 trong số các nước châu Á và đứng thứ 4 trong khối ASEAN. Như vậy, giá cước dịch vụ dữ liệu di động của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với các nước trên thế giới và trong khu vực.

Bên cạnh đó, theo Bộ TT&TT, hiện các doanh nghiệp viễn thông di động đang cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn với các gói dịch vụ đa dạng về giá cước, phù hợp với từng phân khúc khách hàng từ học sinh, sinh viên cho đến bà con nông dân, công nhân, thương gia… Do đó, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn các gói cước phù hợp với nhu cầu sử dụng cũng như khả năng chi trả của bản thân.

Độ phủ mạng 4G tại Việt Nam là 99,8%, trong khi các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4% (Ảnh minh họa: Đ.Thọ)

Độ phủ mạng 4G tại Việt Nam là 99,8%, trong khi các nước thu nhập cao có độ phủ là 99,4% (Ảnh minh họa: Đ.Thọ)

Với đề nghị của cử tri Bình Định về nâng cao chất lượng và độ ổn định của sóng di động tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã phủ sóng, Bộ TT&TT cho biết: Hiện nay, vùng phủ sóng 4G của Việt Nam đã đạt 99,8% dân số.

Cùng với khẳng định người dân mọi miền Tổ quốc đều đã có thể thụ hưởng dịch vụ di động trên mạng 4G, Bộ TT&TT cũng thông tin với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Kết quả đo kiểm từ i-Speed, hệ thống đo tốc độ truy cập Internet tại Việt Nam của Bộ và công cụ Speedtest (Ookla) cho thấy, trừ những trường hợp bị đứt cáp quang biển, còn về cơ bản chất lượng Internet băng rộng cố định của Việt Nam là ổn định, đáp ứng các hoạt động hiện tại như download, upload, streaming video, mạng xã hội, âm nhạc...

Mặt khác, quy chuẩn chất lượng dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định được Bộ TT&TT sửa đổi tháng 11/2022 đã quy định, tốc độ tối thiểu doanh nghiệp phải cung cấp là 50 Mbps. Bộ cũng đang nghiên cứu để quy định tốc độ tối thiểu đối với dịch vụ truy nhập Internet băng rộng di động của các nhà mạng.

Ghi nhận ý kiến của cử tri Bình Định mong muốn Bộ TT&TT sớm hoàn thành phủ sóng hệ thống viễn thông di động tại các ‘vùng lõm’ về thông tin, Bộ TT&TT cho biết đang triển khai Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Theo chương trình, mục tiêu đặt ra là 100% thôn, bản, làng, ấp, phum sóc, buôn, bon, đảo có hộ dân sinh sống (gọi chung là thôn) đã có điện thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất.

Trong thông tin chia sẻ ngày 23/2 tại Hội nghị công bố ‘Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050’, đại diện Viện Chiến lược TT&TT đã điểm ra một số thành tựu của Việt Nam trong phát triển hạ tầng viễn thông thời gian qua.

Cụ thể, dù là một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam có độ phủ sóng 4G cao hơn các nước phát triển có thu nhập cao, với độ phủ của Việt Nam là 99,8% và tỷ lệ của các nước thu nhập cao là 99,4%; có tỷ lệ sử dụng smartphone đạt trên 84%; độ phủ cáp quang đến từng hộ gia đình là gần 80% so với trung bình thế giới khoảng 60%; và cước phí data tại Việt Nam được duy trì ở mức thấp, chỉ bằng một nửa mức trung bình của thế giới... Nhờ vậy, mọi người dân đều có cơ hội sử dụng Internet, tiếp cận không gian số.

Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số, trong đó có hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. (Ảnh minh họa: Cao Hưng)

Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới đặt trọng tâm vào phát triển hạ tầng số, trong đó có hạ tầng viễn thông, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. (Ảnh minh họa: Cao Hưng)

Với định hướng phát triển hạ tầng TT&TT thành hạ tầng thế hệ mới, mở ra không gian phát triển mới cho đất nước và tạo thuận lợi cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới đã đặt ra các mục tiêu cao cho cả 5 lĩnh vực, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng viễn thông.

Cụ thể, đến năm 2025, mạng băng rộng cố định đáp ứng quy chuẩn quốc gia (QCVN) về chất lượng dịch vụ với mục tiêu phổ cập được tới tất cả các thôn, bản, bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s.

Cùng với đó, mạng băng rộng di động cũng đáp ứng QCVN về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% người dân ở độ tuổi trưởng thành có smartphone.

Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, dự kiến giữa tháng 4/2024, Bộ TT&TT sẽ có hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện Quy hoạch hạ tầng TT&TT giai đoạn mới.

Vân Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-cuoc-dich-vu-du-lieu-di-dong-cua-viet-nam-dang-o-muc-rat-thap-2260980.html