Gia đình 2 bố 1 mẹ sống chung, cùng nuôi dạy con cái

David Jay là một người vô tính nhưng vẫn muốn lập gia đình. Vì vậy, anh chọn sống cùng cặp vợ chồng bạn thân và cùng họ nuôi dạy con gái.

Zing trích dịch bài đăng từ The Atlantic, đề cập đến xu hướng gia đình có 3 phụ huynh sống chung một nhà và san sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái.

David Jay (38 tuổi) là nhà hoạt động nổi bật của cộng đồng LGBTQ+.

Năm 2001, khi còn là sinh viên năm nhất của Đại học Wesleyan (bang Connecticut, Mỹ), anh đã sáng lập Mạng lưới người vô tính (AVEN). Bản thân anh cũng là một trong số họ - những cá nhân không cảm thấy hứng thú tình dục với bất cứ một giới tính nào.

 Nhà hoạt động quyền LGBTQ+ David Jay. Ảnh: Preston Gannaway.

Nhà hoạt động quyền LGBTQ+ David Jay. Ảnh: Preston Gannaway.

Những ngày tháng sau đó, David dành thời gian chia sẻ và phổ cập kiến thức về người vô tính với công chúng.

Những năm gần đây, mối quan tâm của anh không chỉ dừng lại ở bản dạng giới. David muốn hướng đến cuộc sống gia đình và chuyện con cái.

Anh luôn muốn có một gia đình nhỏ của riêng mình. Tuy nhiên, từ lâu anh đã biết mình không thể xây dựng mái ấm theo cách thông thường.

David muốn tìm một đối tác cùng nuôi dạy con cái, nhưng không nảy sinh tình cảm hay quan hệ tình dục. Anh không quan tâm đến việc tạo ra một đứa bé như thế nào, vì vậy nhận con nuôi cũng chẳng sao.

Thế nhưng, thật không dễ để tìm kiếm được một đối tượng phù hợp và chấp thuận các tiêu chí trên.

Hành trình tìm gia đình phù hợp

David vẫn nhớ lần đầu tiên gặp một người mà anh thấy khả quan. Cô gái này và anh đã dành nhiều thời gian để thảo luận thẳng thắn về mối quan hệ lý tưởng của họ sẽ diễn ra như thế nào.

Cả hai đều không muốn hẹn hò hay 'quan hệ xác thịt'. Họ chỉ muốn cùng nhau làm những thứ khác như đi khiêu vũ, nấu ăn hoặc thiền. Tuy hai người không thực hiện được mơ ước trên, sau này, David đã trở thành cha đỡ đầu của con trai cô gái ấy.

Năm 2010, David gặp Avary Kent tại một hội nghị và cả bạn trai của cô, Zeke Hausfather. Do cảm nhận có mối liên hệ chặt chẽ, cả ba nhanh chóng thân thiết với nhau. Kể cả khi chuyển tới bang khác sinh sống, David thường xuyên bay về San Francisco để thăm đôi bạn.

 (Từ trái sang) Zeke Hausfather, Octavia, Avary Kent và David Jay. Ảnh: Preston Gannaway.

(Từ trái sang) Zeke Hausfather, Octavia, Avary Kent và David Jay. Ảnh: Preston Gannaway.

Không lâu sau khi kết hôn, Avary và Zeke cùng ngồi lại với David và bày tỏ mong muốn anh trở thành một phần của gia đình họ. David vui vẻ nhận lời.

Sau đó, cả ba bàn luận về những giới hạn và nguyên tắc trong gia đình mới này. Ví dụ, liệu David có được thay tã cho em bé lúc nửa đêm và ngay bên cạnh giường ngủ của cặp vợ chồng không? Nếu em bé khóc, David có nên đưa đứa nhỏ cho Avary và Zeke không?

Họ cũng đề cập đến những vấn đề khó khăn khác xoay quanh cuộc sống chung. Chẳng hạn, nếu ai đó ốm nặng, hoặc chuyển đi nơi khác để làm việc thì gia đình phải xử lý ra sao?

Cuối cùng, cả ba đến gặp một hòa giải viên. Người đó đề nghị David - người thứ ba trong gia đình - nhận con đẻ của Avary và Zeke làm con nuôi để có thể san sẻ trách nhiệm gia đình một cách hợp lý. Ngay lập tức, cặp vợ chồng và David đồng ý.

Đầu năm 2017, Avary có thai. Khi cô mang bầu tháng thứ 5, David hoàn tất thu xếp công việc để chuyển về San Francisco sống cùng cặp vợ chồng. Tại đây, anh tham gia các lớp học tiền sản.

 David Jay cùng con gái ruột Octavia. Ảnh: Preston Gannaway.

David Jay cùng con gái ruột Octavia. Ảnh: Preston Gannaway.

