Gia đình 4 thành viên 'vượt ải' F0 thành công

'Anh ơi! Gia đình mình đi 4 về 4 nhen anh', đó là lời nói đẫm nước mắt và cũng là sự động viên của chị Phạm Thị Thùy Trang, ngụ đường Học Lạc, phường 8, TP Mỹ Tho (Tiền Giang), khi chiếc xe cấp cứu chở 4 thành viên trong một gia đình bị mắc Covid-19 đến bệnh viện dã chiến, trong đó có chồng chị là anh Huỳnh Thanh Phú khá nặng.

Bốn thành viên trong gia đình hạnh phúc sau khi “vượt ải” dịch Covid-19 thành công.

Bốn thành viên trong gia đình hạnh phúc sau khi “vượt ải” dịch Covid-19 thành công.

Tổ ấm của một gia đình trong phút chốc đã bị dịch Covid-19 bao phủ. Họ phải trải qua những ngày tháng chống chọi với cơn đau của thể xác và tinh thần. Tuy nhiên, sự tận tình chăm sóc của lực lượng y, bác sĩ cùng với nghị lực và tinh thần lạc quan đã giúp họ “vượt ải” Covid-19 thành công.

“Đi 4 phải về 4”

Trong niềm xúc động được trở về với cuộc sống, trở về với tổ ấm thân yêu và đầy đủ các thành viên của mình, chị Phạm Thị Thùy Trang, SN 1982, tâm sự, gia đình chị có 4 thành viên; chồng chị là Huỳnh Thanh Phú (SN 1974) cán bộ trong một cơ quan Nhà nước ở tỉnh Tiền Giang; chị lo nội trợ và đưa các con đi học. Con trai Huỳnh Thanh Phúc (SN 2008) là học sinh lớp 7, con gái Huỳnh Bảo Ngọc (2010) đang chuẩn bị bước vào lớp 6.

Dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn TP Mỹ Tho (Tiền Giang), lo cho chồng, thương con, chị thường xuyên nhắc nhở anh đi làm cẩn thận, giữ gìn sức khỏe. Lúc ấy, nhìn 2 đứa con thơ dại, người vợ thủy chung, anh Huỳnh Thanh Phú ứa nước mắt. Tuy nhiên, nhiệm vụ của cơ quan giao phải hoàn thành. Anh lại tiếp tục công việc của mình như bao ngày khác.

Do đặc thù công việc phải đi ngoài đường và tiếp xúc với nhiều khách hàng, thường xuyên đi công tác trong vùng dịch Covid-19, cơ quan trang bị bảo hộ đầy đủ và anh cũng rất cảnh giác với. Song, chuyện chẳng may rồi cũng đến với anh.

Một ngày gần cuối tháng 7, chị Trang thấy anh có vẻ mệt mỏi chỉ nghĩ, do anh Phú có bệnh nền, thừa cân, làm việc nhiều, thời tiết thay đổi... Sau đó, anh Phú bắt đầu ho, chán ăn, mệt mỏi ngày một nhiều thêm, đã uống thuốc nhưng không thuyên giảm.

Một vài ngày sau, chị Trang cũng cảm thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, ho mỗi lúc tăng thêm. Sợ “cảm” lây hai đứa con, chị đã cách ly hai đứa nhỏ lên ở trên lầu và hạn chế tiếp xúc. Thương mẹ, đứa con trai lớn Huỳnh Thanh Phúc xuống xem mẹ ra sao khi nghe liên tiếp những cơn ho sặc sụa.

Sức khỏe của anh chị ngày càng suy kiệt. Lúc này, dịch Covid-19 ở TP Mỹ Tho nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung cũng đã bùng lên. Anh chị quyết định đi thăm khám và test nhanh Covid-19 tại Bệnh viện Quân y 120 (phường 6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) và kết quả dương tính với SARS-CoV-2, lúc đó cả 2 như muốn sụp đổ.

Ở lại bệnh viện chờ kết quả PCR, các con của anh chị cũng lần lượt đưa đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính. Kết quả PCR khẳng định 4 thành viên đều dương tính với SARS-CoV-2.

Lấy vội những bộ quần áo, cả gia đình khăn gói lên xe cấp cứu đến bệnh viện dã chiến. Trên đường di chuyển, bệnh tình anh Phú lúc này khá trầm trọng, xuất hiện tức ngực, thở khó hơn. Mặc dù rất sợ, chị Trang cố giữ bình tĩnh và trấn an các thành viên trong gia đình.

Cuộc sống được hồi sinh

Ngày 16/7, cả gia đình anh chị được đưa đến khu cách ly tập trung số 1 - Tiểu đoàn Ấp Bắc, Trung đoàn Bộ binh 924, thuộc xã Long Định, huyện Châu Thành (Tiền Giang). Ở lại đây 2 ngày, gia đình chị được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 1, xã Long Định (huyện Châu Thành).

Qua thăm khám và sàng lọc, các bác sĩ chẩn đoán anh Phú mắc Covid-19 khá nặng và buộc chuyển xuống Bệnh viện Lao - Bệnh phổi Tiền Giang (Bệnh viện dã chiến số 2) ở xã Phước Thạnh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) tiếp tục điều trị. Thời điểm này, đây là tuyến cuối điều trị Covid-19 cho bệnh nặng và rất nặng.

