Giá dầu tiến sát ngưỡng 100USD/thùng gây áp lực cho hồi phục kinh tế
Giá dầu liên tục tăng thời gian qua sẽ là đòn giáng kép vào nền kinh tế thế giới khi đây là yếu tố thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.
Sáng 14/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới tăng lên sát mức 100 USD/thùng - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây chưa hạ nhiệt. Nhiều nhà phân tích nhận định, giá dầu có thể còn tăng cao nữa nếu tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục leo thang. Điều này sẽ là đòn giáng kép vào nền kinh tế thế giới khi thúc đẩy lạm phát và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng.
Tính đến sáng 14/2 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao sau ở mức 95,56 USD/thùng tăng 1,12 USD, tương đương 1,2% gần tiến sát mức cao nhất kể từ tháng 10/2014 là 96,16 USD/thùng.
Giá dầu tăng đã ngay lập tức tác động đến hầu hết các chủ phương tiện cơ giới tại châu Âu. Tại Anh, giá 1 lít xăng tăng thêm 0,05 bảng Anh lên mức kỷ lục 1,47 bảng Anh (khoảng 44.000 đồng). Tại nhiều cây xăng ở Bồ Đào Nha, giá xăng hiện ở mức 1,9-2,0 euro (khoảng 54.000 đồng) mỗi lít và có thể tiếp tục tăng trong nửa sau tháng 2 này.
Giá dầu lên sát ngưỡng kỷ lục thiết lập năm 2014 khi đón nhận liên tiếp những thông tin như: Nguồn dữ trữ dầu thô của Mỹ bị sụt giảm, hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018; cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang rối như mớ bòng bong; Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh OPEC+ không đủ năng lực tăng mức sản lượng lên mức cam kết.
Ông Dan Yergin, Phó Chủ tịch của IHS Markit, Công ty chuyên phân tích thông tin có trụ sở tại Lon Don (Anh) nói: “Thị trường dầu mỏ đang cho thấy diễn biến trái ngược hẳn so với cách đây 2 năm khi giá dầu ở mức âm. Tôi nghĩ rằng, hiện giá dầu ở mức trên 90 USD cho thấy sự căng thẳng địa chính trị giữa hai nước xuất khẩu dầu lớn là Nga và Mỹ. Giá dầu tăng khiến cả thế giới bị ảnh hưởng và người tiêu dùng là bên bị chịu thiệt hại”.
Ở thời điểm hiện tại, giới phân tích cho rằng ít có khả năng xảy ra đứt gãy lớn về nguồn cung dầu mỏ của Nga ra thị trường. Bởi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa phát đi tín hiệu nào về đòn đáp trả cấm vận, trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng của Nga.
Về phần mình, Nga dựa phần lớn vào nguồn thu dầu mỏ xuất khẩu để trang trải cho ngân sách nhà nước, một thực tế ngầm cho thấy Điện Kremlin sẽ không tự đóng van xuất khẩu dầu khí để trả đũa. Nga là nhân tố có mức độ chi phối lớn trên thị trường hàng hóa toàn cầu. Nga xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu/ngày và khoảng 2,5 triệu thùng sản phẩm xăng dầu, chiếm lần lượt 12% và 10% lượng trao đổi toàn cầu.
Khoảng 60% dầu mỏ xuất khẩu của Nga là sang châu Âu. Tuy nhiên, nếu căng thẳng Ukraine vượt ngoài tầm kiểm soát, đây sẽ là chất xúc tác để đẩy giá dầu tăng trên 100 USD/thùng./.