Giá dầu tăng nhiệt theo tình hình Trung Đông

Trong phiên giao dịch chiều 29/7, giá dầu châu Á thu hẹp mức giảm của tuần trước, giữa những lo ngại về tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Giá dầu châu Á đi lên

Vào lúc 13 giờ 50 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn tăng 40 xu Mỹ (0,5%) lên 81,53 USD/thùng; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 34 xu Mỹ (0,4%) lên 77,50 USD/thùng.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm 1,8% còn giá WTI giảm 3,7% khi nhu cầu của Trung Quốc yếu đi và căng thẳng tại Trung Đông có dấu hiệu dịu bớt.

Tuy nhiên, phiên này, nhà phân tích Toshitaka Tazawa tại công ty chứng khoán Fujitomi Securities cho rằng sự gia tăng căng thẳng tại Trung Đông đã thúc đẩy hoạt động mua vào.

Nghị viện Arab ngày 28/7 đã chỉ trích mạnh mẽ các cuộc không kích của Israel nhằm vào một trường học được người Palestine di tản sử dụng làm nơi trú ẩn ở miền Trung Gaza hôm 27/7, khiến ít nhất 30 người thiệt mạng, bao gồm cả trẻ em.

Dù vậy, mức tăng của giá dầu vẫn hạn chế do lo ngại nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc. Số liệu được công bố hồi đầu tháng cho thấy tổng lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm 11% trong nửa đầu năm 2024. Thống kê này đã làm dấy lên lo ngại về triển vọng nhu cầu tại quốc gia khổng lồ tại châu Á, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Theo nhà phân tích thị trường độc lập Tina Teng, những lo ngại về nhu cầu vẫn là yếu tố chính gây sức ép lên giá dầu thô. Trong quý II/2024, kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc, khi nhu cầu tiêu dùng nội địa yếu.

Nhà phân tích trên cho rằng thị trường đang chờ đợi quyết định lãi suất sắp tới của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc.

Chứng khoán châu Á xanh sàn

Trong phiên giao dịch 29/7, thị trường chứng khoán châu Á đi lên, theo sau đà tăng của Phố Wall khi lạm phát của Mỹ giảm trong tháng 6 làm dấy lên hy vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo tăng 2,1% lên 38.468,63 điểm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải tăng 0,03% lên 2.891,85 điểm; còn chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 1,5% lên 17.279,02 điểm.

Theo các chuyên gia, trong phiên giao dịch đầu tuần, tâm lý lạc quan đang chi phối thị trường. Đà tăng của phiên này giúp bù đắp một phần những thua lỗ lớn trong tuần trước sau khi kết quả kinh doanh đáng thất vọng của các tập đoàn công nghệ Tesla và Alphabet gây ra làn sóng bán tháo trên thị trường.

Trong phiên cuối tuần trước, cả ba chỉ số chính tại Mỹ đều tăng hơn 1% sau khi chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) giảm xuống 2,5% trong tháng trước. Số liệu này thúc đẩy đồn đoán về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới và thêm hai lần cắt giảm nữa trước tháng 1 năm tới.

Chuyên gia Christian Scherrmann tại công ty quản lý tài sản DWS cho rằng mức tăng lạm phát thấp hơn dự kiến đã làm hài lòng cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách. Trong khi thị trường lao động vẫn đang trên đà hướng tới trạng thái cân bằng tốt hơn.

Tuy nhiên, nhà phân tích Stephen Innes của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management lưu ý vẫn còn những rủi ro phía trước.

Tuần này, các nhà giao dịch đang chờ đợi quyết định chính sách của Fed và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), báo cáo việc làm quan trọng của Mỹ vào ngày 2/8 và kết quả kinh doanh của các công ty lớn.

Theo các nguồn tin, BoJ có thể cân nhắc việc có tăng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới và công bố kế hoạch giảm một nửa lượng mua trái phiếu trong những năm tới hay không. Động thái này cho thấy quyết tâm rút dần các biện pháp kích thích tiền tệ mạnh mẽ.

Cuối ngày 29/7 chỉ số VN-Index tăng 4,49 điểm (0,36%) lên 1.246,60 điểm, còn chỉ số HNX-Index tăng 0,86 điểm (0,36%) lên 237,52 điểm.

Giá vàng tăng nhẹ

Chiều 29/7, giá vàng châu Á đi lên, giữa những kỳ vọng về khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.390 USD/ounce.

Nhà phân tích Kelvin Wong, của OANDA nhận định giá vàng sẽ dao động phạm vi hẹp trước khi diễn ra cuộc họp của Fed và các bình luận của Chủ tịch Jerome Powell. Nếu thị trường nhận được thông điệp về lập trường ôn hòa hơn và dữ liệu việc làm yếu hơn, giá vàng có thể hướng tới mốc 2.450 USD/ounce. Dự kiến, Fed sẽ nhóm họp vào ngày 30 - 31/7 và được dự báo giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25 - 5,5% tại cuộc họp này.

Theo nhà phân tích Wong, vàng sẽ tăng cao hơn nếu tình hình tại Trung Đông nóng lên.

Hiệp hội Vàng Trung Quốc cho biết trong nửa đầu năm 2024 sản lượng vàng của nước này đã tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước lên 179,634 tấn.

Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 77,50 - 79,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Trà My (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/gia-dau-tang-nhiet-theo-tinh-hinh-trung-dong-20240729163838524.htm