Khi tội phạm và tệ nạn cùng 'chui' vào Telegram ẩn nấp (Bài 3): Chung tay đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trên Telegram

LTS: Thế giới ngầm nở rộ trên Telegram nói riêng và không gian mạng nói chung, trở thành mối lo ngại thường trực đối với tất cả các quốc gia và cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong bối cảnh đó, yêu cầu chung tay đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ẩn nấp trên không gian mạng được nhiều quốc gia xác định là một nội dung cấp thiết trong bảo vệ và phát triển đất nước. Phóng viên An ninh Thủ đô ghi nhận các ý kiến xoay quanh chủ đề này. Lực lượng thực thi pháp luật trong bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh với các loại hình tội phạm mạng cần công cụ đủ mạnh; đồng thời không chỉ có cơ quan công an, cơ quan truyền thông, mà ngay cả các tổ chức, doanh nghiệp và người dân cũng cần trang bị nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng ứng dụng mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần có sự chung tay của các nước, thông qua cơ chế, khuôn khổ pháp lý song phương, đa phương, thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ trên lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng.

Thượng tá Đặng Mạnh Cường - Phó trưởng CAQ Nam Từ Liêm, Hà Nội: Telegram cần phải được quản lý theo quy định của pháp luật Việt Nam

Thời gian gần đây, qua các vụ án đã được CAQ Nam Từ Liêm điều tra làm rõ cho thấy nhiều ổ nhóm, đường dây đã lợi dụng tính bảo mật cao của mạng xã hội Telegram để thực hiện hành vi phạm tội. Điển hình như vụ án Nguyễn Duy Quang cùng đồng bọn làm giả con dấu, giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức đã bị CAQ Nam Từ Liêm điều tra khám phá vào tháng 6-2024 vừa qua.

Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, câu kết thành đường dây, sử dụng ứng dụng Telegram trên không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật. Trong đó, các đối tượng đã phân công vai trò, nhiệm vụ một cách cụ thể và liên lạc với nhau thông qua ứng dụng Telegram gây khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh. Không chỉ trong vụ án này mà thông qua công tác trinh sát, nắm tình hình địa bàn, các đơn vị nghiệp vụ của CAQ Nam Từ Liêm còn phát hiện các đối tượng đã triệt để lợi dụng Telegram với các tính năng bảo mật để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác như đánh bạc, mua bán dâm.

Hiện nay, máy chủ của ứng dụng Telegram được đặt ở nước ngoài, vì vậy để tăng cường phòng ngừa, đối phó với hành vi phạm tội qua ứng dụng này, cơ quan Nhà nước cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành ứng dụng tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam; đặt máy chủ và có ban kiểm soát điều hành tại Việt Nam; phối hợp với lực lượng công an khi điều tra các hành vi vi phạm pháp luật.

Thạc sỹ, giảng viên Dương Chí Bằng - Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Mở Hà Nội: Người dùng cần trang bị các biện pháp bảo mật

Theo thống kê, Telegram trong những năm gần đây tăng nhanh về số lượng người dùng tại Việt Nam. Nền tảng mạng xã hội này khác biệt so với các mạng xã hội khác bởi dễ dàng đăng ký bằng số điện thoại cá nhân mà không cần bất cứ thông tin nào khác. Nó lại có tính năng tự hủy tin nhắn và xóa dấu vết nên các đối tượng lừa đảo công nghệ cao rất ưa chuộng.

Hiện nay, để ngăn chặn Telegram hoàn toàn thì rất khó. Tuy nhiên, để phòng ngừa tội phạm hoạt động thì cần sự chung tay của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, cơ quan thông tấn, báo chí, thường xuyên phổ biến thông tin an ninh thường thức trên các kênh thông tin đại chúng. Bên cạnh đó là chính bản thân người dùng cần trang bị nâng cao kiến thức, nhận biết rõ các hành vi thiếu an toàn trên nền tảng này. Đồng thời có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân bởi người dùng đa phần coi Telegram là kênh phụ nên ít quan tâm đến việc bảo mật nhiều lớp, dễ dàng bị các đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn giả mạo. Nếu bấm vào những đường link của các đối tượng xấu sẽ dễ dàng bị khai thác thông tin và đánh cắp tài khoản. Từ đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản này để lừa những người thân, bạn bè của người dùng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Khánh Huyền (Ghi)

Ông Nguyễn Văn Thứ - Tổng Giám đốc An ninh mạng, Tập đoàn công nghệ BKAV: Sẵn sàng cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật cho cơ quan điều tra

Thời gian qua, BKAV đã đẩy mạnh tuyên truyền về an ninh mạng thông qua diễn đàn Whitehat, các trang mạng xã hội và tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo giúp người dân nâng cao nhận thức, chủ động phòng tránh các chiêu trò lừa đảo của tội phạm mạng nói chung, tội phạm lợi dụng mạng xã hội nói riêng. Bên cạnh đó, BKAV cũng luôn sẵn sàng cung cấp thông tin, hỗ trợ kỹ thuật để cùng với các lực lượng chức năng điều tra và xử lý các vụ án liên quan đến tội phạm mạng. Tuy nhiên, rõ ràng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm lợi dụng mạng xã hội như Telegram để hoạt động cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, ban, ngành và kể cả người dân. BKAV cũng kiến nghị cần xây dựng và ban hành các quy định pháp luật chặt chẽ để quản lý hoạt động của các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng có tính ẩn danh cao như Telegram. Đồng thời hoàn thiện khung pháp lý, bổ sung các hình thức phạt đủ sức răn đe hơn.

Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng môi trường mạng xã hội để hoạt động nên rất cần tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, phối hợp với các quốc gia khác để đấu tranh phòng chống. Chúng ta cần phải tiếp tục tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ và giải pháp an ninh mạng để khắc phục các điểm yếu, giúp mọi người tham gia vào môi trường mạng an toàn hơn. Quan trọng nữa là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp cho người dân và các cơ quan, tổ chức nâng cao được nhận thức, chủ động phòng tránh các hành vi nguy hiểm của tội phạm trên không gian mạng nói chung và “núp bóng” các mạng xã hội nói riêng.

Tú Anh (Ghi)

P.V

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khi-toi-pham-va-te-nan-cung-chui-vao-telegram-an-nap-bai-3-chung-tay-dau-tranh-phong-ngua-toi-pham-tren-telegram-post588553.antd