Giá dầu giảm 30% trong 2 tháng bất chấp mọi dự báo, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?
Giá dầu thế giới hiện đang ở mức dưới 90 USD/thùng. Ngày càng nhiều nhà đầu tư năng lượng cho rằng trong dài hạn giá dầu sẽ đi xuống.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2, các chuyên gia năng lượng dự đoán giá dầu có chạm mốc 200 USD/thùng - mức giá sẽ đẩy chi phí vận chuyển lên cao ngất, làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại, giá dầu ở mức thấp hơn thời điểm trước khi xảy ra xung đột, giảm hơn 30% trong vòng chưa đầy hai tháng. Hôm 15/8, tin tức nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và một đợt cắt giảm lãi suất của Bắc Kinh khiến giá dầu giảm thêm, xuống dưới 90 USD/thùng.
Giá xăng giảm mỗi ngày trong 9 tuần qua. Giá nhiên liệu máy bay, dầu dầu diesel cũng đang giảm. Điều đó kéo theo chi phí cho thức ăn hay vé máy cũng giảm theo.
Nhưng các chuyên gia cho rằng lúc này ăn mừng vẫn còn quá sớm. Giá năng lượng xuống nhanh, nhưng cũng thể vọt lên bất cứ lúc nào, bất ngờ và rất đột ngột.
Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nhu cầu về dầu chắc chắn sẽ tăng. Tới tháng 11, Mỹ sẽ ngừng rút dầu từ kho dự trữ chiến lược, đồng nghĩa Washington sẽ cần nạp thêm dầu.
Một sự kiện đơn lẻ bất ngờ, chẳng hạn như một cơn bão làm ngập kênh Houston Ship (Texas) và khiến một số nhà máy lọc dầu ở Vịnh Mexico ngừng hoạt động trong nhiều tuần hoặc thậm chí vài tháng có thể khiến giá dầu tăng vọt.
Một thảm họa như vậy có thể tạo ra các làn sóng thủy triều cho nền kinh tế Mỹ và thậm chí là toàn cầu vì giá năng lượng là yếu tố cơ bản đối với giá cả của mọi thứ được sản xuất và vận chuyển, dù đó có là lương thực thực phẩm hay vật tư xây dựng.
"Giá dầu luôn tiềm ẩn khả năng gây bất ngờ", chuyên gia năng lượng Daniel Yergin cho hay.
Giá dầu có thể giảm nếu Iran đồng ý với dự thảo thỏa thuận hạt nhân mới, mở đường để thị trường nhận thêm hơn một triệu thùng dầu mỗi ngày.
Ngoài ra, viễn cảnh lãi suất tiếp tục tăng khiến nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế dự đoán suy thoái, giảm nhu cầu, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp thấp và lợi nhuận đang trên đà phục hồi.
"Tôi nghĩ giá dầu có thể giảm xuống. Chúng ta có nhiều tác nhân cộng lại ở cùng một lúc: Trung Quốc giảm nhập khẩu dầu thô trong quý 3, mùa hè xăng dầu đã kết thúc, chúng ta có những mối lo về kinh tế suy giảm. Ngoài ra, nguồn cung hiện khá dồi dào", Sarah Emerson - chủ tịch công ty phân tích ESAI Energy nhận định.
Nhưng bà lưu ý điều đó không đồng nghĩa giá dầu sẽ không tăng trở lại trong bối cảnh châu Âu có thể sẽ đốt dầu thay cho khí đốt vào mùa đông lạnh giá sắp tới.
Khi giá dầu giảm, nhiều chi phí cho ngành công nghiệp và nông nghiệp, bao gồm cả hóa chất và phân bón nói chung cũng tăng theo. Và việc vận chuyển sẽ trở nên hạn chế hơn. Nhưng khi dầu tăng mạnh, như năm 2008 và những năm 1970, chúng có xu hướng làm tăng giá các mặt hàng khác và kìm hãm nền kinh tế nói chung.
Theo NYT, rất khó để dự đoán giá năng lượng vì có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, bao gồm kỳ vọng của các thương lái - những người mua và bán nhiên liệu, biến đổi chính trị tại các quốc gia sản xuất dầu như Venezuela, Nigeria và Libya cũng như quyết định đầu tư của giám đốc các công ty dầu nhà nước và tư nhân.
Xung đột ở Ukraine hiện vẫn là một biến số lớn với việc tăng giảm giá dầu khi Nga chiếm 10% lượng cung ứng dầu ra thị trường toàn cầu.
Trước khi đưa quân sang nước láng giềng, Nga sản xuất 10 triệu thùng dầu mỗi ngày. Nhưng con số này sau đó giảm 580.000 thùng/ngày. Các lệnh trừng phạt của châu Âu với dầu Nga dự kiến được thắt chặt vào đầu năm tới sẽ khiến thị trường mất thêm khoảng 600.000 thùng dầu mỗi ngày từ Nga.
Và khi Nga thắt chặt hơn nữa việc bán khí đốt cho châu Âu, lục địa già sẽ buộc phải đốt nhiều dầu hơn để thay thế cho khí đốt.
Thị trường năng lượng cũng đang gửi đi các tín hiệu trái chiều. Trong dự báo tuần trước, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu xăng dầu sẽ yếu đi so với dự kiến ban đầu trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tin rằng nhu cầu toàn cầu sẽ tăng vào năm 2023 sẽ tăng lên gần 103 triệu thùng/ngày.
Nguồn cung đang tăng dần lên do sản xuất được mở rộng ở Guyana, Brazil và Mỹ. Điều này cũng được ghi nhận ở Ả Rập Xê-út và các quốc gia vùng Vịnh, dù không nhiều như chính quyền Tổng thống Joe Biden mong muốn. OPEC và các đối tác, bao gồm cả Nga đã hứa sẽ tăng sản lượng thêm 600.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, dù họ đã giảm nhẹ so với mức đó.
Triển vọng lọc dầu cũng đang được cải thiện, điều này có thể làm giảm giá xăng và các loại nhiên liệu khác. Trong khi công suất lọc dầu ở Châu Âu và Mỹ đã giảm trong những năm gần đây, công suất lọc dầu đang tăng lên ở Trung Đông, Châu Mỹ Latinh, Châu Á và Châu Phi.
Một yếu tố khác là nhu cầu tương đối thấp ở Hoa Kỳ, quốc gia chiếm hơn một phần ba nhu cầu xăng dầu toàn cầu. Mùa lái xe vào dịp hè ở Mỹ thường ngốn tới 400.000 thùng/ngày. Nhưng tới nay, nhu cầu xăng dầu vẫn không có nhiều biến động so với mức trung bình Xu hướng đó có thể thay đổi khi giá giảm. Theo Bộ Năng lượng, người Mỹ đã tăng tiêu thụ xăng thêm 508.000 thùng/ngày so với tuần trước. Tuy nhiên, mức tiêu thụ vẫn hơn 300.000 thùng/ngày so với một năm trước.
Một yếu tố nữa là các nước đang tìm cách thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Ngày càng nhiều nhà đầu tư năng lượng hoài nghi về tương lai của vận tải dầu mỏ và cho rằng giá cả trong dài hạn sẽ có xu hướng đi xuống.
"Nhu cầu về xe điện đang tăng lên. Điều đó gửi đi rất nhiều tín hiệu", Daniel Sperling - chuyên gia giao thông tại Đại học California cho biết.
Tham khảo: NYT