Giá dầu thô lao dốc trở lại, nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 lần hai tăng cao và tăng trưởng kinh tế suy giảm

Giá dầu thô giảm mạnh 6% trở lại sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao, số ca nhiễm mới Covid-19 tại nhiều nước tăng nhanh trở lại và dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục giảm.

Thị trường dầu mỏ phản ứng tiêu cực với thông tin số ca nhiễm mới Covid-19 tại nhiều quốc gia gia tăng trở lại và nhu cầu sử dụng dầu mỏ có thể chưa phục hồi vững chắc (Ảnh: romaniajournal.ro)

Thị trường dầu mỏ phản ứng tiêu cực với thông tin số ca nhiễm mới Covid-19 tại nhiều quốc gia gia tăng trở lại và nhu cầu sử dụng dầu mỏ có thể chưa phục hồi vững chắc (Ảnh: romaniajournal.ro)

Chốt phiên giao dịch ngày 24/6, giá dầu thô Brent giao tương lai đã giảm 5,4% tương ứng 2,32 USD/thùng xuống còn 40,31 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng giảm 2,36 USD/thùng tương ứng 5,8% xuống còn 38,01 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch hôm qua, giá dầu thô Brent đã có lúc chạm mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020 – thời điểm ngay trước khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu và cuộc chiến dầu mỏ giữa Ả-rập Xê-út và Nga bùng phát, khiến giá dầu thô lao dốc.

Tuy nhiên, giá dầu thô trong phiên giao dịch đã giảm mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 1,4 triệu thùng, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 299.000 thùng của giới phân tích. Đây là tuần thứ ba liên tiếp, lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ tăng lên mức cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, thị trường ngày càng lo ngại đà phục hồi kinh tế của Hoa Kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ diễn ra chậm trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới tại nước này liên tục tăng cao và nguy cơ ngày càng tăng về một đợt bùng phát dịch lần hai trên toàn cầu. Hoa Kỳ hiện là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 lớn thứ hai thế giới, một số quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và khu vực Mỹ Latinh đang ghi nhận số ca nhiễm bệnh gia tăng trở lại.

Ông Gene McGillian, phó giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường tại hãng tư vấn năng lượng Tradition Energy (Hoa Kỳ), nhận định nếu các dấu hiệu cho thấy nếu như nhu cầu sử dụng dầu mỏ chưa thực sự được đảm bảo phục hồi trở lại thì việc giá dầu thô bật tăng mạnh như thời gian vừa qua là điều bất hợp lý.

Giá dầu thô trong phiên giao dịch hôm qua cũng chịu áp lực giảm khi đồng USD, đơn vị định giá của dầu thô, tăng cao so với các đồng tiền khác, qua đó làm giảm sức hấp dẫn của dầu thô đối với giới đầu tư. Đồng thời, việc thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua cũng tác động tiêu cực đến tâm lý giới đầu tư trên thị trường dầu mỏ.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cho biết sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đang gây ra các tác động nghiêm trọng hơn và sâu rộng hơn so với những gì tổ chức này đánh giá ban đầu và tiếp tục giảm dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy lượng dầu mỏ được Ấn Độ nhập khẩu trong tháng 5/2020 có thể đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011 do các nhà máy lọc dầu tại nước này hủy bỏ hàng hoạt hợp đồng mua hàng. Giới phân tích dự báo Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, sẽ giảm tốc độ nhập khẩu dầu mỏ trong quý 3/2020 sau khi nhập khẩu dầu mỏ cao kỷ lục trong những tháng gần đây khi giá dầu mỏ ở mức thấp.

Quang Đặng (Theo Reuters)

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/gia-dau-tho-lao-doc-tro-lai-nguy-co-bung-phat-dich-covid-19-lan-hai-tang-cao-va-tang-truong-kinh-te-suy-giam-72873.htm