'Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc'

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 hàng năm là một sự kiện nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm 'Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc', hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”. Theo lời Bác, ngày 28-6-2000, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Ngày 4-5-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg lấy ngày 28-6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Gia đình Việt Nam nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, từng thành viên hiểu được giá trị của "mái ấm" và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Ảnh: LƯU HỒNG TÀI

Ngày Gia đình Việt Nam nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, từng thành viên hiểu được giá trị của "mái ấm" và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc. Ảnh: LƯU HỒNG TÀI

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, vượt qua mọi khó khăn, thử thách... đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, ngày “Gia đình Việt Nam” là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; là ngày nhắc nhở mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, từng thành viên hiểu được giá trị của “mái ấm” và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

Để tôn vinh các giá trị của gia đình, nhân dịp 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chọn chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” nhằm tạo sự lan tỏa, tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, đề cao các chuẩn mực đạo đức, lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình. Đồng thời, bộ cũng đề nghị các địa phương biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, đặc biệt là những người làm công tác gia đình ở cộng đồng. Các hoạt động kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam tổ chức đồng hành cùng với công tác truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình để tạo chuỗi sự kiện truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong tháng 6-2021.

Đối với Sóc Trăng, thời gian qua, công tác gia đình cũng như các chương trình, kế hoạch, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) được triển khai thực hiện chặt chẽ, quyết liệt. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thường xuyên tổ chức tôn vinh, biểu dương các gia đình hàng năm nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3), Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) và Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11); biên soạn tài liệu tuyên truyền hỏi - đáp về công tác gia đình, PCBLGĐ, tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; thời gian qua, đã in và cấp hàng chục ngàn quyển tài liệu, bản tài liệu tuyên truyền gồm: tờ gấp vai trò của ông bà trong đời sống gia đình, vai trò cha mẹ trong đời sống gia đình, phương pháp và nguyên tắc giáo dục trong gia đình, bình đẳng giới trong gia đình, hỏi - đáp về Luật PCBLGĐ... Đồng thời, còn tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc và bài vọng cổ “Xây dựng gia đình và ca ngợi phụ nữ Việt Nam” tỉnh Sóc Trăng.

Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc. Ảnh minh họa

Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc. Ảnh minh họa

Ông Phạm Văn Đâu - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Sóc Trăng cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên cũng hạn chế một số hoạt động đối với Ngày Gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, sở (Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh) cũng đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể và phòng văn hóa thông tin các huyện, thị xã, thành phố tích cực hưởng ứng kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2021 trên địa bàn tỉnh bằng các hình thức tăng thời lượng, chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; treo băng rôn, áp phích; lồng ghép trong sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể ở cộng đồng dân cư. Nhằm tôn vinh những giá trị, truyền thống của gia đình.

Đặc biệt, từ khi thực hiện Luật PCBLGĐ, hơn 10 năm qua trên địa bàn tỉnh đã tác động và làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Với quan điểm phòng là chính, UBND các cấp rất quan tâm, sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện công tác PCBLGĐ, dành một phần ngân sách thỏa đáng cho công tác này trên địa bàn; chỉ đạo củng cố, kiện toàn bộ máy, đội ngũ làm công tác gia đình các cấp, tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra, có sơ, tổng kết, đánh giá, khen thưởng những nhân tố tích cực có nhiều thành tích trong công tác gia đình. Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tích cực tham mưu cho UBND trong việc thành lập, củng cố bộ máy, xây dựng đội ngũ làm công tác gia đình các cấp, thành lập và đưa vào hoạt động có hiệu quả mô hình PCBLGĐ ở cơ sở. Tổ chức và chỉ đạo tổ chức các hoạt động để luật đi vào đời sống của nhân dân, để mọi tầng lớp được tiếp cận với luật, hiểu và thực hiện đúng theo luật định… Từ đó công tác gia đình có nhiều chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều mô hình hay, cá nhân tiêu biểu đối với công tác này.

Có thể nói, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng ít nhiều có sự tác động đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Vì vậy, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Đặc biệt bản thân mỗi thành viên trong gia đình cần nêu cao trách nhiệm, biết trân trọng, chia sẻ, yêu thương để gìn giữ mái ấm gia đình.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/doi-song-xa-hoi/gia-dinh-binh-an-xa-hoi-hanh-phuc-49775.html