Gia đình cùng đọc sách

Một gia đình tìm hiểu về sách tại Hội Sách tỉnh Phú Yên lần thứ V-2022. Ảnh: THIÊN LÝ

Sách là nguồn tri thức vô tận về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đọc sách là thói quen bổ ích giúp người đọc nâng cao kiến thức, cải thiện sự tập trung, tăng cường kỹ năng tư duy, phân tích; mở rộng vốn từ ngữ, cải thiện trí nhớ, giúp hoàn thiện nhân cách...

Nhiều cuốn sách với những lời khuyên thiết thực đã trở thành liều thuốc bổ giúp chúng ta biết cách vượt qua áp lực trong công việc, cuộc sống. Ngoài ra, sách còn giúp người đọc thư giãn sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.

Cha mẹ là tấm gương cho con

Để phát triển văn hóa đọc, vấn đề gốc rễ là phải xây dựng thói quen đọc sách. Và để xây dựng được thói quen tốt này trong cuộc sống thì phải bắt nguồn từ việc giáo dục của mỗi gia đình. Cha mẹ nên dành thời gian đọc sách, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện, hình thành cho con trẻ thói quen này.

Ông Trần Ngọc Quý ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) từ lâu đã có niềm đam mê đọc sách. Dù công việc bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian để khám phá từng trang sách yêu thích. Trong tủ sách của gia đình ông, đa dạng sách về các lĩnh vực. Không chỉ đọc cho riêng mình, ông còn thường xuyên chia sẻ những cuốn sách hay lên các trang mạng xã hội tới bạn bè. Hai đứa con nhà ông cũng được cha rèn cho thói quen đọc sách từ nhỏ nên ai cũng có sở thích đọc sách. Ông thường xuyên mua sách cho các con và coi như quà tặng mỗi khi con ngoan, học giỏi.

Ông Quý tâm sự: “Tôi và các con cứ rảnh lúc nào là đọc sách lúc đó. Tôi thường chia sẻ với các con bí quyết để duy trì đọc sách được lâu, cuốn hút. Đó là sau khi đọc xong một thể loại sách, các con nên đổi thể loại khác. Ví dụ, sau khi đọc xong cuốn kinh tế, khoa học, thì sẽ chuyển sang thường thức, văn học hoặc truyện trinh thám, hoặc sách khám phá...”.

Hiện nay, tại các gia đình, không gian phục vụ nhu cầu giải trí đang lấn át, còn không gian cho một tủ sách, một góc đọc sách riêng lại không có quá nhiều gia đình đầu tư.

Chị Đoàn Phương Thảo ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), cho biết: “Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, hầu như mọi người đều sử dụng internet và điện thoại thông minh. Vì vậy theo tôi, xây dựng tủ sách gia đình là một cơ hội tốt để cho trẻ tiếp cận sách nhanh chóng, đồng thời giúp cha mẹ có nhiều cơ hội đọc sách cùng con tại nhà”.

Cần đọc sách mỗi ngày

Sách có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi con người, ở mỗi lứa tuổi. Lợi ích từ việc đọc sách mang lại có những điểm khác biệt. Theo bà Võ Thị Nguyễn Huệ, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh, ở lứa tuổi học sinh, hình thành thói quen đọc sách, làm bạn với những trang sách bổ ích, lý thú sẽ giúp phát triển tốt hơn về sự hiểu biết, vốn sống, cách ứng xử, chia sẻ với mọi người, trau dồi khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết. Ở tuổi trưởng thành, mỗi người cũng cần đọc sách mỗi ngày để cập nhật kiến thức, thông tin để trau dồi kỹ năng, nghề nghiệp tránh bị lạc hậu. “Từ những quyển sách hay có thể ảnh hưởng sâu rộng tới quá trình nhận biết thế giới và hình thành nhân cách của trẻ. Để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc cho lứa tuổi học sinh là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng tạo trong mỗi trang sách. Trong đó gia đình có vai trò rất lớn trong việc khơi dậy niềm đam mê đọc sách ở trẻ”, bà Võ Thị Nguyễn Huệ nhìn nhận.

TS Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Thái Hà Books, cho rằng: “Để văn hóa đọc phát triển bền vững, lan tỏa trong cộng đồng thì từ tuổi nhỏ, các em phải được làm quen với sách, được thầy cô giáo, đặc biệt là cha mẹ hướng dẫn cách chọn sách và phương pháp đọc sách hiệu quả. Các thư viện thân thiện, thư viện góc lớp tại các trường học và cả tủ sách gia đình giúp trẻ tiếp cận với sách, từ đó khuyến khích các em tích cực đọc sách; qua đó hỗ trợ học tập, trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê đọc sách”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/275982/gia-dinh-cung-doc-sach.html