Giá dầu thô lao dốc sau khi Hoa Kỳ tuyên bố xả bán lượng dầu thô kỷ lục ra thị trường
Giá dầu thô thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh sau khi Hoa Kỳ tuyên bố xả bán lượng dầu thô kỷ lục ra thị trường và liên minh OPEC+ đồng ý tăng nhẹ sản lượng khai thác kể từ tháng 5/2022. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các hành động này chỉ giúp giảm nhiệt giá dầu thô trong năm nay.
Cụ thể, vào lúc 9h00 sáng nay ngày 1/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5/2022 đã giảm mạnh 4,88% xuống còn 107,91 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2022 giảm 0,79% xuống mức 99,49 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm mạnh sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công bố quyết định sẽ xả bán ra thị trường lượng dầu thô cao kỷ lục, lên tới 1 triệu thùng/ngày, từ kho dự trữ dầu thô chiến lược quốc gia (SPR) trong vòng 180 ngày nhằm hạ nhiệt giá nhiên liệu.
Đây được xem là động thái chưa từng có tiền lệ trên thị trường toàn cầu khi một quốc gia tung ra lượng lớn dầu thô dự trữ trong khoảng thời gian lâu như vậy. Thông báo của chính quyền ông Joe Biden nhấn mạnh “Lượng dầu thô dự trữ khổng lồ được tung ra sẽ giúp tăng đáng kể nguồn cung trên thị trường từ nay cho đến cuối năm 2022 trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ”.
Hãng phân tích thị trường năng lượng ClearView Energy Partners (Hoa Kỳ) cho biết khó có thể đánh giá được tác động sự can thiệp lần này của Hoa Kỳ. Trước đó, vào tháng 11/2021, Hoa Kỳ chỉ tung ra thị trường 50 triệu thùng dầu thô từ kho dự trữ chiến lược.
Bên cạnh đó, tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Hoa Kỳ) cho rằng hành động can thiệp của chính quyền ông Joe Biden sẽ giúp thị trường dầu mỏ trở nên cân bằng hơn trong năm 2022 nhưng sẽ không giúp giải quyết triệt để nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung trong những năm tiếp theo.
Hiện nhiều quốc gia khai thác dầu thô lớn đang đối mặt với tình trạng suy kiệt phần công suất khai thác dự phòng do thiếu hụt đầu tư mới để duy trì các khu vực khai thác hiện tại cũng như tìm kiếm các mỏ dầu mới. Goldman Sachs nhấn mạnh thị trường dầu mỏ thế giới hiện không có một vùng đệm tồn kho đủ lớn và độ co giãn của nguồn cung yếu khiến thị trường dễ rơi vào các cú sốc giá.
Goldman Sachs cũng đặt ra bài toán việc giá dầu thô hạ nhiệt trọng năm 2022 sẽ kích thích nhu cầu sử dụng tăng lên nhưng sẽ kìm hãm sự mở rộng trong hoạt động khai thác dầu mỏ, đặc biệt là đối với dầu đá phiến – loại hình khai thác vốn có chi phí cao và cần giá dầu thô giữ ở mức đủ cao để đảm bảo sinh lời. Điều này có thể khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong năm 2023 trở nên trầm trọng hơn. Trong khi đó, Hoa Kỳ sẽ cần phải tái bổ sung lượng lớn dầu thô cho kho dự trữ chiến lược sau 2 năm xả bán.
Giá dầu thô còn chịu áp lực tiêu cực từ việc liên minh OPEC+ quyết định sẽ nâng mức công suất khai thác thêm lên 432.000 thùng/ngày kể từ tháng 5/2022. Con số này tăng nhẹ so với mức 400.000 thùng/ngày mà khối này đã thông báo trong những tháng trước.
Trước đó, nhiều chuyên gia phân tích nhận định liên minh OPEC+ sẽ khó có thể tăng thêm công suất khai thác bất chấp việc giá dầu thô tăng cao. Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, hiện kiểm soát hơn 50% nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Một số nhà phân tích hoài nghi cho rằng liên minh OPEC+ sẽ khó có thể đạt được mức công suất khai thác mới tuyên bố khi tổ chức này vẫn không thể đạt mức khai thác mục tiêu cũ do thiếu hụt công suất khai thác dự phòng.