Giá cước vận tải dịp Tết: Tăng không quá 60%
Sở Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh về tỷ lệ phụ thu giá cước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đồng thời, lực lượng chức năng sẽ siết chặt hoạt động vận tải, xử lý nghiêm đối với những trường hợp tăng giá vé sai quy định.
Giá vé tăng từ 20 đến 60%
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, để xác định tỷ lệ phụ thu các tuyến vận tải cần phải dựa trên nhiều yếu tố, sở đã tổ chức họp với các đơn vị vận tải, bến xe để thống nhất mức phụ thu giá cước vận tải khách tuyến cố định vận chuyển lệch chiều trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Tỷ lệ phụ thu giá cước tuyến cố định năm nay cao nhất không quá 60% đối với chiều đông khách. Cụ thể, phụ thu được tính theo 2 giai đoạn: Trước và sau Tết Nguyên đán. Thời gian trước Tết được tính từ ngày 19 đến 30-12 âm lịch. Sau Tết, từ ngày mùng 1 Tết đến 15-1 âm lịch. Tỷ lệ phụ thu này cũng được tính toán theo từng khung thời gian khác nhau, đối với chiều ít khách, các doanh nghiệp không được phụ thu.
Cụ thể, tuyến Khánh Hòa - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại: Trước Tết, chiều từ TP. Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa, từ ngày 19 đến 22-12 âm lịch (tức từ ngày 29-1 đến 1-2), tỷ lệ phụ thu tối đa 40%; từ ngày 23 đến 30-12 âm lịch (tức từ ngày 2 đến 9-2), tỷ lệ phụ thu tối đa 60%. Chiều từ Khánh Hòa đi TP. Hồ Chí Minh không được phụ thu. Sau Tết, chiều từ TP. Hồ Chí Minh đi Khánh Hòa, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết (tức từ ngày 10 đến 12-2), tỷ lệ phụ thu là 60%; từ ngày mùng 4 Tết trở đi (tức từ ngày 13-2), không được phụ thu. Chiều từ Khánh Hòa đi TP. Hồ Chí Minh, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 Tết (tức từ ngày 10 đến 12-2), không được phụ thu; từ ngày mùng 4 đến hết ngày mùng 10 Tết (tức từ ngày 13 đến 19-2), tỷ lệ phụ thu tối đa 60%; từ ngày 11 đến 15-1 âm lịch (tức từ ngày 20 đến 24-2), tỷ lệ phụ thu tối đa 20%.
Đối với những chuyến xe có ghế được tăng cường để giải tỏa khách của các đơn vị không có tuyến cố định Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, Công ty Cổ phần Khai thác bến xe và Dịch vụ vận tải Khánh Hòa đăng ký, in ấn, phát hành vé đối với những chuyến xe có ghế ngồi tăng cường sau Tết (từ mùng 1 đến 10-1 âm lịch). Giá vé xe ghế ngồi bằng 90% giá vé xe giường nằm hoạt động tuyến cố định Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh của đơn vị có giá cao nhất tại thời điểm được điều động. Sở Giao thông vận tải quy định giá vé tuyến từ Khánh Hòa đi các tỉnh Nam Bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và ngược lại không được tăng quá 60%.
Xử lý nghiêm doanh nghiệp vi phạm
Ông Cao Tấn Lợi - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, các doanh nghiệp vận tải phải chấp hành nghiêm việc kê khai giá vé, không được phép tùy tiện tăng giá. Nếu lực lượng chức năng phát hiện trường hợp doanh nghiệp cố tình tăng giá sai quy định sẽ bị xử lý nghiêm. Ngoài ra, các đơn vị vận tải phải nghiêm túc thực hiện các quy định về vận tải, an toàn giao thông, chở đúng lượng khách, chạy đúng hành trình, lộ trình; thực hiện việc dừng, đỗ xe và đón trả khách đúng quy định. Đồng thời, tuân thủ các quy định về quản lý khai thác sử dụng thiết bị giám sát hành trình và camera.
Sở Giao thông vận tải cũng yêu cầu các doanh nghiệp bố trí lái xe phù hợp, đảm bảo thời gian làm việc của lái xe, thời gian quay đầu xe. Các đơn vị quản lý bến xe có nhiệm vụ: Kiểm tra đầy đủ điều kiện xuất bến của xe ô tô (đăng ký xe, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phù hiệu dán trên kính xe, thiết bị giám sát hành trình có hoạt động, bình chữa cháy, dụng cụ thoát hiểm, giấy phép lái xe...); nghiêm cấm những trường hợp thu lệ phí hoặc xác nhận lệnh vận chuyển mà xe không qua bến. Các xe vận chuyển khách tuyệt đối không được chở gia súc, gia cầm, các sản phẩm từ gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các doanh nghiệp vận tải phải niêm yết thông tin theo quy định, đặc biệt là khoang hành khách phải niêm yết biển kiểm soát phương tiện, số điện thoại của cơ quan chức năng để hành khách biết và phản ánh qua đường dây nóng khi có nhu cầu.
MẠNH HÙNG