Gia đình Bà Tân Vlog kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng từ kênh YouTube

Với hàng triệu lượt xem cho mỗi video, phần lớn là nội dung nhảm, các kênh của gia đình bà Tân Vlog như: Hưng Vlog, Bà Tân Vlog, Hưng Troll... có thể thu hàng trăm triệu mỗi tháng.

Gia đình Bà Tân Vlog được cộng đồng mạng gọi là "gia đình YouTube" khi bà và các con của mình đều sở hữu kênh YouTube riêng với lượt xem khá cao.

Hưng Vlog được biết đến là con trai bà Tân và cũng là người đứng sau hỗ trợ để tạo ra những thành công của kênh Bà Tân Vlog. Cá nhân Hưng còn sở hữu 3 kênh YouTube: Hưng Vlog, Hưng Troll, Hưng Gamer đồng thời hỗ trợ cả em gái và em trai lập nên kênh YouTube riêng.

Gần đây, những vlog mới của các thành viên trong gia đình này liên tục bị cộng đồng mạng phản ứng gay gắt khi sa vào việc sản xuất video có nội dung nhảm nhí câu view để kiếm tiền.

Hốt bạc nhờ làm kênh YouTube với nội dung nhảm

Để bật được chức năng kiếm tiền trên YouTube, chủ kênh đó phải đảm bảo những điều kiện cơ bản như đạt 4.000 giờ xem và 1.000 subscribers trong vòng 12 tháng gần nhất. Càng nhiều lượt xem, các nhà sản xuất nội dung sẽ càng kiếm được nhiều tiền từ YouTube.

Số tiền YouTube trả cho một kênh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Video có bao nhiêu quảng cáo; quảng cáo xuất hiện trong video thuộc thể loại quảng cáo gì; người xem video có nhấn vào quảng cáo để đến trang giới thiệu sản phẩm đó; người xem video đang sống ở quốc gia nào,...

Ngày 7/6/2019, kênh Bà Tân Vlog chính thức được bật chức năng kiếm tiền. Kênh này còn có người đại diện truyền thông, phụ trách xây dựng hình ảnh và các vấn đề liên quan tới quảng cáo.

 Gia đình Bà Tân Vlog được cộng đồng mạng gọi là "gia đình YouTube" khi bà và các con của mình đều sở hữu kênh YouTube riêng với lượt xem khá cao. Ảnh cắt từ clip.

Gia đình Bà Tân Vlog được cộng đồng mạng gọi là "gia đình YouTube" khi bà và các con của mình đều sở hữu kênh YouTube riêng với lượt xem khá cao. Ảnh cắt từ clip.

Số liệu thống kê của Social Blade, chuyên trang thống kê độc lập uy tín nhất thế giới về các nền tảng mạng xã hội, cho thấy trong 30 ngày gần nhất, kênh Bà Tân Vlog đạt khoảng 15.496 triệu lượt xem, giảm 46,4% so với trước.

Tuy không tiết lộ cụ thể về mức thu nhập bao nhiêu, dựa vào đơn giá Google trả cho lượt xem tại thị trường Việt Nam (0,3-0,7 USD/1.000 lượt xem) và thống kê của Social Blade thu nhập từ YouTube của bà Tân trong khoảng 30 ngày qua là 3.800-61.400 USD (tương đương khoảng 88 triệu-1,4 tỷ đồng).

Tuy nhiên, số tiền mà YouTube trả cho chủ kênh còn tùy theo khu vực, theo đó mức trả cho lượt xem tại thị trường Việt Nam dao động khoảng 0,3-0,7 USD/1.000 lượt xem. Từ đơn giá này với số lượng lượt xem khoảng 15.496 triệu, có thể ước tính thu nhập tương đối của bà Tân từ YouTube trong 30 ngày qua là 4.648-10.847 USD (tương đương 107-251 triệu đồng)

Theo anh Hưng, con trai bà Tân, 15% của khoản tiền này sẽ được trả cho mạng đa kênh MCN (Multi-channel Network) để được bảo vệ bản quyền nội dung. Theo đó, bà Tân sẽ nhận được 85% của số tiền.

