Giá dầu giằng co giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị và nguồn cung
Phiên 19/11, giá dầu ít biến động, khi dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine làm dấy lên nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng việc mỏ Johan Sverdrup nối lại sản xuất đã hạn chế đà tăng của dầu.
Khép lại phiên này, giá dầu
Brent Biển Bắc tăng 1 xu Mỹ, lên 73,31 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 0,3%, tương đương 23 xu Mỹ, lên 69,39 USD/thùng.
Nga cho biết Ukraine đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa ATACMS của Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga vào ngày 19/11. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả cuộc tấn công này là sự leo thang của phương Tây. Ngày 19/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh phê chuẩn học thuyết hạt nhân mới. Trong số các điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân nay có việc phóng tên lửa đạn đạo ồ ạt nhằm vào Nga.
Nhà phân tích Daniel Hynes của ngân hàng ANZ nhận định, điều này đánh dấu sự gia tăng căng thẳng mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.
Giới quan sát thị trường cũng chỉ ra những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu hàng đầu, đang mua dầu thô nhiều hơn. Nhà phân tích năng lượng Alex Hodes của StoneX, trích dẫn dữ liệu từ công ty theo dõi tàu Kpler, cho biết lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đang trên đà kết thúc tháng 11/2024 ở mức cao nhất mọi thời đại hoặc gần bằng mức đó. Ông Hodes cho rằng Trung Quốc có thể đã tăng cường mua dầu trong tháng này do giá hiện tại ở mức tương đối tốt.
Tuy nhiên, trong diễn biến làm hạn chế đà tăng của giá dầu, công ty Equinor đã nối lại một phần hoạt động sản xuất từ mỏ Johan Sverdrup (Na Uy) ở Biển Bắc, mỏ dầu lớn nhất Tây Âu, một ngày sau khi sự cố mất điện ở đây góp phần đẩy giá dầu tăng 3%.
Bên cạnh đó, số liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã tăng 4,75 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 15/11.