Giá dầu thô khó lường vì đàm phán giữa Mỹ và Iran

Giới phân tích nhận định dù đàm phán giữa Mỹ và Iran thành hay bại thì thị trường dầu mỏ toàn cầu vẫn sẽ chịu ảnh hưởng lớn tự sự kiện đó.

Hồi tuần trước, các quan chức Mỹ, Iran và châu Âu đã tập trung về thủ đô Vienna (Áo) nhằm kéo chính quyền Washington và Tehran quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Mỹ - Iran coi cuộc đàm phán hôm 6/4 là một "bước tiến hữu ích" và mang "tính xây dựng" dù đại diện hai bên không trực tiếp trao đổi với nhau mà thông qua bên trung gian là quan chức châu Âu.

Bình luận về cuộc đàm phán ở Vienna, bà Helima Croft, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa của RBC Capital Markets, nhận định: "Các cuộc thảo luận diễn ra ở thời điểm khá nhạy cảm. Trong vài tuần nữa, Iran sẽ bước vào mùa bầu cử mới và nếu các bên không đạt được đột phá lớn, những cuộc đàm phán trong tương lai có thể đi vào bế tắc".

Dù giới quan sát coi các cuộc đàm phán là bước tiến quan trọng trong nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân, nhưng không bên nào kỳ vọng sẽ có biến chuyển tích cực xảy ra. Iran muốn Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế thời cựu Tổng thống Trump trước khi tuân thủ lại các quy định trong thỏa thuận, song khả năng Nhà Trắng nhượng bộ rất thấp.

"Tôi tin rằng chúng ta không nên đặt kỳ vọng quá cao", ông Albert Wolf, giảng viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế John Hopkins, cảnh báo.

Dư luận càng hoài nghi khi quan chức châu Âu tham gia đàm phán với tư cách trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran, CNBC cho biết thêm.

"Thậm chí chưa có cuộc thảo luận chính thức hay không chính thức nào giữa hai nước, cho nên ở thời điểm hiện tại, tôi cho là các cuộc đàm phán rồi sẽ đi đến thất bại", Albert Wolf nói.

Các chuyên gia khác, bao gồm cựu Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ Ernest Moniz, nhận định Washington không còn nhiều thời gian.

Sau cuộc bầu cử vào tháng 6 tới, chính phủ mới của Iran được dự đoán là sẽ tăng cường đường lối cứng rắn với Mỹ, đặc biệt là sau nhiều năm nền kinh tế trong nước bị tổn hại nặng nề dưới các lệnh trừng phạt của chính quyền ông Trump.

Mỹ và Iran quay trở lại bàn đàm phán vào ngày 9/4 (theo giờ địa phương). Theo CNBC, chính các quan chức Mỹ cũng không thực sự kỳ vọng vào một đột phá lớn. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price thừ nhận: "Chúng tôi nhận thức rõ những thách thức trên chặng đường sắp tới. Hiện giờ hai bên chỉ mới bước vào giai đoạn đầu".

Là một trong những nhà sản xuất dầu thô lớn nhất của OPEC, song xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm mạnh sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Nếu chính quyền Tổng thống Joe Biden bỏ các lệnh trừng phạt, dầu thô của Iran có thể ồ ạt trở lại thị trường và tác động lớn đến thị trường dầu mỏ toàn cầu. Bà Croft của RBC Capital Markets nói những "diễn biến đáng chú ý" trong đàm phán hạt nhân tại Vienna có thể khiến các chuyên gia tăng dự báo sản lượng dầu thô mà Iran bơm ra thị trường.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này nói thêm rằng nếu Washington hoặc Tehran đào sâu vào các tranh chấp và không đạt được bước tiến nào, cơ hội khôi phục thỏa thuận hạt nhân và xuất khẩu dầu thô của Iran trong năm nay sẽ tan biến.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs dự đoán xuất khẩu dầu thô của Iran không thể phục hồi hoàn toàn trong năm 2021. Trong báo cáo hôm 6/4, Goldman Sachs lập luận: "Dù xuất khẩu dầu thô của Iran tăng nhẹ hồi đầu năm nay, chúng tôi tin rằng phải đến mùa hè năm 2022 thì ngành dầu mỏ Iran mới phục hồi hoàn toàn, nghĩa là nhiều khả năng Mỹ và Iran sẽ quay lại thỏa thuận hạt nhân vào đầu năm 2022".

"Ngay cả khi hai bên đạt thỏa thuận sớm hơn, chúng tôi cũng không thay đổi dự báo năm 2022, vì liên minh dầu mỏ OPEC chắc chắn sẽ phản ứng để kiểm soát cán cân cung - cầu của thị trường cũng như đa phần đều tin phải đến năm sau thì Iran mới đồng ý quay lại thỏa thuận", các nhà phân tích ở Goldman Sachs tiết lộ thêm.

Vài tháng gần đây, sản lượng dầu thô của Iran tăng rõ rệt và đạt khoảng 2,14 triệu thùng/ngày vào tháng 2, S&P Global Platts cho biết. Sản lượng thời gian qua tăng 190.000 thùng/ngày so với mức đáy 33 năm là 1,95 triệu thùng/ngày xác lập hồi tháng 8 năm ngoái.

CNBC chỉ ra rằng sản lượng dầu của Iran cải thiện xuất phát từ việc Tehran âm thầm tăng cường xuất khẩu năng lượng đến Trung Quốc để thách thức Nhà Trắng. Với biệt danh "tàu ma", các tàu chở dầu của Iran thường bí mật di chuyển với sự giúp đỡ của các hệ thống chống phát hiện tàu biển như AIS.

Trong khi các quan chức Mỹ lên án hành động của Iran thì bà Croft cảnh báo rằng đòn bẩy kinh tế của Washington với Tehran có thể suy yếu khi giá dầu tiếp tục phục hồi và xuất khẩu dầu thô của Iran sang Trung Quốc tăng thêm.

"Có vẻ Iran không thực sự sợ hãi tột độ với viễn cảnh họ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt từ chính phủ Mỹ", bà Croft bình luận.

Nhã Vy

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gia-dau-tho-kho-luong-vi-dam-phan-giua-my-va-iran-d20211.html