Ngoài Bà Tân Vlog, các con trai của bà là Hưng, Hậu, con gái nuôi Thanh Lương đều sở hữu kênh riêng và có lượng tương tác ổn định. Trong đó, Hưng Vlog là kênh được đánh giá có thu nhập không kém kênh YouTube Bà Tân Vlog, tuy nhiên, hiện tại kênh này đang bị tắt kiếm tiền từ quảng cáo. Nhưng, theo ước tính của Social Blade ngày 11/9, kênh Hưng Vlog có thể kiếm được số tiền lên đến 15.400-246.300 USD/tháng (tương đương khoảng 356 triệu-5,7 tỷ đồng).

Hiện tại kênh YouTube Hưng Vlog đang bị tắt kiếm tiền từ quảng cáo. Ảnh chụp màn hình.

Hiện tại kênh YouTube Hưng Vlog đang bị tắt kiếm tiền từ quảng cáo. Ảnh chụp màn hình.

Hưng cũng là chủ của kênh YouTube Hưng Troll với 583.000 người đăng ký và Hưng Gamer với 186.000 người đăng ký. Song, mới đây không còn tìm thấy 2 kênh này trên YouTube, nhiều người dự đoán rất có thể 2 kênh này đã được Hưng Vlog tạm khóa để tránh "cơn bão" của dư luận trước hàng loạt lùm xùm vi phạm và bị lập biên bản.

Ngoài ra, kênh Hậu Troll và Thanh Lương Vlogs của con trai và con gái nuôi bà Tân đều đã vượt mốc hơn 200.000 người theo dõi. Theo Social Blade, hiện nay kênh Hậu Troll thu về khoảng 1.400-22.300 USD/tháng (tương đương khoảng 32-517 triệu đồng) và kênh Thanh Lương Vlogs thu về khoảng 197-3.100 USD/tháng (tương đương khoảng 4-71 triệu đồng).

Không những vậy, ngoài mức tiền có được từ YouTube, Bà Tân Vlog, Hưng Vlog còn nhận thêm những hợp đồng quảng cáo sản phẩm, đi dự sự kiện..., mang lại nguồn thu nhập khác.

Sản xuất video nhảm nhí để câu view

Số tiền lớn từ YouTube có được nhờ việc Bà Tân Vlog và các kênh liên quan sản xuất hàng loạt video có nội dung nhảm nhí. Các thành viên của gia đình Bà Tân Vlog liên tục sản xuất nhiều video nhảm nhí, có nội dung giật gân để lôi kéo nhiều lượt xem với mục đích kiếm tiền.

Mới đây, kênh Hưng Vlog đã vấp phải chỉ trích của dư luận khi quay và đăng tải video có nội dung dạy cách trộm tiền trong heo đất. Nam thanh niên đã quay cảnh lấy trộm heo đất của em gái, sau đó đập vỡ và lấy tiền bên trong.

Ngay sau khi đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng đây là video phản cảm, cổ súy, dạy hư trẻ nhỏ cách trộm cắp. Trước phản ứng của người xem, Nguyễn Văn Hưng đã gỡ bỏ video này khỏi kênh.

 Hưng Vlog sản xuất nhiều nội dung gây tranh cãi, đặc biệt là video dạy cách trộm tiền trong heo đất. Ảnh cắt từ clip.

Hưng Vlog sản xuất nhiều nội dung gây tranh cãi, đặc biệt là video dạy cách trộm tiền trong heo đất. Ảnh cắt từ clip.

Chiều 7/10, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính Hưng số tiền 10 triệu đồng về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc, cụ thể là đăng tải video “Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết”.

Trước đó một tháng, Hưng bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng sau khi đăng tải lên YouTube video có tiêu đề “Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết”.

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giao Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Văn bản chỉ đạo nêu rõ những video này thu hút hàng triệu người xem, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống, thậm chí nhân cách của trẻ em, kéo văn hóa nghe - nhìn của xã hội đi xuống.

Sau hàng loạt lùm xùm, tranh cãi về nội dung, các video của các thành viên trong gia đình Bà Tân Vlog không còn được đón nhận như trước. Dễ thấy số lượt view cho các video ngày càng sụt giảm dù vẫn được xuất bản đều đặn.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-dinh-ba-tan-vlog-kiem-hang-tram-trieu-moi-thang-tu-kenh-youtube-post1139450.html