'Gia đình haha': Những giọt mồ hôi trên biển đảo
Sau hành trình 'như giấc mơ' tại Bản Liền (Lào Cai), chặng 2 của 'Gia đình Haha – Những ngày trời bao la' mở ra một chặng đường mới đầy thử thách và cảm xúc tại vùng đất biển đảo Lý Sơn và Sa Huỳnh. Tại đây, các thành viên vừa sống và làm việc như những dân bản địa, vừa khám phá chiều sâu văn hóa cùng tình yêu lao động, tình yêu quê hương của những người dân miền biển.
"Vàng trắng" - tỏi Lý Sơn và Hải đội Hoàng Sa: Những câu chuyện còn lưu danh mãi….
Hành trình của "Gia đình Haha" tại đảo Lý Sơn bắt đầu bằng việc học cách trồng tỏi – thương hiệu "vàng trắng" nức tiếng của đảo. Qua những thước phim chân thực và mộc mạc, khán giả được hiểu hơn về loại nông sản độc đáo này. Để trồng được cây tỏi trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và thổ nhưỡng đặc biệt (đất bazan pha cát san hô), người dân nơi đây thực sự phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Bởi vậy, tỏi Lý Sơn không chỉ đơn thuần là một loại cây trồng, một dược liệu quý trong y học dân gian mà còn là biểu tượng của sự cần cù, sáng tạo và ý chí vượt khó của người dân Lý Sơn.

Sau hành trình tại bản Liền, "Gia đình Haha" đến với Quảng Ngãi
Tại Lý Sơn, nghề trồng tỏi là ngành kinh tế chủ đạo, mang lại nguồn thu nhập chính và ổn định cho người dân. Các thành viên được hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn, từ cào cát, rải tép tỏi, phủ cát đến tưới nước. Để tăng thêm động lực và sự thú vị, các nghệ sĩ đã chia đội và tổ chức một cuộc thi trồng tỏi ngay trên cánh đồng, tạo nên không khí lao động hăng say, bất chấp cái nắng chói chang của đảo. Sau giờ lao động, các thành viên đã có khoảnh khắc lắng đọng khi nghe chú Lộc kể về sự vất vả của nghề trồng tỏi. Điều chạm đến trái tim khán giả và các thành viên chính là câu chuyện về Hải đội Hoàng Sa.
Theo lời chú, người dân nơi đây không ai là không biết đến công ơn của những hùng binh xưa kia đã ra khơi, dựng mốc chủ quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa, dù biết "đi mà không trở về". Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa (16/3 Âm lịch) hằng năm tại đình làng An Vĩnh không chỉ là một nghi thức truyền thống, mà còn là sự tri ân và tự hào về lịch sử giữ gìn biển đảo của cha ông. Điều này được nhiều khán giả tinh tế cảm nhận và bình luận ngay trên kênh YouTube Yeah1 Show với sự xúc động sâu sắc: “Mỗi hành trình của Gia đình Haha là một thông điệp. Lào Cai là bảo vệ rừng. Lý Sơn là chủ quyền biển đảo”.

Sa Huỳnh: Nấc thang trưởng thành và tình thân ấm áp
Với tinh thần sẵn sàng cho những trải nghiệm mới, "Gia đình Haha" tiếp tục hành trình đến Sa Huỳnh, đánh dấu một bước trưởng thành mới của cả nhóm. Nếu ở chặng trước, chị Thông thường là người gọi cả nhà dậy, thì nay chính Ngọc Thanh Tâm lại là người đảm nhận vai trò đó. Lần này, họ sẽ bắt đầu một cuộc sống tự lập, không còn sự hỗ trợ của gia đình chủ nhà.
Trong ngôi nhà nhỏ đầy hoa giấy bên bờ biển, các thành viên phải tự mình phân công, cùng nhau lo liệu từ bữa ăn hằng ngày đến những công việc mưu sinh. Dù trời nóng, dù chưa quen với các vật dụng sinh hoạt, nhưng các thành viên đều sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, tung hứng đùa nghịch, tạo ra những tiếng cười trong trẻo, ấm áp.

Bình minh trên cánh đồng muối Sa Huỳnh
Những giọt mồ hôi trên cánh đồng muối trước bình minh
Buổi bình minh trên đồng muối Sa Huỳnh sau đó đã mang đến một trong những trải nghiệm độc đáo chỉ có ở xứ biển: làm muối truyền thống. Với những cú máy "siêu điện ảnh", cánh đồng muối hiện lên với những mảng màu đẹp hiếm có: từ sắc tím huyền ảo trong khoảnh khắc đất trời chuyển từ đêm sang ngày, cho tới sắc cam rực rỡ lúc mặt trời vừa ló dạng cùng những tia nắng đầu tiên rải vàng trên cánh đồng muối. Tất cả vẽ nên một khung cảnh bình yên đến lạ, đối lập hoàn toàn với sự nhọc nhằn, cẩn trọng trong từng bước chân của những người diêm dân.
Với khán giả, nụ cười mộc mạc cùng giọt mồ hôi trên khuôn mặt chú Điệp là giây phút tạo nên nhiều cảm xúc đan xen: vừa cảm thương cho sự vất vả của diêm dân, vừa nể phục sự kiên trì, bền bỉ của họ. Nhưng đổi lại, cảm giác thanh bình khi ngắm nhìn thành quả lao động dưới ánh bình minh rực rỡ lại là một vẻ đẹp giản dị mà không phải ai cũng có cơ hội cảm nhận trọn vẹn. Và đó là những gì mà “Gia đình Haha” đã thực sự làm được: chạm tới người xem bởi những cảnh quay đầy cảm xúc.

Điều làm khán giả rung động đặc biệt đó là câu chuyện “làm cha” của anh Điệp. Khi con lên lớp 3, anh Điệp cho con lên thành phố để con được học môi trường tốt hơn. Nhưng vì các bé còn nhỏ, sợ xa bố mẹ sẽ bị ảnh hưởng tâm lý nên anh đã vào Sài Gòn cùng các bé. Dù anh bảo “nghề muối không bỏ được, phải giữ gìn”, nhưng khi được hỏi anh có định để con cái tiếp nối truyền thống nghề muối không, anh lại trả lời: “Cái đó tùy vào quyết định của con”.
Câu trả lời mộc mạc nhưng đầy tôn trọng và yêu thương con khiến khán giả không ngừng thả tim khen ngợi ông bố quá đỉnh. Và khán giả lại lần nữa liên tưởng tới chị Thông, chị Cân ở chặng Bản Liền, khi họ phát hiện ra những nhân vật trong chương trình “Gia đình Haha” dù rất bình dị nhưng ai cũng yêu lao động, yêu quê hương, dành cho con tất cả tình yêu và sự tôn trọng, văn minh.

Tập 5 đánh dấu một bước chuyển quan trọng của "Gia đình Haha", nơi sự trưởng thành được thể hiện qua khả năng tự lập và sự thích ứng với những nếp sống mới, từ việc trồng tỏi ở Lý Sơn đến làm muối tại Sa Huỳnh. Chặng hành trình tại Quảng Ngãi chỉ mới bắt đầu, hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến những câu chuyện chân thực về văn hóa và con người miền biển trong các tập tiếp theo.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/gia-dinh-haha-nhung-giot-mo-hoi-tren-bien-dao-post617457.antd