Giá dầu thế giới tăng trước nguy cơ gián đoạn nguồn cung từ Nga

Một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, Utah (Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 28/2, khi các nước phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, điều có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 3,06 USD, hay 3,1%, lên 100,99 USD/thùng sau khi có thời diểm chạm mức cao nhất trong phiên là 105,07 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 4,13 USD, hay 4,5%, lên 95,72 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên đến 99,10 USD/thùng.

Nga đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, từ dầu đến ngũ cốc, sau khi các nước phương Tây ban hành các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga và loại nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống SWIFT.

Chuyên gia phân tích của ngân hàng Commerzbank (Đức) Carsten Fritsch cho biết Nga có thể đáp trả các biện pháp này bằng cách giảm hay thậm chí là ngừng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu năng lượng sang châu Âu.

Goldman Sachs dự đoán giá các loại hàng hóa mà Nga là nhà sản xuất lớn sẽ tăng mạnh từ giờ, trong đó ngân hàng này đã nâng mức giá dự đoán của dầu Brent từ 95 USD/thùng lên 115 USD/thùng.

Theo cố vấn cho Tổng thống Ukraine, các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga đã bắt đầu tại biên giới Belarus nhằm đi đến một thỏa thuận giảm bớt căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Chuyên gia của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ) Jeffrey Halley dự đoán nếu cuộc gặp này có tiến triển, thị trường sẽ có sự đảo chiều mạnh.

Dù tăng nhưng giá dầu trong phiên này vẫn chịu phần nào áp lực sau khi tờ Wall Street Journal đưa tin Mỹ và nhiều nước tiêu thụ dầu lớn khác đang cân nhắc giải phóng 70 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ khẩn cấp của mình.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 2/3. OPEC+ được dự đoán vẫn giữ kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào tháng 4. Trước thềm cuộc họp này, OPEC+ đã điều chỉnh giảm khoảng 200.000 thùng/ngày trong mức thặng dư dự đoán của thị trường dầu trong năm 2022 xuống còn 1,1 triệu thùng/ngày, cho thấy sự thắt chặt của thị trường “vàng đen”.

Trong khi đó, trong phiên giao dịch ngày 28/2, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York tăng khi căng thẳng địa chính trị ở Ukraine tiếp tục "leo thang”. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4/2022 tăng 13,1 USD, tương đương 0,69%, lên 1.900,7 USD/ounce vào lúc đóng cửa. Giá vàng thế giới tăng 5,8% trong tháng 2.

Không có dấu hiệu giảm leo thang giữa các nước phương Tây và Nga khi Mỹ cùng với các đồng minh bổ sung thêm các lệnh trừng phạt mới đối với Nga vào cuối tuần vừa qua. Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có kết quả.

Ngoài ra, giá vàng nhận thêm sự hỗ trợ khi số liệu kinh tế Mỹ ngày 28/2 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) Chicago trong tháng Hai giảm từ 65,2 (điểm) trong tháng Một xuống còn 56,3 (điểm). Cũng trong phiên giao dịch này, giá bạc giao tháng 5/2022 tăng 34,9 xu Mỹ (1,45%) lên 24,36 USD/ounce lúc đóng cửa. Còn giá bạch kim giao tháng 4/2022 giảm 11,4 USD (1,09%) xuống 1.038,7 USD/ounce.

Căng thẳng Nga - Ukraine cũng đang làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các ngân hàng trung ương phải đối mặt như chi phí năng lượng tăng đẩy lạm phát ngày càng cao. Giám đốc bộ phận kinh tế và tiền tệ tại Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), được mệnh danh là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương, ông Claudio Borio cho biết "căng thẳng Nga - Ukraine leo thang đã làm gia tăng mạnh những bất ổn kinh tế” và diễn tiến của nó sẽ trở thành nhân tố chi phối, ảnh hưởng đến các thị trường.

Ông Claudio Borio nhấn mạnh: “Trong bối cảnh đó, thách thức của các ngân hàng trung ương ngày càng trở nên phức tạp hơn khi áp lực lạm phát gia tăng ngay cả khi triển vọng tăng trưởng đã yếu đi”.

Giá năng lượng đã tăng vọt liên quan đến căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu do lo ngại nguồn cung từ Nga ngày càng giảm hoặc bị cắt hoàn toàn. Giá dầu thô Brent đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, trong khi giá khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan cũng tăng hơn 30% trong phiên giao dịch ngày 28/2.

Lạm phát tăng vọt đã đặt ra nhiều vấn đề đối với các ngân hàng trung ương về việc có nên tăng lãi suất hay không và tăng đến mức nào khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi các biện pháp hạn chế để chống đại dịch COVID-19 được dỡ bỏ.

Mặc dù BIS không bình luận về các lệnh trừng phạt quốc tế áp đặt đối với Nga liên quan đến tình trạng căng thẳng gia tăng với Ukraine, phát ngôn viên của ngân hàng hoạt động như tổ chức trung lập, có trụ sở tại Thụy Sĩ này, bà Jill Forden cho biết BIS sẽ tuân theo các lệnh trừng phạt Nga.

Trước đó, ông Fabio Panetta, thành viên hội đồng điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB nên có phản ứng thận trọng đối với sự bất ổn kinh tế liên quan đến tình hình Nga - Ukraine, do tình trạng căng thẳng "leo thang" này có nguy cơ làm gia tăng lạm phát và kìm hãm tăng trưởng trong Khu vực đồng euro (Eurozone).

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271457/gia-dau-the-gioi-tang-truoc-nguy-co-gian-doan-nguon-cung-tu-nga.html