Giả danh công an đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị tù chung thân
Thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc các đối tượng trộm cắp, mua bán trang phục lực lượng công an để giả làm cảnh sát đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Giả từ quần áo, biển tên đến BKS xe
Ngày 8/9, CAQ 11 (TPHCM) đã tạm giữ Trần Văn Sơn (sinh năm 1979, ngụ quận Tân Bình) và Trần Hồng Thái (sinh năm 1983, quê Hưng Yên) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Do làm ăn thua lỗ và thiếu nợ nhiều người nên Sơn đã nảy sinh ý định giả danh công an, uy hiếp người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này đã lên mạng xã hội đặt làm giấy chứng minh công an nhân dân giả mang tên Trần Quyết Thắng (sinh năm 1978), cấp bậc thiếu tá, chức vụ sỹ quan nghiệp vụ thuộc đơn vị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, lệnh bắt khẩn cấp, lệnh khám xét, quyết định phê chuẩn lệnh khám xét của Viện KSNDTC.
Sơn còn đặt mua 2 bộ trang phục CSND cấp hàm thiếu tá, thiếu úy, bảng tên, số hiệu và biển số xe ô tô màu xanh. Với trang phục này, Sơn và Trần Hồng Thái đã uy hiếp bà H về hành vi đánh bạc, cho vay lãi nặng nhằm chiếm đoạt số tiền từ 100-200 triệu đồng.
Trước đó, Đội CSHS-CATP Lào Cai đã bắt giữ khẩn cấp đối với 2 đối tượng Nguyễn Đức Anh (SN 1995, trú tại tổ 2 phường Cốc Lếu) và Lê Minh Cường (SN 1990, trú tại tổ 6, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai) về hành vi cưỡng đoạt tài sản
Qua điều tra ban đầu 2 đối tượng khai nhận, Đức Anh rủ Cường tới khu vực Công trường 5, xã Cam Đường để giả danh làm cảnh sát ma túy và bắt giữ các đối tượng mua bán, sử dụng ma túy, sau đó đòi tiền “phạt nóng”. Cả 2 đối tượng này đều nghiện ma túy.
Cách đây không lâu, CATP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã phát hiện đối tượng Tào Kim Đệ (SN 2001, ngụ xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu CAND trái phép
Tại trụ sở công an, Đệ khai mua trang phục CAND về để sử dụng cho oai; đồng thời, giao nộp bộ trang phục đang mặc, 1 bộ trang phục Cảnh sát cơ động, 1 bộ cầu vai kết hợp, 1 cây roi điện, 1 cây gậy 3 khúc và 1 còng số 8 cho cơ quan công an.Toàn bộ số tang vật này đều được Đệ khai nhận là mua từ trên mạng.
Hình phạt nào dành cho kẻ lừa đảo?
Được biết, Cờ truyền thống, Công an hiệu, trang phục CAND là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ CAND sử dụng khi thi hành công vụ.
Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và sử dụng đúng mục đích, đúng quy định. Cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Về chế tài xử lý các hành vi vi phạm, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 1, Khoản 5 Nghị định 29/2016/NĐ-CP nghiêm cấm việc sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán hay sử dụng trái phép cờ truyền thống, công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục công an.
Bên cạnh đó, Nghị định 124/2015/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán hay sử dụng trái phép trang phục, tư trang của lực lượng công an sẽ bị phạt tiền từ 500.000-200 triệu đồng.
Người vận chuyển hàng cấm, chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hay giao nhận hàng cấm cũng bị phạt tiền từ 500.000-100 triệu đồng.
Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) và Điều 192 (sản xuất, buôn bán hàng giả) BLHS 2015 với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Đối tượng sử dụng trái phép trang phục, tư trang của lực lượng công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu hình sự về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với khung hình phạt lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.