Giá dầu châu Á chiều 8/2 giảm từ mức cao kỷ lục bảy năm
Giá dầu châu Á giảm trong phiên 8/2, trước khi Mỹ và Iran nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân, điều có thể mở đường cho việc dỡ bỏ các trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, từ đó làm tăng nguồn cung toàn cầu.
Giá dầu Brent giảm 22 xu Mỹ, hay 0,24%, xuống 92,47 USD/thùng vào lúc 14 giờ 16 phút (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức cao kỷ lục bảy năm là 94 USD/thùng trong phiên trước. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu Mỹ, hay 0,16%, xuống 91,18 USD/thùng.
Giá của hai loại dầu này gần đây đã chạm mức cao nhất trong bảy năm, nhờ nhu cầu toàn cầu mạnh, căng thẳng tiếp diễn tại Đông Âu và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do các điều kiện thời tiết giá lạnh tại Mỹ.
Các cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 sẽ được nối lại trong ngày 8/2, sau 10 ngày dừng. Mỹ đã tái áp dụng một số miễn trừ trừng phạt, trong khi Iran đang yêu cầu việc dỡ bỏ hoàn toàn và Mỹ bảo đảm không thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt.
Nhà phân tích Edward Moya tại công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho rằng, dù sự lạc quan về các cuộc đàm phán đã khuyến khích hoạt động chốt lời, sự sụt giảm của giá dầu có thể là ngắn hạn khi thị trường vẫn trong tình trạng thiếu cung.
Theo nhà phân tích trên, khi nhu cầu dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, thị trường dầu mỏ sẽ hoàn toàn chịu tác động của cả phía nguồn cung và các rủi ro địa chính trị.
Tại Mỹ, các nhà máy lọc dầu tại Texas đã dừng hoạt động vào cuối tuần trước do tình trạng mất điện trên toàn thành phố trong điều kiện thời tiết giá lạnh, dù một số đang khôi phục hoạt động hoặc đã hoạt động trở lại gần như bình thường.
Dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ có thể tăng trong tuần trước. Dự trữ dầu thô được dự báo tăng khoảng 700.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 4/2.