Giá điện tăng 4,8% thúc đẩy tiết kiệm năng lượng

Giá điện tăng 4,8% từ tháng 5 gây sức ép lên sản xuất và sinh hoạt, nhưng nhìn ở góc độ tích cực, đây là cơ hội để thúc đẩy thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Doanh nghiệp xoay xở trong bài toán chi phí điện tăng

Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 4,8%, nâng mức giá mới lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần tăng giá điện thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng trong ba năm gần nhất lên hơn 17%. Theo giới phân tích, động thái này không chỉ phản ánh sức ép chi phí ngày càng lớn của ngành điện, mà còn là giải pháp cải thiện dòng tiền và tăng cường năng lực tài chính cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Dưới góc độ thị trường, ông Trần Hoàng Sơn – Giám đốc Chiến lược tại VPBankS nhận định, mức điều chỉnh lần này đã được cân nhắc kỹ lưỡng, vừa đảm bảo không gây sốc đến người tiêu dùng, vừa tạo dư địa vận hành ổn định cho EVN trong bối cảnh giá đầu vào leo thang. Xét về khía cạnh vĩ mô, điện không phải yếu tố trọng số cao trong rổ CPI, nên khả năng gây áp lực lên lạm phát là tương đối thấp.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Các ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn như thép, hóa chất, xi măng hay giấy tiếp tục đứng trước bài toán chi phí tăng. Tập đoàn Hòa Phát – đơn vị có hệ thống phát điện nội bộ tại Hải Dương và Dung Quất – dù chủ động tới hơn 90% nhu cầu điện, vẫn phải chi thêm 28–30 tỷ đồng cho phần điện lưới mua ngoài trong đợt tăng giá này. Năm 2024, sản lượng điện tự phát của tập đoàn đạt hơn 3,1 tỷ kWh, chi phí điện năng lên tới khoảng 5.400 tỷ đồng.

Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn khó tiếp cận công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc đầu tư điện tái tạo, áp lực còn lớn hơn. Nhiều cơ sở sản xuất tại Bình Dương, Đồng Nai đang tính toán lại lịch vận hành, chuyển ca làm việc sang khung giờ thấp điểm để tiết kiệm chi phí. Một số đơn vị trong ngành may mặc, thực phẩm đông lạnh… đang ghi nhận chi phí vận hành tăng 3–5% so với trước.

Trong dài hạn, năng lượng sạch vẫn là giải pháp then chốt. Song để triển khai, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ từ Nhà nước, đặc biệt là tín dụng ưu đãi, giảm thuế nhập khẩu thiết bị và cơ chế mua bán điện mặt trời minh bạch, thông suốt.

Hộ dân tính toán lại tiêu dùng

Tác động của đợt tăng giá điện không chỉ dừng ở khu vực sản xuất mà còn lan rộng đến từng hộ dân – nhất là khi mùa nắng nóng đang vào cao điểm ở miền Bắc và miền Trung. Dù vậy, theo số liệu của EVN, phần lớn hộ gia đình chịu ảnh hưởng không quá lớn. Có tới 61% số hộ sử dụng dưới 200 kWh/tháng – mức tiêu thụ phổ biến – thì hóa đơn điện mỗi tháng chỉ tăng khoảng 13.800 đồng. Nhóm tiêu thụ cao hơn, từ 400–500 kWh, cũng chỉ phát sinh thêm 49.000–65.000 đồng – một khoản được xem là vẫn trong khả năng chi trả.

Tuy vậy, với một số hộ gia đình, mức tăng vài chục nghìn đồng mỗi tháng vẫn khiến họ phải tính toán lại thói quen sinh hoạt. Gia đình anh T.Đ.T (Ninh Bình) chia sẻ: “Nhà có 5 người, dùng thêm điều hòa mùa này là thấy tiền điện nhảy vọt. Chúng tôi đã hạn chế bật điều hòa vào ban ngày và tắt tất cả thiết bị khi không dùng”.

Đặc biệt, nhóm thuê trọ – thường bị áp giá cao theo bậc thang – chịu tác động rõ rệt hơn. Nhiều người lao động trẻ, sinh viên, công nhân thuê phòng phản ánh hóa đơn điện mùa nóng tăng mạnh, trong khi thu nhập không đổi, khiến áp lực chi tiêu càng lớn. Một số chủ nhà trọ đã nâng giá phòng để bù chi phí điện, gián tiếp đẩy gánh nặng về phía người thuê.

Tuy nhiên, ở góc nhìn tích cực, việc điều chỉnh giá điện cũng là cơ hội để thúc đẩy cộng đồng tiết kiệm năng lượng. Các thiết bị dán nhãn tiết kiệm, hệ thống cảm biến tắt tự động, hoặc đầu tư điện mặt trời mái nhà – nếu được hỗ trợ – có thể góp phần làm giảm chi tiêu lâu dài. Một số tỉnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng hiện đã có chương trình hỗ trợ 30–50% chi phí lắp điện mặt trời mái nhà cho hộ gia đình, được kỳ vọng sẽ mở rộng trên cả nước.

Việc điều chỉnh giá điện là bước đi cần thiết để đảm bảo cân đối tài chính cho ngành điện, đồng thời tạo nguồn lực đầu tư vào hạ tầng và năng lượng tái tạo. Mức tăng 4,8% được tính toán kỹ, đủ để hỗ trợ EVN mà vẫn không gây cú sốc đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất.

Quan trọng hơn, đây cũng là cơ hội để toàn xã hội thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn. Với sự đồng hành từ chính sách – như hỗ trợ đầu tư điện mặt trời mái nhà, cải tiến biểu giá điện sinh hoạt, và ưu đãi cho doanh nghiệp chuyển đổi năng lượng – Việt Nam có thể vừa đảm bảo an ninh năng lượng, vừa tiến nhanh hơn trên lộ trình phát triển bền vững và xanh hóa nền kinh tế.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gia-dien-tang-48-thuc-day-tiet-kiem-nang-luong-99105.html