Giả danh shipper để lừa đảo trên không gian mạng

Theo nguồn tin của Báo Gia Lai, Công an tỉnh Gia Lai vừa tiếp nhận điều tra 1 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền lớn liên quan đến việc giả danh shipper. Đây là chiêu trò rất tinh vi mà nhiều người có thể trở thành nạn nhân nếu thiếu cảnh giác.

Nạn nhân là chị N.T.L. (SN 1987, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku). Trưa 18-7, khi đang đi du lịch cùng gia đình thì chị L. nhận được cuộc gọi của người tự nhận là shipper giao hàng thông báo chị có đơn hàng trị giá 145 ngàn đồng.

Vì là người thường xuyên mua hàng qua mạng nên chị L. không nhớ rõ được đây là đơn hàng gì nên đã báo cho shipper để hàng tại nhà rồi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng.

Chị L. đã nhấp vào đường link lạ rồi bị các đối tượng lừa đảo gần 500 triệu đồng. Ảnh: L.V.N

Chị L. đã nhấp vào đường link lạ rồi bị các đối tượng lừa đảo gần 500 triệu đồng. Ảnh: L.V.N

Lúc này, đối tượng đưa cho chị L. một số tài khoản tại VietinBank có tên “LAM NHUT LINH”. Sau khi chuyển 145 ngàn đồng vào tài khoản này thì đối tượng gọi lại cho chị L. thông báo chị đã chuyển nhầm số tài khoản của công ty giao hàng. Khi chuyển tiền vào thì tài khoản trên tự động kích hoạt gói cước hội viên của công ty. Mỗi tháng, người dùng bị trừ 3,5 triệu đồng. Sau khi kích hoạt, chị L. chỉ có một khoảng thời gian ngắn để hủy gói cước này.

Sau đó, đối tượng đề nghị chị L. liên hệ với nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty để được hủy gói hội viên qua tài khoản Messenger có tên “Cskh Giaohangtietkiem”. Vì lo lắng bị trừ số tiền 3,5 triệu đồng/tháng nên chị L. đã liên hệ với tài khoản này rồi làm theo hướng dẫn. Theo đó, đối tượng gửi cho chị L. một đường link có giao diện giả mạo của Giao hàng tiết kiệm và liên tục hối thúc chị L. làm theo. Trong khoảng hơn 30 phút, chị L. đã bị đối tượng sử dụng chiêu trò tinh vi để thao túng tâm lý.

Đỉnh điểm, đối tượng dẫn dụ chị L. tới thao tác nhập mã xác thực “499999999” để hoàn tất thủ tục hủy gói cước hội viên. Nhưng thực tế con số này chính là số tiền mà chị L. nhập để chuyển cho các đối tượng, tương đương 499,999 triệu đồng. Khi phát hiện mình đã chuyển số tiền này cho tài khoản có tên “BUI DUC TRUNG” tại VPBank, chị L. mới biết mình bị lừa.

Dẫu vậy, các đối tượng vẫn tiếp tục dụ dỗ chị chuyển thêm số tiền hơn 252 triệu đồng tương ứng với số dư còn lại trong tài khoản nhưng chị L. đã không thực hiện theo. “Tôi thường xuyên mua hàng nên cũng không nhớ mình có đặt đơn hàng nào 145 ngàn đồng hay không.

Lúc đó đang đi chơi cùng gia đình và số tiền ít nên tôi cũng chuyển luôn cho shipper mà không xác minh kỹ. Sau đó, chúng liên tục hối thúc không cho tôi thoát ra khỏi cuộc trò chuyện, dẫn dắt tôi làm các thao tác chuyển tiền. Đây là số tiền lớn với gia đình nhưng chỉ trong khoảnh khắc mất cảnh giác mà tôi đã bị chiếm đoạt mất”-chị L. buồn bã nói.

Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao: “Để không trở thành nạn nhân, người dân tuyệt đối không nghe theo lời đối tượng khi chưa biết rõ nhân thân mà chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định. Cùng với đó, không bấm vào các đường link lạ, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng”.

Cũng theo chị L, ngay sau khi phát hiện bị lừa, chiều 18-7, chị đã trình báo Công an tỉnh. Sau đó, chị được đơn vị thông báo sẽ phối hợp với VPBank-Chi nhánh Gia Lai để tạm khóa chiều ghi nợ với tài khoản “BUI DUC TRUNG”. Tuy nhiên, đến chiều 19-7, khi chị L. liên hệ lại thì nhận được thông báo rằng tài khoản này chỉ còn 37 triệu đồng số dư.

Trao đổi với P.V, Thượng tá Trần Trọng Sơn-Trưởng phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cho hay: Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của chị L, ngay trong chiều 18-7, đơn vị đã có công văn gửi VPBank-Chi nhánh Gia Lai về việc cung cấp thông tin phục vụ công tác điều tra, xác minh đơn tố giác tội phạm liên quan đến tài khoản “BUI DUC TRUNG”, trong đó có nội dung tạm khóa chiều ghi nợ, tạm ngừng cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử.

“Trong 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã phối hợp phong tỏa được hơn 6 tỷ đồng, tương ứng 43,9% tổng số tiền bị lừa đảo. Năm 2023, tỷ lệ này là 8,1%. Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời của các ngân hàng để ngăn chặn việc các đối tượng tẩu tán tiền lừa đảo”-Thượng tá Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo Thượng tá Sơn, đây là vụ đầu tiên đối tượng giả danh shipper lừa đảo mà đơn vị ghi nhận. Tại nhiều địa phương trên cả nước cũng đang rộ lên thủ đoạn lừa đảo tinh vi này và không ít người đã trở thành “con mồi” như chị L.

LÊ VĂN NGỌC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gia-danh-shipper-de-lua-dao-tren-khong-gian-mang-post286190.html