Giá dầu ngọt nhẹ WTI và dầu Brent Biển Bắc biến động trái chiều

Khép lại phiên giao dịch ngày 31/5, giá dầu thế giới sự tăng, giảm xen kẽ do thông tin liên quan đến việc Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện lệnh cấm vận một phần đối với dầu mỏ của Nga - nước xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia.

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Một cơ sở khai thác dầu trên đảo Khark, ngoài khơi Vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại thị trường giao dịch New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 giảm 40 cent (0,35%), còn 114,67 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 7 tăng 1,17 USD (0,96%), chốt phiên ở mức 122,84 USD/thùng.

Theo thỏa thuận đã nhất trí giữa các nước thành viên EU và được Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC), Charles Michel công bố, lệnh cấm vận này có sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến 75% sản lượng dầu nhập khẩu của Nga và con số sẽ tăng lên 90% vào cuối năm nay. Một số nước thành viên EU sẽ tạm thời được miễn thực hiện lệnh cấm vận này, theo đó tiếp tục được nhập khẩu dầu mỏ của Nga để đảm bảo nguồn cung nội địa.

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế, trong tháng 4, các nước EU mỗi ngày vẫn nhập khẩu 3,4 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga. Như vậy, với lệnh cấm vận trên, trong vài tháng tới, EU sẽ phải tìm kiếm nguồn cung để bù đắp khoảng 3 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Hiện các doanh nghiệp đang ngóng chờ cuộc họp chủ chốt thảo luận về kế hoạch khai thác dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+), dự kiến diễn ra vào 2/6.

Báo Wall Street Journal dẫn thông tin từ các phái đoàn của OPEC cho biết dù OPEC không có quyết định chính thức nào trong việc sẽ gia tăng sản lượng để bù đắp cho khả năng thiếu hụt nguồn cung từ Nga, nhưng một số thành viên ở vùng Vịnh đã bắt đầu lên kế hoạch cho việc nâng công suất trong một vài tháng tới.

Lan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-ngot-nhe-wti-va-dau-brent-bien-bac-bien-dong-trai-chieu-20220601092100237.htm