'Gia đình khủng bố' đe dọa an ninh ở Indonesia

Indonesia, quốc gia có đông người theo đạo Hồi nhất thế giới, lại phải đối mặt với thách thức từ hình thức khủng bố mới khi cả gia đình cùng tham gia tấn công. Đây là hình thức khủng bố được truyền cảm hứng từ các phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Swissinfo.ch dẫn lời các nhà phân tích cho biết, các nhóm khủng bố thân IS tại Indonesia là mối đe dọa trong suốt 2 năm qua, sau khi các phần tử cực đoan IS bị đánh bại ở Syria và Iraq. Nhóm cực đoan Jemaah Islamiyah sau thập kỷ bị suy yếu, trong những năm gần đây lại nổi lên trở thành mối đe dọa mới, khi các tay súng từng tham gia IS ở Iraq và Syria đã trở lại Indonesia. Điều nguy hiểm là những phần tử này được truyền cảm hứng bởi các vụ tấn công của IS ở nước ngoài.

Vụ mới đây nhất là một cặp vợ chồng gây ra vụ tấn công khủng bố tại nhà thờ Công giáo ở Makassar thuộc tỉnh Nam Sulawesi, miền Trung Indonesia, khiến 20 người bị thương. Cặp vợ chồng này được xác định là thành viên mạng lưới Jamaah Ansharut Daulah (JAD) đã bị cấm ở Indonesia vào năm 2018. Cảnh sát cho biết, một trong 2 kẻ đánh bom, 26 tuổi, đã để lại bức thư vĩnh biệt cho mẹ mình, bày tỏ khát khao được tử vì đạo.

Cảnh sát Indonesia tăng cường an ninh tại Jakarta sau vụ tấn công tại nhà thờ ở Makassar. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Indonesia tăng cường an ninh tại Jakarta sau vụ tấn công tại nhà thờ ở Makassar. Ảnh: Reuters

Theo Cảnh sát trưởng quốc gia Indonesia Prabowo, nhóm JAD ủng hộ thủ lĩnh IS ở Đông Nam Á Abu Bakr al-Baghdadi và cam kết thực hiện mọi chỉ đạo từ các thủ lĩnh IS. Vụ tấn công mới nhất cho thấy, IS đang theo đuổi cách thức tấn công khủng bố bằng cách lôi kéo cả gia đình cùng tham gia gây tội ác. “Gia đình khủng bố” là xu hướng trong đó cha mẹ và con cái sẵn sàng tiến hành các cuộc đánh bom liều chết.

Vụ đánh bom nhà thờ ở Makassar là vụ tấn công thứ 3, do một cặp vợ chồng đánh bom liều chết tiến hành ở Indonesia những năm gần đây. Vào tháng 5-2018, một gia đình người Indonesia gồm hai vợ chồng và 4 người con đã thực hiện đánh bom tại một loạt nhà thờ ở thành phố Javanese (Surabaya), làm 28 người thiệt mạng. Gần một năm sau đó, cặp vợ chồng người Indonesia khác là Ulfa Handayani Saleh và Rullie Rian Zeke, đã đánh bom một nhà thờ ở Jolo, miền Nam Philippines, làm 23 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Ulfa là em gái của Rizaldi, người đứng đầu một nhóm tín đồ Hồi giáo ở Sulawesi.

Theo Swissinfo.ch, ông Noor Huda Ismail, học giả tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam cho biết, có rất nhiều người Indonesia đã gia nhập IS theo nhóm thành viên trong cùng gia đình. Theo bà Sidney Jones, Giám đốc Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC, có trụ sở tại Jakarta), hơn 1.100 người Indonesia đã rời bỏ đất nước để gia nhập IS. Trong số đó, có những trường hợp cả gia đình, bao gồm cả trẻ em cũng gia nhập IS. Họ bị tác động của những lời tuyên truyền mà IS đã thực hiện khá hiệu quả, theo đó lý tưởng hóa việc nuôi dạy con trong một nhà nước Hồi giáo thuần túy. Năm 2019, hàng trăm người đã bị trục xuất và trở lại Indonesia sau khi IS bị đánh bại.

Ông Taufik Andrie, Giám đốc tổ chức hỗ trợ các tay súng từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và hòa nhập cộng đồng ở Indonesia cho rằng, việc sử dụng trẻ em trong các cuộc tấn công là hành động đáng ghê tởm. Theo ông, điều này cho thấy hệ tư tưởng cực đoan có thể lôi kéo trẻ em. Chuyên gia phân tích khủng bố Indonesia Stanislaus Riyanta cho rằng, việc sử dụng một gia đình tấn công khủng bố nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của cảnh sát.

Tại Indonesia, các nhóm khủng bố có liên hệ với IS thường sử dụng phụ nữ làm vai trò trung gian, tăng cường các mối quan hệ và nuôi dưỡng các chiến binh thánh chiến nhằm mở rộng lực lượng. Việc lôi kéo cả gia đình, gồm cả phụ nữ và trẻ em, tham gia các vụ tấn công liều chết tại Indonesia cho thấy mức độ nguy hiểm ngày càng tăng của các phần tử khủng bố, với hình thức tấn công tinh vi hơn. Không chỉ dùng cách thức tấn công theo kiểu “con sói đơn độc”, các phần tử khủng bố IS đã chuyển sang hình thức tấn công tàn bạo khi sử dụng cả phụ nữ và trẻ em để thực hiện các kế hoạch khủng bố của mình.

Tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17 ở Singapore, lần đầu tiên hình thức khủng bố “cả gia đình” được đề cập một cách đầy quan ngại, coi đây là mối đe dọa ở khu vực Đông Nam Á. Trước sự gia tăng các vụ khủng bố theo hình thức mới này, Indonesia cùng các nước ở khu vực Đông Nam Á đã và đang kêu gọi tăng cường hợp tác và có chiến lược đối phó nhằm ngăn chặn xu hướng bạo lực đáng lo ngại trên.

XUÂN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/gia-dinh-khung-bo-de-doa-an-ninh-o-indonesia-655864