Giá dầu châu Á giảm trước nỗi lo nhu cầu đi xuống
Giá dầu châu Á giảm trong phiên chiều 30/8, xóa bỏ một phần mức tăng của phiên trước do thị trường lo ngại rằng việc các ngân hàng trung ương mạnh tay tăng lãi suất có thể dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu và làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 10/2022 giảm 56 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 104,53 USD/thùng vào lúc 13 giờ 20 phút (giờ Việt Nam). Hợp đồng giao tháng 11/2022 của loại dầu này cũng mất 0,4% xuống 102,57 USD/thùng.
Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 14 xu Mỹ (0,1%) xuống 96,86 USD/thùng. Trước đó trong phiên 29/8, hai loại dầu trên lần lượt tăng 4,1% và 4,2%.
Giới quan sát lo ngại rằng lạm phát ở mức cao kỷ lục gần hai con số ở nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu phải tăng lãi suất mạnh hơn.
Các nhà phân tích từ công ty dịch vụ đầu tư Haitong Futures cho biết nhu cầu đối với các tài sản rủi ro đã “nguội đi” với dự đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu giảm cũng làm tăng thêm những bất ổn cho bức tranh khủng hoảng năng lượng khu vực.
Một yếu tố khác cũng đè nặng lên giá dầu là thông tin từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sản lượng dầu của Nga cũng đã vượt kỳ vọng bất chấp cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, IEA cho rằng Nga sẽ ngày càng khó duy trì hoạt động sản xuất khi nước này “ngấm” các lệnh trừng phạt của phương Tây.
IEA cũng cho biết các quốc gia thành viên của tổ chức này có thể xuất thêm dầu từ các kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) nếu họ thấy cần thiết, khi chương trình hiện tại hết hạn.
Tuy nhiên, những xung đột chính trị xảy ra trong đêm 29/8 ở Iraq, nhà sản xuất lớn thứ hai của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã hỗ trợ giá dầu phần nào.
Cũng giúp nâng đỡ giá “vàng đen” là tình hình nguồn cung vẫn thắt chặt. Saudi Arabia - nhà sản xuất dầu hàng đầu của OPEC hồi tuần trước đã đưa ra khả năng cắt giảm sản lượng. Các nguồn tin cho biết động thái trên có thể trùng hợp với sự gia tăng nguồn cung từ Iran nếu nước này đạt được thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Nhóm OPEC+, bao gồm OPEC với Nga và các nhà sản xuất lớn ngoài khối sẽ nhóm họp để bàn thảo về vấn đề chính sách vào ngày 5/9 tới.