'Gia đình hạnh phúc - quốc gia thịnh vượng'

Gia đình không chỉ là nơi yêu thương, là tài sản vô giá đối với mỗi người, mà còn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng xây dựng quốc gia thịnh vượng.

Gia đình hạnh phúc tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát triển toàn diện.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò, tầm quan trọng của gia đình: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Quan điểm của Người như nhắc nhở mỗi cá nhân phải biết trân quý những giá trị của gia đình, cùng nhau gìn giữ và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Gia đình là nơi hiện hữu của huyết thống, tình yêu thương, sự đồng cảm, sẻ chia. Chính những điều đó đã trở thành sợi dây vô hình gắn kết các thành viên, mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ, con cháu, ông bà một cách bền chặt. Từ sự gắn kết ấy, gia đình trở thành tổ ấm của mỗi người. Nơi mọi thành viên đều tìm thấy sự bình yên, tình yêu thương, niềm hạnh phúc, lòng kính trọng và sự hy sinh. Đặc biệt, sự gắn kết bền chặt ấy đã tạo nên một sứ mệnh cao cả cho gia đình - đó là kho tàng văn hóa, nơi lưu giữ và trao truyền các giá trị văn hóa, ứng xử tốt đẹp của văn hóa Việt.

Tâm sự về gia đình, anh Nguyễn Minh Hoàng (TP Thanh Hóa) chia sẻ, truyền thống gia đình, sự yêu thương của ông bà, bố mẹ đã trở thành điểm tựa vững chắc cho anh trong những năm tháng học tập và lao động tại Đức. Khoảng thời gian xa nhà là lúc anh Hoàng cảm nhận rõ sự thiêng liêng của gia đình và anh luôn trân trọng những giá trị của văn hóa, gia đình, xem đó là động lực để học tập và cống hiến cho xã hội. Còn với chị Phạm Thị Duyên (Ngọc Lặc), sinh ra và lớn lên trong gia đình 3 thế hệ đã giúp chị học được nhiều quy tắc ứng xử phù hợp. Đặc biệt, các thành viên trong gia đình được tiếp xúc với văn hóa truyền thống từ nhỏ, điều này đã giúp khơi dậy tình yêu văn hóa truyền thống của các thành viên, giúp mỗi thành viên trở thành những hạt nhân gìn giữ văn hóa truyền thống tại địa phương.

Theo lẽ thường, gia đình sẽ là nơi “bão dừng sau cánh cửa”, nơi trở về sau những ngày lao động, học tập mệt mỏi. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, gia đình và những giá trị của gia đình đã và đang đứng trước nguy cơ chịu sự tác động xấu từ mặt trái của cơ chế thị trường và công nghệ số. Các gia đình đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như: các thành viên thiếu sự kết nối, quan tâm chia sẻ; những giá trị chuẩn mực bị lung lay; công nghệ chiếm hữu, bạo lực gia đình, ly hôn... Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại... Không ít người trưởng thành tìm niềm vui trong công việc, các mối quan hệ, chỉ về nhà khi tối muộn. Trẻ em thì nghiện game, các thú vui tiêu khiển trên mạng hay tụ tập bạn bè tối ngày, về đến nhà thì nhốt mình trong phòng riêng. Hay một số trẻ phải tự sống một mình, ít nhận được sự quan tâm của bố mẹ dù trong một mái nhà. Một số thì không muốn hoặc sợ về nhà vì cảm thấy cô đơn, ngột ngạt bởi những cuộc cãi vã, sự lạnh nhạt của các thành viên. Những điều này kéo dài, tạo nên một khoảng cách lớn giữa các thành viên. Hậu quả của nó là nhiều vụ ly hôn xảy ra; tình trạng người rối loạn tâm thần gia tăng; các vụ bạo lực có diễn biến phức tạp hơn; nhiều tệ nạn xâm nhập vào gia đình.

Tiết mục truyền thông tại chương trình truyền thông thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình.

Gia đình là tổ ấm, là trường học đầu tiên của mỗi người, gia đình hạnh phúc sẽ là “bức tường lửa” an toàn để bảo vệ, hướng dẫn cá nhân chống lại sự tấn công của tệ nạn xã hội. Từ đó, cá nhân mới có điều kiện tốt để phát triển toàn diện. Nhiều cá nhân tốt tạo nên xã hội lành mạnh, góp sức xây dựng quê hương, đất nước phát triển thịnh vượng. Bởi vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác gia đình. Và, ngày 28/6 hàng năm đã được Thủ tướng Chính phủ chọn là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình.

Để tôn vinh những giá trị của gia đình Việt, Ngày Gia đình Việt Nam năm 2024 một lần nữa lan tỏa chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” và các thông điệp: Gia đình hạnh phúc là nền tảng của quốc gia thịnh vượng; Đầu tư cho công tác gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững; Gia đình là nơi nuôi dưỡng, trao truyền các giá trị quốc gia; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình... Qua đó, nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của gia đình và mối quan hệ của gia đình với xã hội và quốc gia.

Hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các ngành liên quan khác và các địa phương đã triển khai Cuộc thi ảnh “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”; đẩy mạnh truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh, trên mạng xã hội, tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường chính tại TP Thanh Hóa... Các hoạt động từng bước nâng cao nhận thức và hành động của người dân về vai trò của gia đình trong xã hội hiện nay; cách xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình.

Và thực tiễn đã minh chứng, nếu ai cũng biết cách ứng xử, tôn trọng, yêu thương, cảm thông với các thành viên trong gia đình thì việc xây dựng gia đình hạnh phúc là điều trong tầm tay. Ngược lại, nếu luôn ích kỷ, không chia sẻ, cảm thông thì hạnh phúc sẽ trở thành điều xa vời. Bởi vậy, mỗi người hãy tự thay đổi, rèn luyện bản thân, nâng cao trách nhiệm và hành động để chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo đà cho quốc gia phát triển thịnh vượng.

Bài và ảnh: Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gia-dinh-hanh-phuc-quoc-gia-thinh-vuong-217921.htm