Giá dầu thế giới chỉ biến động nhẹ trong tuần qua

Theo Dow Jones Market Data, giá dầu WTI giao tháng 6/2024 giảm 1 USD, hay 1,3%, xuống 78,26 USD/thùng tại New York trong phiên cuối tuần, mức thấp nhất trong một tuần.

Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cơ sở dự trữ dầu thô ở California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Cùng giảm trong phiên 10/5, nhưng giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ và giá dầu Brent chỉ biến động nhẹ nếu tính trong cả tuần, trong bối cảnh các nhà giao dịch đang cân nhắc đánh giá về triển vọng của nhu cầu dầu, cũng như các rủi ro đối với nguồn cung tại Trung Đông.

Theo Dow Jones Market Data, giá dầu WTI giao tháng 6/2024 giảm 1 USD, hay 1,3%, xuống 78,26 USD/thùng tại New York trong phiên cuối tuần, mức thấp nhất trong một tuần. Khi tính chung cả tuần, giá loại dầu này tăng 0,2%.

Trong khi đó, phiên 10/5, giá dầu Brent giao tháng 7/2024 giảm 1,09 USD, hay 1,3%, xuống 82,79 USD/thùng tại London, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3. Nếu tính theo tuần, giá dầu này giảm 0,2%.

Giá dầu nhận được sự hỗ trợ từ triển vọng nhu cầu của Trung Quốc và những diễn biến tại Trung Đông. Phóng viên TTXVN tại Trung Đông dẫn các nguồn tin cho biết Israel đã bắt đầu tăng cường tấn công thành phố Rafah ở cực Nam của Gaza, sau khi cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn giữa nước này với lực lượng Hamas đổ vỡ.

Trong khi đó, niềm tin tiêu dùng tại Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến đã làm mờ đi triển vọng về nhu cầu năng lượng của Mỹ.

Theo ông Tyler Richey, đồng biên tập tại Sevens Report Research, báo cáo của Đại học Michigan về niềm tin tiêu dùng tại Mỹ là số liệu mới nhất cho thấy lạm phát đình trệ (kinh tế đình đốn trong khi lạm phát cao), điều sẽ gây sức ép lên các tài sản rủi ro và giá dầu đã lao dốc sau báo cáo này.

Thống kê về hoạt động nhập khẩu trong tháng 4/2024 của Trung Quốc mạnh hơn dự kiến đã có tác động tích cực đến giá dầu, khi cho thấy nhu cầu của nước ngày gia tăng.

Theo Carsten Fritsch, nhà phân tích về hàng hóa tại Commerzbank, giá dầu giảm khiến các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nước đồng minh, nhóm OPEC+, khó khăn hơn trong việc cho phép dừng dần những nỗ lực cắt giảm sản lượng tự nguyện vào cuối tháng Sáu tới.

Nhìn lại tuần qua, giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong một tuần trong phiên 9/5 khi số liệu từ Trung Quốc và Mỹ cho thấy nhu cầu tại hai quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới này có thể tăng lên. Trước đó, trong phiên 8/5, giá dầu bật tăng sau khi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm do các máy nhà lọc dầu tăng dần sản lượng. Trong phiên 7/5, giá dầu giảm nhẹ, khi có những dấu hiệu cho thấy lo ngại về nguồn cung dịu bớt, trong khi các nhà giao dịch chuyển hướng chú ý tới số liệu về dự trữ của Mỹ. Còn trong phiên giao dịch đầu tuần (6/5), giá nhích nhẹ khi có nguy cơ thỏa thuận ngừng bắn giữa lực lượng Hamas và Israel khó thành hiện thực.

Lê Minh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gia-dau-the-gioi-chi-bien-dong-nhe-trong-tuan-qua/332760.html