Giá điện tăng: Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm giải pháp tối ưu sản xuất
Theo các doanh nghiệp, mức tăng giá điện 4,8% không phải quá lớn nhưng sẽ tác động với hoạt động, chi phí của doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới. Tiết giảm chi phí, chuyển đổi công nghệ sẽ là các giải pháp để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không bị ảnh hưởng nhiều của việc giá điện tăng.
Xoay xở tiết giảm chi phí
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi (huyện Củ Chi, TPHCM) cho biết, việc tăng giá điện từ 11/10 đã tác động mạnh mẽ đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung. Hoạt động trong lĩnh vực cơ khí điện, sử dụng điện cho sản xuất rất nhiều nên Cát Vạn Lợi chịu ảnh hưởng chi phí rất lớn khi giá điện tăng trong bối cảnh doanh nghiệp buộc phải cạnh tranh khốc liệt để duy trì thị phần nhưng không thể tăng giá bán.
Theo ông Lâm, ước tính việc giá điện tăng thêm gần 4,8% khiến công ty phải trả thêm mỗi tháng hơn 20 triệu đồng. Nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào khác cũng tăng giá khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. “Giá nguyên vật liệu như thép, đồng, nhôm đã tăng khoảng 10%. Chi phí nhân công cũng tăng do lương tối thiểu vùng điều chỉnh từ ngày 1/7. Giờ giá điện tăng gây ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, đặc biệt với các đơn hàng ký ở thời điểm trước”, ông Lâm nói.
Để đối phó với giá điện tăng, thay vì chờ hỗ trợ, công ty đã phải tìm cách tăng năng suất lao động, tối ưu hóa quy trình sản xuất; giảm lãng phí trong sản xuất để giảm giá thành sản phẩm. Công ty cũng tính đến phương án chuyển đổi, ‘xanh hóa’ sản xuất bằng cách đầu tư sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ước tính đầu tư hệ thống điện mặt trời sẽ khiến chi phí của công ty tăng khoảng 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thủy Tiên, đại diện cơ sở sản xuất nhựa Minh Huy (quận Bình Tân) chuyên sản xuất hàng tiêu dùng cho biết, giá điện chiếm khoảng 10 - 15% trong cơ cấu giá thành phẩm. Giá điện tăng khiến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng trong khi sức mua trên thị trường khá yếu.
“Chúng tôi không thể tăng giá trong giai đoạn này bởi cả năm qua, việc kinh doanh rất khó khăn. Cơ sở chỉ trông chờ vào những tháng cuối năm để bán được hàng. Nay nếu tăng giá, khách hàng sẽ chọn những sản phẩm cùng loại của nước khác có giá rẻ hơn”, bà Tiên nói.
Ông Nguyễn Văn Lý, Giám đốc Hạ tầng – Thiết bị, Công ty TNHH Dụng cụ AN MI cho biết, tiền điện chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất hàng tháng của doanh nghiệp. Việc điều chỉnh giá điện từ đầu tháng 10 chắc chắn làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Để cân đối, doanh nghiệp buộc sẽ phải tăng giá bán.
Để giảm chi phí, tự chủ năng lượng, ông Lý cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời phủ kín mái nhà xưởng với diện tích 6.000m2, công suất 730Kwp/h. Với việc đầu tư chuyển đổi năng lượng này, công ty tiết kiệm được 25-30% tổng tiền điện tiêu thụ hàng tháng. Dù vậy, việc điều chỉnh giá điện lần này vẫn khiến doanh nghiệp không khỏi bị động, ảnh hưởng đến lợi nhuận từ các đơn hàng ký trước đó.
“Chúng tôi phải tối ưu hóa chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận, đầu tư máy móc công nghệ mới, thanh lý không sử dụng thiết bị cũ, lỗi thời”, ông Lý nói. Đại diện doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ ban hành chính sách rõ ràng, minh bạch và dài hạn về điện mặt trời, bao gồm giá mua điện (giá FIT), ưu đãi về thuế, và quy trình đấu nối điện năng vào lưới điện quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thích ứng với chi phí tăng
Trao đổi với PV Tiền Phong, theo các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, việc tăng giá điện chắc chắn có tác động tới các doanh nghiệp sản xuất nhưng mức độ tác động sẽ không lớn do mức tăng chỉ 4,8%. Giá điện đang chiếm khoảng 20 - 30% trong cơ cấu giá thành phẩm của doanh nghiệp. Khi giá điện tăng, chi phí tác động cũng tăng ước chừng khoảng 5%. Chi phí này có thể chấp nhận và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại lúc này.
Vấn đề hiện tại với doanh nghiệp lúc này chính là sức ép cạnh tranh trên thị trường và tình trạng thiếu đơn hàng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, một số doanh nghiệp vẫn đang chật vật phục hồi lại sản xuất. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm cách thích ứng với chi phí đầu vào tăng.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, tăng giá điện chắc chắn có tác động tới doanh nghiệp, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng, tiết giảm, tối ưu chi phí, đồng thời ở chiều ngược lại, ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện hơn nữa.
“Chất lượng điện thời gian qua theo đánh giá của chúng tôi cũng đang rất tốt. Các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội HANSIBA đang nỗ lực tập trung sản xuất, cung ứng các sản phẩm và linh phụ kiện ngành công nghiệp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) “đầu chuỗi”, và cả những tập đoàn sản xuất công nghiệp và công nghệ cao trong nước. Điều kiện rất quan trọng là luôn phải cung ứng đúng tiến độ cam kết theo hợp đồng với đối tác. Nên việc có nguồn điện sản xuất ổn định tại các nhà máy, cơ sở sản xuất là yếu tố rất cần”, ông Vân cho hay.
Cũng theo đại diện HANSIBA, mới đây, dự án trọng điểm đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đã được hoàn thành. Công trình điện này giúp nâng cao sự ổn định vận hành hệ thống điện, tăng cường cung cấp điện cho miền Bắc năm 2025 và các năm tiếp theo và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong khía cạnh về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài.
"Ngay cả các doanh nghiệp trong hiệp hội chúng tôi hiện có các cơ sở, nhà máy xí nghiệp ở Vùng Thủ đô và các tỉnh, thành miền Bắc cũng vô cùng phấn khởi, yên tâm để nỗ lực hơn trong hoạt động duy trì sản xuất kinh doanh của mình trong chặng đường phía trước", đại diện Hasinba nói.
Cũng theo ông Vân, để tiết kiệm điện năng, giảm chi phí, doanh nghiệp có thể sắp xếp lại thời gian sản xuất, tránh các khung giờ cao điểm với các thiết bị công suất lớn, đồng thời quản lý việc sử dụng điện tiết kiệm, tìm giải pháp tối ưu sản xuất