Giá điện tăng - Người dân lo chi tiêu, doanh nghiệp lo chi phí

Từ ngày 10/5, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng thêm 4,8%. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, doanh nghiệp chật vật duy trì sản xuất thì việc điều chỉnh giá điện vào đúng thời điểm bước vào mùa nắng nóng khiến không ít người dân và doanh nghiệp lo ngại.

Theo đó, mức giá điện bình quân lên hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là lần điều chỉnh giá điện thứ hai kể từ năm 2023, nâng tổng mức tăng giá điện trong vòng 3 năm qua lên hơn 17%. Tác động của việc điều chỉnh giá điện đối với các hộ sử dụng điện sinh hoạt đang thực hiện theo biểu giá bậc thang 6 bậc và tiêu dùng ở mức bình thường sẽ tăng thêm từ khoảng 4.550-65.050 đồng/hộ/tháng.

Người dân lo lắng trước giá điện tăng, nên hạn chế sử dụng các thiết bị không cần thiết

Người dân lo lắng trước giá điện tăng, nên hạn chế sử dụng các thiết bị không cần thiết

Tại TP Việt Trì, nhiều hộ gia đình đã cảm nhận rõ áp lực khi hóa đơn tiền điện tăng. Bà Nguyễn Thị Phương, phường Gia Cẩm cho biết, gia đình 5 người của bà trước đây chỉ phải chi khoảng 600.000 - 700.000 đồng cho tiền điện mỗi tháng. Nhưng trong hai tháng gần đây, hóa đơn đã vọt lên hơn 1 triệu đồng do nhu cầu sử dụng điều hòa, tủ lạnh tăng cao.

“Với mức tăng 4,8%, nhìn thì không nhiều, nhưng cộng với các khoản chi phí cố định như tiền thuê nhà, tiền nước đều tăng, vì vậy chúng tôi phải cắt bớt chi tiêu cho ăn uống, mua sắm để bù tiền điện”, bà Phương chia sẻ.

Tương tự, anh Nguyễn Anh Tuấn ở phường Thanh Miếu cũng không khỏi lo lắng. Gia đình anh chi gần 1 triệu đồng/tháng cho tiền điện, và con số này chắc chắn sẽ tăng thêm trong các tháng hè tới. Theo mức tăng hiện tại, nếu sử dụng trên 400kWh điện như thông thường, gia đình anh sẽ phải trả thêm khoảng 65.050 đồng/tháng. “Giá điện tăng vậy thì thực tế sẽ cao hơn, vì điện còn tính theo giờ cao điểm, thấp điểm. Chưa kể, mùa nắng nóng thì phải dùng quạt, điều hòa liên tục, khó mà tiết kiệm được”.

Theo thống kê từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, mức tăng giá điện ảnh hưởng khác nhau tùy theo lượng điện tiêu thụ. Với nhóm khách hàng sử dụng từ 101-200 kWh (chiếm 32,79% số hộ sinh hoạt), tiền điện sẽ tăng thêm khoảng 20.150 đồng/tháng. Với nhóm sử dụng từ 201-300 kWh (chiếm 19,33%) sẽ tăng thêm khoảng 33.950 đồng/tháng; nhóm sử dụng 301-400 kWh (chiếm 9,89%) tăng 49.250 đồng/tháng; còn nhóm dùng trên 400 kWh (13,45%) sẽ phải trả thêm khoảng 65.050 đồng/tháng. Tuy nhiên, các con số này chỉ là ước tính trong điều kiện sử dụng điện ổn định, chưa tính đến thời điểm cao điểm nắng nóng khi thiết bị làm mát hoạt động liên tục.

Không chỉ người dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang “đứng ngồi không yên”. Bà Chu Thị Mai, chủ một cửa hàng tạp hóa trên đường Châu Phong, phường Tân Dân (TP Việt Trì), cho biết: “Cửa hàng của tôi có 4 chiếc tủ lạnh chạy liên tục ngày đêm, chưa kể điều hòa và hệ thống đèn chiếu sáng. Mỗi tháng phải chi hơn 5 triệu đồng tiền điện, giờ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu”.

Theo bà Mai, việc tiết kiệm điện gần như không khả thi vì các thiết bị đều phục vụ cho hoạt động kinh doanh hàng ngày. “Nếu giảm dùng thì hàng hóa sẽ hỏng, không giữ lạnh được. Giá điện tăng trong khi doanh thu không tăng, thậm chí còn giảm vì sức mua của người dân cũng hạn chế, thực sự rất khó khăn”, bà chia sẻ thêm.

Không chỉ người dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang “đứng ngồi không yên”.

Không chỉ người dân, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng đang “đứng ngồi không yên”.

Trong khi các hộ dân và kinh doanh nhỏ lẻ gặp khó, thì các doanh nghiệp sản xuất càng chịu áp lực nặng nề hơn. Ông Nguyễn Văn Đông - Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Hải Minh, huyện Phù Ninh chia sẻ: “Chúng tôi tiêu thụ khoảng 90-250 triệu đồng tiền điện mỗi tháng, tùy vào số lượng đơn hàng. Với mức tăng 4,8%, số tiền điện có thể đội thêm vài triệu đến vài chục triệu đồng mỗi tháng”.

Theo ông Đông, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang phải đối mặt với chi phí đầu vào tăng, áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, chi phí vận chuyển và nguyên liệu không ổn định, thì việc tăng giá điện chẳng khác nào “cú bồi” làm suy giảm năng lực cạnh tranh. “Chúng tôi đang sản xuất hàng hóa xuất khẩu, áp lực thuế quan từ thị trường Mỹ đã lớn, nay thêm tiền điện tăng thì sẽ rất khó giữ được mức giá ổn định.

Nếu chi phí sản xuất tăng mà không tăng giá bán được, doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm lợi nhuận, thậm chí chịu lỗ để giữ thị phần. Ngoài ra, tôi cũng lo ngại rằng khi chi phí sinh hoạt tăng lên, người lao động cũng sẽ yêu cầu tăng lương, điều này khiến doanh nghiệp phải cân nhắc thêm các khoản chi phí khác trong khi sức mua của thị trường nội địa vẫn đang yếu” - Ông Đông cho biết.

Để hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao, người dân và doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý. Các thiết bị điện nên được tắt khi không sử dụng, ưu tiên sử dụng vào giờ thấp điểm. Doanh nghiệp cũng cần tính toán lại quy trình sản xuất, tái cấu trúc hoạt động để tối ưu hóa chi phí năng lượng.

Nhân viên EVN Phú Thọ tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm cho người dân.

Nhân viên EVN Phú Thọ tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm cho người dân.

Về phía cơ quan quản lý, cần sớm có các biện pháp kiểm soát chi phí đầu vào, tăng cường công khai, minh bạch trong tính toán giá điện, đồng thời hỗ trợ người dân thông qua các chương trình tiết kiệm điện và trợ giá cho hộ nghèo, cận nghèo.

Trong giai đoạn hiện nay, việc điều chỉnh giá điện là cần thiết để đảm bảo cân đối tài chính cho ngành điện, nhưng cần được thực hiện một cách có lộ trình, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Nếu không, giá điện tăng không chỉ là con số trên hóa đơn, mà còn là gánh nặng lên cả nền kinh tế.

Quốc An

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/gia-dien-tang-nguoi-dan-lo-chi-tieu-doanh-nghiep-lo-chi-phi-232875.htm