Tại Bệnh viện Lao - Bệnh phổi, nhiều lúc anh Phú tưởng như không vượt qua nổi. Nhờ có sự tận tình chăm sóc, cứu chữa cùng với sự động viên của đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viên và gia đình, anh Phú dần dần khỏe lại. Anh đã tích cực phối hợp lực lượng y, bác sĩ để quyết tâm chiến thắng dịch Covid-19. Từ đó, anh đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời.

Hơn 15 ngày sau khi nhập viện, các triệu chứng giảm dần và anh Phú cũng được chỉ định cho dừng hỗ trợ thở oxy, chuyển xuống trại để tiếp tục theo dõi điều trị. Anh Phú cho biết, những ngày nằm thở oxy là khoảng thời gian đầy cam go, thử thách đối với anh. Đó cũng là những ngày mà đội ngũ y, bác sĩ đã rất vất vả, tận tình, quyết tâm giành lại sự sống cho anh. Vì vậy, với anh, đó là những ngày đầy ân tình mà anh mãi mãi không thể quên và khó có thể đền đáp được.

Đầu tháng 8, tại Bệnh viện dã chiến số 1, chị Trang cùng 2 con cũng được lực lượng y, bác sĩ tận tình chăm sóc, thăm hỏi và động viên. Sức khỏe gần như bình phục hoàn toàn.

Ngày 11/8, anh Phú đã khỏe hoàn toàn và xét nghiệm âm tính 2 lần nên đủ điều kiện xuất viện. Cầm tờ giấy ra viện trên tay, anh xúc động, nước mắt ứa ra và thông báo ngay cho các thành viên khác trong gia đình. Như tiếp thêm động lực, đến ngày 15/8, đứa con gái của anh chị cũng đủ điều kiện và được xuất viện. Đến ngày 18/8, các thành viên còn lại cũng xuất viện và gia đình được đoàn tụ.

Chị Trang nhớ lại: “Cầm tờ giấy xuất viện trên tay, tôi vui mừng không thể diễn đạt hết bằng lời vì sắp được về sum họp với gia đình, đó như một giấc mơ, được tái sinh”.

 Biết ơn lực lượng y, bác sĩ đã cứu chữa cho gia đình mình, bé Bảo Ngọc đã vẽ và kính tặng bức tranh đầy ý nghĩa đến các thầy thuốc.

Biết ơn lực lượng y, bác sĩ đã cứu chữa cho gia đình mình, bé Bảo Ngọc đã vẽ và kính tặng bức tranh đầy ý nghĩa đến các thầy thuốc.

Khi mọi việc trong gia đình đã ổn định trở lại, để biết ơn sự chăm sóc và chữa trị khỏi bệnh cho cả gia đình của lực lượng y, bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến, bé Huỳnh Bảo Ngọc đã âm thầm vẽ bức tranh rồi nhờ mẹ chuyển đến kính tặng cho các cô, chú ở Bệnh viện dã chiến số 1.

Bé Bảo Ngọc tâm sự: “Mặc dù con còn nhỏ, nhưng con cũng biết công cực khổ của các cô, chú bác sĩ. Những lúc con đau đớn, các cô chú đến chăm sóc, an ủi, động viên con. Các cô, chú là người đứng ra che chở cho con trước những hung thần Covid-19. Nhờ đó, tụi con mới được an toàn”.

TS, BS Đỗ Quang Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung tâm Tiền Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, tâm sự: “Có thể nói, trường hợp gia đình anh Phú và chị Trang thật đặc biệt. Khi mới chuyển đến, bệnh của anh Phú khá nặng, chị Trang cũng không hề nhẹ; riêng 2 cháu có phần “dễ thở” hơn. Song, do anh Phú có bệnh nền nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Từ đó, Bệnh viện dã chiến số 1 mới chuyển xuống Bệnh viện Lao - Bệnh phổi Tiền Giang tiếp tục chữa trị. Thời điểm đó, bệnh viện này có đầy đủ trang thiết bị và lực lượng y, bác sĩ cũng khá hơn.

Ngoài sự chăm sóc, chữa trị của lực lượng y, bác sĩ thì động lực của người nhiễm có yếu tố rất lớn trong việc vượt qua dịch Covid-19. Gia đình họ xuất viện không bao lâu, chúng tôi nhận được bức thư vẽ tặng của bé Bảo Ngọc. Lực lượng y, bác sĩ nơi đây rất xúc động và như tiếp thêm động lực để quên đi sự mệt mỏi trong những tháng ngày căng sức cứu chữa bệnh nhân Covid-19”.

Gia đình chị Trang nhắn nhủ mọi người hãy luôn can đảm vượt qua những giây phút khó khăn, giữ tinh thần vững vàng. Bởi, muốn chiến thắng dịch Covid-19, tinh thần và dinh dưỡng là hai yếu tố quan trọng nhất và đừng bao giờ chủ quan trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

NGUYỄN SỰ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/gia-dinh-4-thanh-vien-vuot-ai-f0-thanh-cong-662558/