Giả danh nhân viên hàng không để lừa tiền, lừa tình

Ngày 24/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 13 năm tù đối với bị cáo Huỳnh Thị Kim Xuyến (sinh năm 1997, trú xã Phước Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 174, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Theo cáo trạng, cuối năm 2019, Xuyến quen biết anh Nguyễn Mạnh H (sinh năm 1995, là chuyên viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam). Khi mới quen, Xuyến không có việc làm ổn định nhưng lại nói dối anh H là đang làm việc tại Công ty Cổ phần hàng không Bamboo Airways. Đầu năm 2021, hai bên nảy sinh tình cảm yêu đương. Anh H chuyển về sống chung với Xuyến ở phòng trọ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Thời điểm này, do không trả tiền thuê nhà nên chủ nhà yêu cầu Xuyến chuyển đi chỗ khác. Để gian dối nhằm chứng minh bản thân có thu nhập tốt để chủ nhà tiếp tục cho thuê, Xuyến làm giả hợp đồng tuyển dụng của Công ty Bamboo Airways bằng cách tải mẫu hợp đồng lao động, chỉnh sửa mã nhân viên…

Cuối năm 2020, do cần tiền chi tiêu cá nhân, Xuyến nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của anh H và bạn bè của anh này dưới hình thức bán vé máy bay giá rẻ. Để thực hiện hành vi phạm tội, Xuyến nói dối bản thân chuyển sang làm việc tại Phòng Quản lý chất lượng bay của hãng Bamboo Airways, có quan hệ với trưởng phòng vé và có thể mua được vé máy bay giá rẻ của nhiều hãng hàng không khác nhau. Ngoài ra, Xuyến thường xuyên bảo anh H đưa đón mình đến chi nhánh công ty này tại Thành phố Hồ Chí Minh để anh H tin tưởng.

Thực tế, Xuyến đến các phòng vé của các hãng khác nhau, làm quen với nhân viên phòng vé, tìm hiểu thông tin về việc đặt vé máy bay… Trong thời gian sống chung với anh H, Xuyến biết các bạn bè của anh H, giới thiệu với họ bản thân có khả năng lấy được vé giá rẻ các hàng như: Vietnam Airline, Bamboo Airways, Vietjet Airways với nhiều mức giá từ 500 nghìn đồng - 1,85 triệu đồng cho cặp vé khứ hồi. Các vé trên là vé “mở”, có nghĩa là có thể bay tất cả ngày trong năm, trừ ngày lễ, Tết. Xuyến nói chỉ cần báo cho mình biết ngày, giờ bay trước 3 - 4 ngày là có thể bay được, giá vé gồm thuế, phí và được hoàn, hủy, hỗ trợ đổi chuyến bay, giờ bay…

Bị cáo cũng mời chào các bị hại cùng góp vốn kinh doanh để kiếm lợi nhuận. Để họ tin tưởng, ban đầu khi nhận tiền, Xuyến tự bỏ thêm tiền, đặt mua vé tại website chính thức của các hãng hoặc tại phòng vé Viettourist. Do một lần bay thành công nên các bị hại tin tưởng nhờ Xuyến đặt vé số lượng lớn hơn để sử dụng và kinh doanh.

Với số tiền đó, Xuyến chỉ đặt giữ chỗ một số vé hoặc lấy mã code vé “ảo” gửi cho khách. Tuy nhiên, do bị cáo không thanh toán tiền nên khách hàng ra đến sân bay không bay được. Khi đó, Xuyến lấy lý do lỗi hệ thống, lỗi phòng vé không xuất được vé. Xuyến bảo họ tự bỏ tiền ra mua vé rồi khi về sẽ hoàn lại.

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 11/2020 đến tháng 5/2022, Xuyến chiếm đoạt hơn 2,7 tỷ đồng của 6 bị hại. Riêng anh H tố cáo Xuyến chiếm đoạt của mình 668 triệu đồng.

Liên quan đến vụ án, nhiều người còn tố giác anh H đồng phạm với Xuyến trong việc lừa đảo chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, quá trình điều tra, Xuyến khai không bàn bạc, chia tiền với anh H. Bản thân anh H cũng bị Xuyến lừa đảo, chiếm đoạt tiền nên Công an không có căn cứ xác định anh H có hành vi đồng phạm với Xuyến.

Đối với hành vi làm giả hợp đồng lao động của Xuyến, do cơ quan Công an không thu được bản gốc nên không có căn cứ để xử lý Xuyến về hành vi này.

Kim Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/gia-danh-nhan-vien-hang-khong-de-lua-tien-lua-tinh-20240624184128401.htm