Giá dầu biến động giữa căng thẳng Trung Đông

Nguy cơ về một đòn trả đũa của Iran và phe 'trục kháng chiến' nhắm vào Israel sau vụ lãnh đạo Hamas bị ám sát thúc đẩy những biến động trên thị trường dầu mỏ.

Trung Đông đang đối mặt nguy cơ xảy ra xung đột lớn sau khi lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran (Iran).

Hamas và Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ việc và thề sẽ đáp trả kiên quyết. Về phần Israel, dù nước này không nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng tuyên bố đã sẵn sàng cho bất cứ điều gì xảy ra và sẽ đáp trả mạnh nếu bị tấn công.

Diễn biến trên làm dấy lên lo ngại về những biến động trên thị trường dầu mỏ khi Trung Đông vốn khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới, nơi giữ vai trò to lớn trong an ninh năng lượng toàn cầu.

Nỗi lo về căng thẳng Trung Đôngkhiến giá dầu tăng nhẹ

Theo đài CNBC News, giá dầu đã tăng khoảng 1 USD trong phiên giao dịch ngày 6-8 xuất phát từ lo ngại rằng leo thang căng thẳng Trung Đông có thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu.

Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 1,25 USD (tăng 1,6%) lên mức 77,55 USD/thùng trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,35 USD (tương đương 1,9%) lên 74,29 USD/thùng.

Việc dầu tăng giá ngày 6-8 đã khiến giá dầu ổn định hơn sau thời gian suy thoái. Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 5-8, giá dầu thô Brent giảm 0,86% xuống còn 76,15 USD/thùng, giá dầu thô WTI giảm 1,03% xuống còn 72,76 USD/thùng.

Giá dầu giảm xuất phát từ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, và sức mua hạn chế của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Căng thẳng Trung Đông đã đảo ngược tình hình này.

“Nỗi lo sợ gia tăng về xung đột leo thang ở Trung Đông đã thúc đẩy hoạt động mua mới. Thị trường phần lớn đã tính đến một cuộc tấn công trả đũa của Iran nên trọng tâm là quy mô của đòn trả đũa và phản ứng của Israel” - ông Hiroyuki Kikukawa, Chủ tịch của NS Trading, một đơn vị thuộc công ty chứng khoán Nissan Securities (Nhật), nhận định.

 Lo ngại về xung đột Trung Đông đẩy giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 6-8. Ảnh: SHUTTER STOCK

Lo ngại về xung đột Trung Đông đẩy giá dầu tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 6-8. Ảnh: SHUTTER STOCK

Tác động tiềm tàng của căng thẳng Trung Đông đến giá dầu

Điều khiến nhiều người lo ngại lúc này là một đòn tấn công trực tiếp của Iran và phe “trục kháng chiến” vào lãnh thổ Israel, kết hợp với xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas sẽ đẩy khu vực vào khủng hoảng và làm gián đoạn nguồn cung dầu mỏ.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia năng lượng Simon Watkins, Iran còn một số lựa chọn trả đũa khác, bao gồm việc đe dọa phá vỡ hoạt động vận chuyển qua Eo biển Hormuz, nơi khoảng 30% lượng dầu thế giới đi qua.

Tehran cũng có thể thúc giục nhóm vũ trang Houthis (Yemen) tăng cường các hoạt động tấn công nhằm vào tàu chở dầu đi qua Biển Đỏ. Trong quá khứ, Houthis đã từng khiến giá dầu tăng đột biến bằng một cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia.

Ngoài ra, với tư cách là quốc gia thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Iran có thể thúc đẩy lệnh cấm vận dầu mỏ với Israel và các đồng minh của Israel.

Dù Iran áp dụng một trong các kịch bản trên hay áp dụng kết hợp các kịch bản để gây áp lực lên Israel và các đồng minh, giá dầu thế giới chắc chắn sẽ chịu tác động.

Tác động ngắn hạn hay lâu dài phụ thuộc vào quy mô của đòn trả đũa và phản ứng của Israel. Nếu hai bên kiềm chế hành động như trong xung đột hồi tháng 4, mức tăng với giá dầu sẽ hạn chế, chuyên gia Kikukawa nói thêm.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/gia-dau-bien-dong-giua-cang-thang-trung-dong-post803990.html