Giả danh 'soái ca' dụ đầu tư tiền ảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội đã giả danh 'soái ca', tiếp cận người bán, cho thuê bất động sản để dụ dỗ đầu tư vào các sàn tài chính, tiền ảo giả mạo.

Thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Một trong những chiêu trò nổi bật mà các đối tượng sử dụng là tiếp cận người dân từng tham gia đăng tin, bài trên các hội nhóm, website mua bán, cho thuê bất động sản, sau đó dụ dỗ họ đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, các đối tượng thường giả mạo tài khoản mạng xã hội, sử dụng hình ảnh của những cá nhân có ngoại hình ưa nhìn để gây thiện cảm. Chúng tham gia vào các nhóm, fanpage liên quan đến bất động sản – chủ yếu trên nền tảng Facebook – nhằm tiếp cận các cá nhân (đa phần là nữ giới, có điều kiện kinh tế) có bài đăng cho thuê, bán nhà, đất. Sau khi tương tác, chúng gửi lời mời kết bạn, tạo cớ hỏi thêm thông tin rồi dần dần tiếp cận.

Trong quá trình giao tiếp, các đối tượng sẽ chuyển dần sang trò chuyện về cuộc sống cá nhân nhằm tạo sự gần gũi. Chúng thường tự giới thiệu là người từng có hoàn cảnh khó khăn, hiện đã thành đạt và đang sinh sống, làm việc ổn định ở nước ngoài với những nghề nghiệp có thu nhập cao như bác sĩ, kỹ sư công nghệ thông tin. Một số còn bịa chuyện vợ mất sớm hoặc ly hôn, hiện đang độc thân để tạo thêm lòng tin và sự đồng cảm từ nạn nhân.

Khi đã chiếm được cảm tình, các đối tượng bắt đầu giới thiệu và mời chào nạn nhân tham gia đầu tư vào các sàn tài chính, chứng khoán, tiền ảo do chúng lập ra. Nếu nạn nhân còn ngần ngại, chúng đưa tài khoản “người thân” (bố, mẹ…) để nạn nhân đăng nhập và thử giao dịch. Trong giai đoạn này, các lệnh giao dịch đều thắng, lợi nhuận cao (5–50%), đi kèm với những lời khẳng định chắc nịch như “phân tích có thể thắng 100%” để tạo lòng tin tuyệt đối.

Sau khi nạn nhân tin tưởng và bắt đầu tham gia, đối tượng sẽ hướng dẫn cụ thể cách mở tài khoản và giao dịch. Giai đoạn đầu, việc rút tiền từ hệ thống được thực hiện dễ dàng qua ví điện tử, ví tiền ảo hoặc chuyển khoản ngân hàng, từ đó củng cố lòng tin của người bị hại. Các đối tượng tiếp tục thúc giục nạn nhân nạp thêm tiền để đầu tư lớn hơn, hứa hẹn lợi nhuận cao, thậm chí giả vờ nộp thêm vào tài khoản người thân để tạo sự đồng hành.

Tuy nhiên, khi số tiền nạn nhân nạp vào hệ thống lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, các đối tượng sẽ “đánh cháy” tài khoản hoặc khóa với lý do phát hiện bất thường. Nếu nạn nhân yêu cầu rút tiền, chúng sẽ viện cớ như chưa đóng thuế thu nhập cá nhân, yêu cầu nộp thêm 30–40% số tiền để “giải ngân”. Nhưng kể cả khi nạn nhân tiếp tục nộp thêm, chúng vẫn từ chối cho rút tiền với những lý do khác nhau. Khi nạn nhân không còn khả năng tài chính, các đối tượng cắt liên lạc, đánh sập website, chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Trước thủ đoạn trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người chủ động tiếp cận, hỏi han thân mật hoặc mời gọi đầu tư. Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân hay làm theo hướng dẫn của người chưa xác minh rõ danh tính, lai lịch.

Ngoài ra, khi tham gia đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo… qua các sàn giao dịch trực tuyến, cần tìm hiểu kỹ thông tin, chỉ đầu tư vào những sàn đã được cơ quan nhà nước cấp phép, có địa chỉ và văn phòng rõ ràng. Không nên tin vào những sàn có địa chỉ ảo, giả mạo, hoặc thiếu thông tin minh bạch.

Bộ Công an cũng khuyến nghị, khi nghi ngờ bản thân có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân nên chủ động tìm hiểu thông tin qua mạng, tham khảo ý kiến từ người thân, bạn bè, và sớm trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời. Đồng thời, cần thông báo ngay với ngân hàng chủ quản để phong tỏa tài khoản, tránh bị kẻ gian tiếp tục chiếm đoạt tài sản.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/gia-danh-soai-ca-du-dau-tu-tien-ao-chiem-doat-hang-ty-dong-141601.html