Xứ Thái - nơi hội tụ, chốn tìm về

Trong công cuộc đổi mới đất nước, Thái Nguyên đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế xã hội và đạt được những thành tựu quan trọng. Bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, địa giới hành chính sau sáp nhập tỉnh mở ra không gian mới để vươn xa tầm nhìn, phát triển hưng thịnh.

Đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục) trong quần thể Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế.

Đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục) trong quần thể Khu di tích lịch sử Lý Nam Đế.

Hồn dân tộc trong hình sông thế núi

Theo các nguồn sử liệu, mảnh đất này là nơi sinh ra và lưu dấu tuổi thơ của vua Lý Nam Đế, tên húy hồi nhỏ là Lý Bí. Ngày 12/1/544, sau khi đánh tan giặc Lương, Lý Bí xưng ngôi là Lý Nam Đế, đặt niên hiệu là Thiên Đức, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Từ xa xưa, Thái Nguyên là “phên giậu” che chắn phía Bắc kinh thành Thăng Long. Trong nhiều cuộc chiến tranh và những năm tháng bị thống trị của phong kiến phương Bắc, sự đô hộ của thực dân Pháp, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, bất khuất viết nên bao chương sử vàng oanh liệt.

Thái Nguyên là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm và lan tỏa thành cao trào đấu tranh theo đường lối, chủ trương giải phóng dân tộc của Đảng. Trung đội Cứu quốc quân II, một trong những tổ chức tiền thân của Quân đội ta, thành lập tại Thái Nguyên và lấy vùng đất này là địa bàn hoạt động chủ yếu. Thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên cùng một số tỉnh trong vùng Việt Bắc được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm căn cứ địa cách mạng.

Truyền thống anh dũng, kiên cường của mảnh đất và con người Thái Nguyên tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với nhiều hành động quả cảm vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, chiến công và sự hy sinh anh dũng của 60 đội viên Đại đội 915, Đội Thanh niên xung phong 91 Bắc Thái, trong đêm Noel 24/12/1972 là một biểu hiện sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc…”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã chủ động sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Thái Nguyên đã hình thành các khu công nghiệp lớn. Các vùng chuyên canh cây chè và một số loại cây đặc sản tiếp tục được mở rộng. Giá trị xuất khẩu, thu ngân sách đứng trong TOP các tỉnh dẫn đầu khu vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm cao; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hiện đại, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, chuyển đổi số thu được kết quả quan trọng. Sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục đạt nhiều thành tựu…

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, lịch sử anh hùng và văn hiến, lịch sử cách mạng của mảnh đất, con người Thái Nguyên đã được bồi lắng qua các địa tầng văn hóa. Hình sông thế núi mang hồn dân tộc trường tồn qua năm tháng.

Những năm gần đây, Thái Nguyên đã trở thành điểm đến của nhiều nhà đầu tư. Nhiều việc làm thiết thực của tỉnh trong bảo tồn, tôn tạo di tích, lưu giữ giá trị truyền thống, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và sự thân thiện của người dân để lại cho bất kì ai tới Thái Nguyên những ấn tương sâu sắc. Ký ức của tiền nhân qua những áng hùng văn, huyền tích mang đến cho tôi nguồn năng lượng tích cực và thật nhiều cảm xúc.

Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng những miền quê đáng sống, luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển. Trong ảnh: Một góc xã Định Hóa.

Thái Nguyên đang nỗ lực xây dựng những miền quê đáng sống, luôn bình yên, hạnh phúc, sung túc và phát triển. Trong ảnh: Một góc xã Định Hóa.

Lan tỏa khát vọng kiến tạo

Nghe sự tích “Luồng hoa” rồng bay lên thả nắng từ núi Chúa, một ngọn núi bên sườn Đông Tam Đảo của người Tày, bạn bè tôi có người cho rằng đó cũng là lời tiên tri về vận mệnh tươi sáng của vùng đất Thái Nguyên.

Trong nhịp sống hiện đại, phong cảnh và bản sắc của cộng đồng các dân tộc tạo nên bức tranh nhiều màu sắc và thanh âm với giai điệu đầy hoài cảm. Mục tiêu xây dựng Thái Nguyên thành vùng đất đáng sống, nơi hội tụ, chốn tìm về tiếp tục truyền cảm hứng và lan tỏa khát vọng kiến tạo trong các tầng lớp nhân dân.

Để đạt được mục tiêu ấy cần tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và văn hóa, an sinh xã hội, giữ gìn bản sắc của đất và người Thái Nguyên. Quan tâm dành diện tích thích hợp trong xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho khuôn viên cây xanh, nhà ở xã hội. Tổ chức các cuộc thi tìm ý tưởng mới trong thiết kế xây dựng đô thị, nhất là đô thị trung tâm dọc hai bên bờ sông Cầu.

Tận dụng phần đất dưới chân núi Linh Sơn, núi Voi để quy hoạch, xây dựng các công viên, khu văn hóa tâm linh, tổ hợp vui chơi giải trí, tạo cho bộ mặt đô thị Thái Nguyên vừa hiện đại đẳng cấp, vừa mang nét khác biệt.

Bản sắc của vùng đất nào cũng cần có không gian lịch sử văn hóa nguồn cội. Kiến tạo giá trị mới và phục dựng những công trình kiến trúc cổ để thế hệ mai sau hiểu biết về quá khứ và thu hút du khách đến với Thái Nguyên, thiết nghĩ cũng là việc nên làm, ví dụ như: Văn miếu Thái Nguyên, Hành cung Thái Nguyên, thành Đồng Mỗ, đình Hàng Phố, hoặc một khu phố cổ…

Khái niệm “đô thị nông thôn” tuy còn khá mới, nhưng không quá xa lạ. Vấn đề cần quan tâm là định hướng qui hoạch, xây dựng, để mỗi làng quê giữ được vẻ đẹp truyền thống và mang bản sắc của từng dân tộc, theo mô hình mỗi làng quê như một “làng du lịch cộng đồng”.

Thái Nguyên có nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng nhưng chưa được đầu tư xứng tầm. Chúng ta cần mời gọi các nhà đầu tư có tiểm lực tài chính mạnh phát triển hai khu du lịch chính hồ Núi Cốc, hồ Ba Bể. Đồng thời, quy hoạch một khu công viên vui chơi giải trí tầm cỡ, có thể sánh với Bà Nà Hills, Đại Nam… Phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát triển hệ sinh thái chè, văn hóa trà và các giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa độc đáo của vùng Việt Bắc.

Đầu tư xây dựng một, hai điểm trồng chè tập trung diện tích đất lớn, thiết kế không gian và cảnh quan đẹp (trên thực tế nếu du khách muốn tham quan đồi chè, nương chè đẹp thường chọn Mộc Châu, hoặc Long Cốc). Chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội, chỉ nên cho phép mở những lễ hội mang nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc và có giá trị truyền thống.

Con đường đi lên phía trước đã rộng mở. Thời cơ, vận hội và thách thức luôn đan xen. Ý chí, bản lĩnh, tinh thần đoàn kết, truyền thống Anh hùng cách mạng chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ. Thái Nguyên sẽ trở thành cực tăng trưởng vùng, một trung tâm liên kết, hội tụ, lan tỏa phát triển và lập nên những kì tích mới trong kỉ nguyên vươn mình của dân tộc.

Phan Thái

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202507/xu-thai-noi-hoi-tu-chon-tim-ve-c9c03ed/