David cũng có mặt trong phòng sinh khi con gái Octavia chào đời. Tên đầy đủ của cô bé có cả họ của David cùng bố mẹ đẻ - Jay, Kent và Hausfather - và được thừa nhận bởi luật pháp bang California.

Kể từ đó, David trở thành một phần của cộng đồng gia đình có 3 phụ huynh tại Khu vực vịnh San Francisco. Anh cởi mở và luôn sẵn sàng giới thiệu cho bạn bè, người thân về gia đình mình.

Gia đình truyền thống đã lỗi thời

Theo Philip N. Cohen - Giáo sư xã hội học chuyên về gia đình tại Đại học Maryland (Mỹ), gia đình 3 phụ huynh không phải là một hiện tượng mới.

Nhiều bậc phụ huynh, đặc biệt là những bố mẹ đơn thân hoặc có thu nhập thấp, từ lâu đã đưa người thân hoặc bạn bè vào gia đình làm “bố mẹ nuôi” của trẻ.

Quan niệm gia đình hạt nhân gồm hai bố mẹ và các con đã lỗi thời, không phản ánh đúng xã hội ngày nay. Theo báo cáo năm 2014 của Pew Research, hơn 50% trẻ em Mỹ sống trong môi trường gia đình phi truyền thống, tức bố mẹ đã ly hôn, tái hôn hoặc là đối tác hôn nhân đa ái.

 Gia đình 3 phụ huynh không phải là hiện tượng mới nổi ở xã hội. Ảnh: Robert de Bock.

Gia đình 3 phụ huynh không phải là hiện tượng mới nổi ở xã hội. Ảnh: Robert de Bock.

Song, việc chính thức hóa gia đình 2 bố 1 mẹ bằng luật, như trường hợp của David, là tương đối hiếm. Thường các đơn xin làm cha mẹ nuôi của cặp đồng tính nữ với người đàn ông hiến tinh trùng cho họ có tỷ lệ thành công cao nhất.

Diana Adams, nhà sáng lập Trung tâm Luật Gia đình Chosen, cho biết trong 15 năm trở lại đây, mô hình gia đình 3 phụ huynh ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của công nghệ hỗ trợ sinh sản và sự chấp nhận cộng đồng LGBTQ+ của xã hội.

Hiện chưa có số liệu cụ thể về mức độ phổ biến của gia đình 3 phụ huynh trong xã hội. Tuy nhiên, suy nghĩ cởi mở của xã hội và luật pháp thoáng hơn “là một trong những dấu hiệu cho thấy định nghĩa về gia đình đang được mở rộng”, theo Giáo sư Cohen.

Có thêm nhân lực và nguồn lực (thu nhập của phụ huynh thứ ba) sẽ giúp nuôi dạy trẻ dễ dàng hơn. Chuyện phân chia công việc chăm sóc con cái cũng đơn giản và công bằng hơn so với các gia đình truyền thống.

Điều này có thể thấy rõ trong gia đình của David. Cả ba bố mẹ đều bớt mệt nhọc hơn trong việc chăm sóc con gái. Avary thường ôm ấp và đọc sách cho Octavia, trong khi David có nhiệm vụ đưa cô bé đi dạo trong công viên, còn Zeke chơi trò xếp hình với con.

 Có thêm nhân lực và nguồn lực sẽ giúp các gia đình 3 phụ nuôi dạy con bớt mệt mỏi hơn. Ảnh: WBUR.

Có thêm nhân lực và nguồn lực sẽ giúp các gia đình 3 phụ nuôi dạy con bớt mệt mỏi hơn. Ảnh: WBUR.

Octavia gọi Zeke là “daddy”, còn David là “dada”. Bạn bè đồng trang lứa của cô bé đến từ gia đình cả truyền thống lẫn phi truyền thống, ví dụ như hàng xóm của Octavia có 2 mẹ và 1 bố. Vì vậy, không khó để cô bé hiểu ra rằng xã hội có nhiều loại gia đình khác nhau.

“Mọi nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng không có yếu tố nào thực sự quan trọng trong cách thức vận hành một gia đình, dù là số lượng thành viên, chất lượng mối quan hệ, khả năng giao tiếp và xử lý xung đột”, Pamela Braboy Jackson, Giáo sư xã hội học tại Đại học Indiana (Mỹ), cho biết.

“Cấu trúc gia đình khác nhau không có nghĩa nhà đó hoạt động một mình một kiểu. Mọi gia đình đều có câu chuyện riêng tạo nên chính họ”, bà nói thêm.

Trên hết, David muốn mọi người biết rằng cuộc sống có nhiều lựa chọn hơn họ nghĩ. Nếu một người vô tính muốn xây dựng gia đình mà không cần bạn tình, họ hoàn toàn có khả năng làm được, chỉ cần có quyết tâm thực hiện nguyện vọng.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-2-bo-1-me-song-chung-cung-nuoi-day-con-cai-post1144596.html