Giá đất tiếp tục 'nhảy múa' tại huyện ngoại thành Hà Nội
Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vừa tổ chức đấu giá thành công 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc). Trong đó, giá trúng cao nhất lên tới 75 triệu đồng/m2, cao hơn gấp 3 lần giá khởi điểm và tăng so với hai phiên đấu giá gần đây.
Giá trúng cao nhất 75 triệu đồng/m2
Ngày 16/9, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ tổ chức bán đấu giá 13 thửa đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc. Các lô đất có ký hiệu ĐG44 đến ĐG62 với diện tích 108-129 m2, giá khởi điểm đều từ 23,4 triệu đồng/m2.
Cuộc đấu giá này có 140 hồ sơ đăng ký, tương ứng tỷ lệ gần 11 hồ sơ cùng quan tâm một lô đất. Kết thúc buổi đấu giá, 13 lô đều được bán thành công. Trong đó, lô trúng cao nhất với giá 75 triệu đồng/m2, lô thấp nhất là 28,6 triệu đồng/m2.
Trước đó, ngày 29/8, phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ thu hút hơn 650 hồ sơ và khoảng 350 nhà đầu tư tham gia đã diễn ra thành công khi 39 lô đất đều tìm được chủ sở hữu. Giá trúng cao nhất ghi nhận mức 60 triệu đồng/m2.
Ngày 10/9, cuộc đấu giá đất huyện Phúc Thọ tại 3 xã Trạch Mỹ Lộc, Thọ Lộc và Xuân Đình đã thu hút gần 200 người và hơn 400 hồ sơ hợp lệ tham gia. Các thửa đất có diện tích từ 97,1 - 162,9 m2, với giá khởi điểm từ 19,8 - 25 triệu đồng/m2. Thửa đất có diện tích 127 m2, ký hiệu ĐG 26 có giá trúng cao nhất đạt 69,8 triệu đồng/m2 (tương đương khoảng 9 tỷ đồng). Mức giá này cao hơn khoảng 10 triệu đồng/m2 so với lô trúng cao nhất cùng khu vực đấu giá trong phiên ngày 29/8.
Đáng chú ý, thửa đất ĐG58 trong phiên đấu ngày 16/9 (giá trúng 75 triệu đồng/m2) và ĐG26 trong phiên ngày 10/9 (69,8 triệu đồng/m2) cùng nằm ở mặt đường tỉnh lộ, tại vị trí góc và đối diện nhau, tuy nhiên, chỉ sau 6 ngày, mức giá trúng đã tiếp tục tăng hơn 5 triệu đồng/m2.
Như vậy, trong cả 3 phiên đấu giá đất huyện Phúc Thọ từ 29/8 đến nay, đều có sự xuất hiện của các lô đất tại khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc. Giá các thửa đất trúng liên tục lập cột mốc mới tăng dần lên sau mỗi phiên.
Sau những phiên đấu giá thành công với giá trúng tăng dần, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức đấu giá 28 thửa đất tại xã Tam Hiệp và xã Thọ Lộc vào tháng 10 tới. Trong đó, 3 thửa đất tại khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp có giá khởi điểm từ 66,7 triệu đồng/m2. Tương ứng người tham gia đấu giá cần đặt trước từ gần 1,8 tỷ đến hơn 2 tỷ đồng.
25 thửa đất khu Đồng Phươm, xã Lộc Thọ có giá khởi điểm 19,8 triệu đồng/m2, tương ứng tiền đặt trước từ 532 triệu - 746 triệu đồng mỗi lô (diện tích 134 - 188,4 m2). Tại phiên đấu giá ngày 10/9, 9 thửa đất ở Đồng Phươm, xã Thọ Lộc ghi nhận mức trúng cao nhất là 25,6 triệu đồng/m2, thấp nhất 23,4 triệu đồng/m2.
