Giá dầu vượt 91 USD/thùng, nhóm cổ phiếu dầu khí ngược dòng

Nhóm cổ phiếu dầu khí 'nóng rực' với nhiều mã lập đỉnh lịch sử khi giá dầu thô lên mức cao nhất từ đầu năm. Đại dự án Lô B-Ô Môn 17 tỷ USD được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tác động mạnh đến ngành dầu khí.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 18/9, cổ phiếu nhóm dầu khí tiếp tục diễn biến khá tích cực, trái ngược với thị trường chứng khoán chung. Nhóm này đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây với nhiều mã lên đỉnh lịch sử trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới vọt lên mức cao nhất kể từ đầu năm.

Cổ phiếu PVS (Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) tăng thêm 200 đồng lên 39.600 đồng/cp, mức giá cao lịch sử mới. Đây cũng là cổ phiếu tăng mạnh trong nhóm dầu khí, gần 25% trong vòng một tháng.

Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tăng nhẹ lên 40.300 đồng/cp, mức cao nhất kể từ đầu năm.

Cổ phiếu PVS lên đỉnh lịch sử mới.

Cổ phiếu PVS lên đỉnh lịch sử mới.

PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí gần đây cũng tăng mạnh. Kể từ cuối tháng 8, cổ phiếu này đã tăng khoảng 21%. PVT hưởng lợi từ việc lãi suất giảm và giá cước vận tải biển liên tục tăng cao cũng như hoạt động mở rộng đội tàu.

Cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu tăng phiên thứ 5 liên tiếp lên 27.350 đồng, cao nhất trong năm 2023 và chỉ còn thấp hơn chút ít so với giá kỷ lục (30.260 đồng ghi nhận trong phiên 9/3/2022).

Cổ phiếu BSR của Lọc Hóa dầu Bình Sơn tăng mạnh trong vài tuần gần đây và lên vùng đỉnh trong một năm, ở mức hơn 22.000 đồng/cp, gần gấp đôi so với hồi cuối năm 2022, tương đương vốn hóa có thêm 1,4 tỷ USD.

Thực tế, nhóm cổ phiếu dầu khí đã tăng từ cuối tháng 8 và tiếp tục diễn biến tích cực khi giá dầu thế giới không ngừng leo thang thời gian gần đây.

Trong phiên giao dịch sáng 18/9 trên thị trường châu Á, giá dầu thô WTI tăng thêm 0,4% lên 91,2 USD/thùng. Đây là mức cao nhất trong năm 2023. Giá dầu Brent cũng tăng 0,25% lên 94,2 USD/thùng.

Giá dầu thô trên thế giới đang tăng mạnh trở lại do nguồn cung eo hẹp.

Giá dầu thô trên thế giới đang tăng mạnh trở lại do nguồn cung eo hẹp.

Không chỉ hưởng lợi từ giá dầu thế giới tăng cao, nhiều doanh nghiệp nhóm ngành dầu khí được đánh giá hưởng lợi với khối lượng công việc khổng lồ từ siêu dự án Lô B - Ô Môn có vốn đầu tư 17 tỷ USD.

Lô B - Ô Môn là siêu dự án của ngành dầu khí. Sau khi hoàn thành, theo SSI Research, dự án sẽ tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp ngành dầu khí trong nước. Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi, đặc biệt là GAS, PVS, PVD…

Cũng theo SSI, trong giai đoạn ban đầu, từ năm 2023 đến khi đón dòng khí đầu tiên, tổng vốn đầu tư cho phần thượng nguồn của Lô B ước tính khoảng 1,5 tỷ USD, gồm giàn xử lý trung tâm và khu sinh hoạt trị giá 1 tỷ USD…

Theo Chứng khoán BVSC, liên doanh PVS đã trúng gói thầu thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở này.

Chứng khoán KIS cho rằng, GAS sẽ là đơn vị được hưởng lợi chính nhờ nguồn khí bổ sung từ Lô B và thu cước vận chuyển khí. Còn các nhà cung cấp dịch vụ thượng nguồn như PVS và PVD hưởng lợi từ việc thi công hàng trăm giếng khai thác tại dự án.

Trong khi đó, nguồn cung không ổn định, giá dầu thế giới liên tục tăng cao. Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh trong tuần vừa qua và tiếp tục đi lên vào sáng phiên đầu tuần mới 18/9. Quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của Nga và Saudi Arabia dẫn tới nguồn cung bị thắt chặt.

Ngay từ đầu tháng 9, hai nước này đã gia hạn lệnh cắt giảm sản lượng, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày, cho đến cuối năm nay.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhận định thị trường dầu mỏ sẽ gặp khó khăn hơn về nguồn cung so với dự báo trước đó.

Một thành viên của OPEC là Libya trong tuần trước đã đóng cửa 4 kho cảng xuất khẩu dầu ở phía Đông do một cơn bão mạnh. Kazakhstan cũng thông báo cắt giảm sản lượng dầu hàng ngày để bảo trì hệ thống.

Trong khi đó, Trung Quốc đang nỗ lực nới lỏng các chính sách tiền tệ và đẩy mạnh bơm tiền để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Trong một dự báo gần đây, Bank of America cho rằng giá dầu có thể sớm tăng lên trên 100 USD/thùng nếu OPEC+ duy trì việc cắt giảm nguồn cung liên tục cho đến cuối năm và nnhu cầu dầu khu vực châu Á có dấu hiệu tích cực.

Theo đó, nguồn cung đang giảm xuống nhưng chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc trên phạm vi toàn cầu. Nước Mỹ có thể chấm dứt chuỗi tăng lãi suất kéo dài vào cuối năm nay. Nhiều nước khác đã nới lỏng trở lại chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, giá dầu tăng sẽ kéo theo lạm phát tăng trở lại. Về dài hạn, lạm phát sẽ tác động tiêu cực đến cả tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/gia-dau-vuot-91-usd-thung-nhom-co-phieu-dau-khi-nguoc-dong-2191005.html