Giá đạn pháo 155mm ngày càng tăng, 8,6 triệu USD cho 1.000 viên
Giá của đạn pháo 155mm đã tăng 4 lần kể từ năm 2021, đây thực sự là một vấn đề lớn đối với các nước phương Tây và ảnh hưởng đến nguồn đạn dược cho Ukraine.
Người đứng đầu ủy ban quân sự NATO, Đô đốc Rob Bauer đã công bố mức giá hiện tại của loại đạn pháo 155mm thông thường. Thông tin này thực sự có thể gây sốc, bởi theo ông Rob Baue, mỗi một viên đạn 155mm đã có giá hơn 8.000 euro.
Mức giá này cao hơn nhiều so với giá trị ước tính ban đầu được kí kết trong hợp đồng với nhà máy Rheinmetall vào năm ngoái, theo đó một quả đạn 155mm khi đó chỉ có giá khoảng 3,300 euro.
Những lý do khiến mức giá của đạn 155mm tăng vọt từ 2.000 euro trong năm 2021 lên gấp bốn lần là khá rõ ràng, chủ yếu là do nhu cầu ngày càng lớn trong khi khả năng sản xuất lại không đáp ứng kịp thời. Các chuyên gia lưu ý, trong tình hình nhu cầu sử dụng đạn ngày càng lớn và với chi phí cao như hiện nay, việc sử dụng đạn pháo thông thường thường cần phải được đánh giá lại để bảo đảm tính khả thi.
Các chuyên gia Bulgarian Military cho biết, khi áp dụng các quy định hiện có về việc tiêu thụ đạn dược cho một mục tiêu điển hình trên chiến trường, thì để đảm bảo tiêu diệt mục tiêu đó, số lượng đạn cần thiết được sản xuất sẽ là 1.800 viên đối với loại đạn 152mm theo tiêu chuẩn của Liên Xô.
Ở các nước NATO, một phương pháp tương tự cũng được sử dụng, nhưng sức công phá của đạn 155mm lớn hơn so với đạn 152mm, cùng với việc sử dụng các phương pháp điều chỉnh hỏa lực hiện đại, sẽ giúp giảm được số lượng đạn pháo cần thiết trên một mục tiêu.
Nhưng ngay cả khi số lượng đạn cần thiết cho một mục tiêu giảm xuống còn 1.000 viên, thì vẫn phải tốn tới 8 triệu euro (tương đương 8,6 triệu USD) theo giá hiện tại. Những khoản tiền đó có thể mua 47 viên đạn pháo dẫn đường có độ chính xác cao Excalibur hoặc 38 tên lửa GMLRS của HIMARS. Cả hai ví dụ vừa rồi đều được quy đổi tương ứng với các hợp đồng xuất khẩu dựa trên mức giá tối đa, do Cơ quan Hợp tác Quốc phòng Mỹ (DSCA) công bố.
Tuy nhiên sự so sánh trên chỉ mang tính chất tương đối, bởi việc sản xuất Excalibur và GMLRS, hay bất kỳ loại vũ khí có độ chính xác cao nào khác đều tốn kém và được chế tạo với số lượng rất hạn chế. Vì vậy, ít nhất trong tương lai gần thì vẫn không có gì có thể thay thế được hỏa lực pháo binh thông thường.
Một điểm cực kỳ quan trọng khác được Rob Bauer nhấn mạnh là sự không thống nhất khi chế tạo đạn 155mm của các nhà sản xuất phương Tây. Tuy nhiên ông cũng không đưa ra lời giải thích chi tiết nào về vấn đề này, theo quan chức trên, hiện tại có tới 14 loại đạn 155mm được chế tạo.
Các nhà máy đạn pháo chính từ các nước thành viên NATO phải dựa trên một biên bản ghi nhớ chung trong việc sản xuất loại đạn 155mm, bắt buộc họ phải sản xuất loại đạn tương thích được với pháo 155mm có chiều dài nòng gấp 39 và 52 lần so với cỡ nòng.
Vấn đề này cũng đã từng được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ William LaPlante nêu ra vào tháng 10/2022. Trong đó, ông lưu ý rằng loại đạn 155mm do các quốc gia khác nhau sản xuất không tương thích với nhau về thành phần.
Nghĩa là, đạn M795 của Mỹ, DM-121 của Đức và OE 155 56/69 của Pháp có thể không tương thích về mặt công nghệ sản xuất, về ngòi nổ và lượng thuốc nổ trong mỗi viên đạn.
Như vậy vấn đề đạn 155mm trên chiến trường không chỉ nằm ở giá thành ngày càng cao mà còn do chất lượng của từng loại đạn được chế tạo, điều này đang cản trở những nỗ lực đảm bảo đạn 155mm của các nước phương Tây nói chung và Ukraine nói riêng.