Giá trúng tại các phiên đấu giá đất vùng ven đang cao 'bất thường'
Kể từ đầu tháng 8 đến nay, các cuộc đấu giá đất tại loạt huyện ven như Thanh Oai, Hoài Đức đã gây xôn xao thị trường với mức trúng cao kỷ lục trên 100 triệu đồng/m2. Trong đó, một lô đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức có mức trúng được đẩy lên tới hơn 133,3 triệu đồng/m2. Sau đó, các cơ quan quản lý đã yêu cầu kiểm tra, chấn chỉnh công tác đấu giá đất trên địa bàn TP Hà Nội.
Hiện tại, trong số 68 lô đất trúng đấu giá ở huyện Thanh Oai, mới có 13 nhà đầu tư nộp tiền dù đã hết thời hạn thanh toán. Các lô này chỉ có giá trúng từ 51,6 triệu đến 55 triệu một m2. Còn 55 lô trúng từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng một m2 đều bỏ cọc...
Do đó, nhiều người hoài nghi đây là cách thức của các nhóm đối tượng đầu cơ gây sốt ảo nhằm thu lợi bất chính.
Nhận định về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho biết, giá đất trung bình ở các khu vực ngoại thành như Hoài Đức hay Thanh Oai rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng/m2 là hợp lý. Một trong những nguyên nhân khiến những phiên đấu giá đất này thu hút rất đông người tham gia là do giá khởi điểm thấp, chỉ khoảng 7 triệu đồng/m2, bởi mức giá này vẫn tính theo bảng giá đất cũ và nhân với hệ số, trong khi mặt bằng giá thị trường phổ biến ở mức 30-40 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, do giá khởi điểm thấp nên tiền cọc cũng thấp theo, càng tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ tham gia và sẵn sàng bỏ cọc.
Tuy nhiên, những lô đất đấu giá với mức giá trúng lên đến 133 triệu đồng/m2 là hết sức bất thường. Nếu đất ở khu vực vùng ven giá đã hàng trăm triệu đồng/m2 thì ở khu vực đô thị sẽ tăng khủng khiếp, làm cho phát triển kinh tế chậm lại, những người có nhu cầu ở thực sẽ khó có cơ hội tiếp cận nhà ở.
Giá đất tăng đột biến có thể tạo ra xu hướng đầu cơ đất đai, khi nhiều người đổ xô mua đất với hy vọng kiếm được lợi nhuận cao. Điều này có thể gây ra tình trạng dòng tiền bị “ứ đọng” trong đất, thay vì được lưu thông trong các hoạt động kinh tế khác.
Ông Thịnh phân tích: “Có thể có những nhà đầu cơ đã mua nhiều mảnh đất ở các khu vực xung quanh đó, nên họ muốn nhân cuộc đấu giá này để đẩy giá đất ở khu vực này lên một mặt bằng mới. Từ đó, họ có thể bán được những mảnh đất đã mua với lợi nhuận cao. Với các trường hợp này, họ sẵn sàng bỏ cọc với những mảnh đất đấu giá khi lợi nhuận họ kiếm được cao gấp nhiều lần”.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLaw cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đấu giá đất mất kiểm soát, cần có những biện pháp quyết liệt và đồng bộ từ phía chính quyền. Những giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ, sẽ góp phần đáng kể vào việc kiểm soát tình trạng thổi giá và đầu cơ trên thị trường bất động sản.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, cần tăng cường giám sát chặt chẽ các cuộc đấu giá đất, nâng mức đặt cọc đấu giá và yêu cầu minh bạch thông tin về người tham gia đấu giá. Điều này giúp giảm thiểu sự tham gia của các nhóm đầu cơ và đảm bảo rằng các cuộc đấu giá diễn ra công bằng, minh bạch. Cần xác định rõ các tiêu chí nhận diện hành vi đầu cơ, bao gồm việc sở hữu nhiều BĐS, thời gian nắm giữ dưới 5 năm, và bất động sản không sử dụng. Dựa trên các tiêu chí này, có thể áp dụng các sắc thuế phù hợp để ngăn chặn đầu cơ.