Giá đậu nành đang có lợi cho ngành chăn nuôi

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam là quốc gia lớn thứ 2 thế giới (sau Indonesia) về nhập khẩu khô đậu nành, được sử dụng làm nguồn cung cấp protein chính trong tất cả các công thức thức ăn chăn nuôi và thủy sản.

Xu hướng thế giới

Báo cáo định kỳ đầu tháng 12 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho thấy thị trường đậu nành toàn cầu vẫn dự kiến dư thừa nguồn cung trong mùa vụ 2023-2024 hiện tại. Trong đó, sản lượng đậu nành có khả năng thu hoạch 398,9 triệu tấn, tăng 24,5 triệu tấn (tương đương tăng 6,5%) so với vụ trước. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt gần 384 triệu tấn, tăng 19,8 triệu tấn.

Như vậy cán cân cung-cầu mùa vụ hiện tại dự kiến thặng dư khoảng 14,9 triệu tấn, nối tiếp mức thặng dư 10,3 triệu tấn của mùa vụ năm ngoái. Sau 2 năm thặng dư liên tiếp, dự kiến tồn kho cuối mùa vụ khoảng 114,21 triệu tấn, vượt qua mức kỷ lục tồn kho của mùa vụ 2018-2019. Tỷ lệ tồn kho so với nhu cầu tiêu thụ cuối mùa vụ 2023-2023 dự kiến khoảng 29,7%, là tỷ lệ cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Đối với khô đậu nành, sản lượng mùa vụ 2023-2024 được dự báo tăng 4,96% so với mùa vụ trước, đạt 258,7 triệu tấn. So với nhu cầu tiêu thụ dự kiến đạt 253,6 triệu tấn, cán cân cung-cầu của khô đậu nành cũng dư thừa khoảng 5,1 triệu tấn. Mặc dù cán cân thặng dư, nhưng tỷ lệ tồn kho cuối vụ so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 6,2%, thấp hơn so với tỷ lệ tồn kho trung bình của 12 năm là 6,7%.

Cung-cầu khô đậu nành thặng dư là nhờ vào 3 yếu tố: chuỗi cung ứng sản xuất (nghiền đậu) đã gần như khôi phục trở lại như bình thường trước đại dịch, tác động của thời tiết La Nina trước đó đã không còn ảnh hưởng tới năng suất cây trồng, và xu hướng mở rộng diện tích trồng đậu nành sau khi chứng kiến 2 mùa vụ giá tăng cao trước đó.

Thị trường đậu nành Việt Nam

Về nguồn cung trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo diện tích trồng đậu nành mùa vụ hiện tại chỉ đạt 28.000 ha, giảm so với diện tích 30.000 ha của mùa vụ 2022-2023. Do xu hướng chung của nông dân Việt Nam chuyển sang các loại cây trồng có lợi nhuận cao hơn, như trái cây và rau quả có thể vừa phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và cho cả xuất khẩu.

Với năng suất chỉ có 1,6 tấn/ha (trung bình thế giới hơn 2,8 tấn/ha), sản lượng đậu nành trong nước dự kiến đạt 45.000 tấn, thấp hơn con số 48.000 tấn vụ trước. Dù sao, sản lượng trồng đậu nành của Việt Nam thực sự quá nhỏ so với nhu cầu tiêu thụ 2,65 triệu tấn được dự báo cho mùa vụ 2023-2024.

Như vậy, Việt Nam dự kiến nhập khẩu khoảng 2,6 triệu tấn đậu nành trong mùa vụ hiện tại, sử dụng cho nhu cầu làm thực phẩm và làm nguyên liệu cho nhà máy nghiền đậu nành; tăng mạnh 30% so với mùa vụ 2022-2023.

Trong con số 2,65 triệu tấn nhu cầu đậu nành tiêu thụ của mùa vụ năm nay, có 550.000 tấn được sử dụng làm thực phẩm; 200.000 tấn được dùng làm hạt giống và thức ăn chăn nuôi trực tiếp; và 1,9 triệu tấn được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy nghiền đậu nành.

Nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy nghiền ở vụ này tăng mạnh 41% so với con số 1,35 triệu tấn của vụ trước, do hoạt động đầu tư vào công suất nhà máy mới. Hiện tại, Việt Nam đang có 2 nhà máy nghiền (một ở phía Bắc và một ở phía Nam). Nhà máy nghiền ở phía Nam đã lên kế hoạch mở rộng thêm 1 dây chuyền mới trong năm 2024. Đồng thời, một dự án nhà máy nghiền mới cũng đang trong giai đoạn xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.

Do công suất nghiền đậu nành được đầu tư tăng thêm, dự kiến nhu cầu nhập khẩu khô đậu nành của Việt Nam mùa vụ 2023-2024 giảm xuống còn 4,8 triệu tấn, so với con số 4,9 triệu tấn của vụ trước.

Trong đó, Argentina là nhà cung cấp mặt hàng khô đậu nành lớn nhất cho Việt Nam với tỷ trọng hơn 48% thị trường, tiếp theo là Brazil với tỷ trọng 27%, và thứ 3 là Ấn Độ chiếm 12%. Nhu cầu tiêu thụ khô đậu nành sử dụng làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam được dự báo đạt 6,2 triệu tấn, tăng 3,2% so với mùa vụ 2022-2023.

Xu hướng giá đậu nành thời gian tới

Thống kê tính chu kỳ biến động giá từ năm 2000-2022, giai đoạn từ tháng 10 hàng năm, giá đậu nành thường nằm trong xu hướng tăng tới tháng 5 của năm sau. Và giai đoạn giảm giá thường bắt đầu từ tháng 5 tới tháng 10. Tuy nhiên, với sản lượng được dự báo dư thừa đáng kể so với nhu cầu tiêu thụ (chưa tính tới tác động của suy thoái kinh tế), giá đậu nành khó có thể duy trì xu hướng tăng tới tháng 5-2024 theo tính chu kỳ như mọi năm.

Trong ngắn hạn sắp tới, giá vẫn có khả năng được hỗ trợ bởi yếu tố mùa vụ tiêu thụ dịp Tết ở quốc gia có nhu cầu lớn nhất là Trung Quốc. Nhưng sau thời gian đó, yếu tố dư thừa lớn vẫn sẽ là nguyên nhân chi phối đáng kể tới xu hướng giá.

Một vài yếu tố khác có thể hỗ trợ cho giá đậu nành, đó là xu hướng toàn cầu về các nguồn năng lượng thay thế, đặc biệt là nhu cầu sử dụng nhiên liệu sinh học từ đậu nành ngày càng tăng; hoặc như tác động của thời tiết El Nino hiện tại có thể ảnh hưởng xấu đến nguồn cung nhiều hơn dự kiến, từ đó làm cán cân cung – cầu trở nên cân bằng hơn.

Tuy nhiên, về mặt xác suất, các yếu tố ảnh hưởng xấu lên giá đậu nành đang chiếm ưu thế. Hiệu ứng El Nino được dự báo đang ở đỉnh và dự kiến giảm dần từ đầu năm 2024. Trong khi đó, hiệu ứng trì trệ trong thành phần kinh tế tiêu dùng đang có dấu hiệu bắt đầu theo như kỳ vọng chính sách của các ngân hàng trung ương lớn.

Và như vậy để tránh rủi ro về mặt tài chính (giảm tỷ lệ nợ trong hoạt động kinh doanh), xu hướng đặt lệnh bán trên sàn để phòng hộ cho hàng tồn kho giảm giá hoặc chủ động giảm giá hàng thực để đẩy nhanh bán hàng, hạ tỷ lệ tồn kho xuống có lẽ là xu hướng chiếm ưu thế trong thời gian tới.

Phạm Tuấn

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/gia-dau-nanh-dang-co-loi-cho-nganh-chan-nuoi-post110824.html