Giá dầu tăng trong tuần qua trước căng thẳng Trung Đông và tín hiệu từ OPEC+
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 2/3, cũng như cả tuần qua, trước những diễn biến làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Trung Đông.
Thị trường cũng đang đợi xem liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có gia hạn các mức cắt giảm sản lượng sẽ hết hạn vào tháng Ba tới.
Khép lại phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Tư tăng 1,71 USD, hay 2,2%, lên 79,97 USD/thùng. Tình chung cả tuần qua, giá dầu WTI với kỳ hạn giao gần nhất này tăng 4,6%, sau khi khép lại tháng Hai với mức tăng 3,2%, theo Dow Jones Market Data.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1,64 USD trong phiên này, hay 2%, lên 83,55 USD/thùng và tăng 3,4% trong cả tuần qua.
Trước đó, giá dầu đã tăng liên tục trong hai phiên đầu tuần này, do nhu cầu tiêu thụ dầu diesel ở châu Âu tăng và nhiều nguồn tin cho hay OPEC+ đang cân nhắc kéo dài các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện sang quý II để hỗ trợ thêm cho thị trường. Nhưng giá dầu lại đảo chiều đi xuống trong hai phiên sau đó, trước số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng tháng thứ năm liên tiếp.
Ông Tyler Richey, chuyên gia của công ty nghiên cứu kinh tế Sevens Report Research, nhận định tình hình căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đang đang ngày càng trở thành một động lực thúc đẩy giá dầu trong năm 2024.
Bên cạnh đó, quyết định sản lượng sắp tới của OPEC+ cũng là một yếu tố tác động mạnh đến thị trường "vàng đen". Ông Carsten Fritsch, chiến lược gia hàng hóa của ngân hàng Commerzbank, cho rằng nếu OPEC+ giữ nguyên các mức cắt giảm hiện tại đến hết năm nay, đây sẽ là một tín hiệu mạnh mẽ có lợi cho giá dầu vì thị trường dầu sẽ thắt chặt đến hết năm. Mặt khác, khả năng OPEC+ chỉ kéo dài các mức cắt giảm này sang quý II đã được giới giao dịch tính đến, và vì thế nó sẽ không khiến giá dầu biến động nhiều.
Ông Manish Raj, Giám đốc quản lý của công ty Velandera Energy Partners, cho biết thị trường dầu đang cân bằng, với giá được hỗ trợ tốt ở mức gần 80 USD/thùng, và có thể tăng trên trên ngưỡng này nếu OPEC+ xác nhận kéo dài các mức cắt giảm sản lượng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ấn định rõ thời điểm hạ lãi suất.
Mức giá dầu gần 80 USD/thùng là mức giá hấp dẫn đối với các nhà sản xuất dầu Mỹ để gia tăng sản lượng. Công ty dầu khí Baker Hughes Co. mới đây cho biết số giàn khoan đang hoạt động của Mỹ đã tăng tuần thứ hai liên tiếp lên 506 giàn trong tuần này. Đây là chỉ báo cho thấy sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng trong tương lai.
Trong khi đó, số liệu chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) mới đây của Mỹ là một tin vui khi nó không vượt dự đoán như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trước đó. Chỉ số PCE đã xoa dịu phần nào những lo ngại chính sách của Fed và giúp đưa tâm lý lạc quan về khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ quay lại thị trường. Đây là một yếu tố sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu dầu.