Gia đình là yếu tố quan trọng để khởi động giáo dục và đánh giá phẩm chất học sinh
Phẩm chất của học sinh chỉ phát triển toàn diện nếu được giáo dục toàn diện trong cả môi trường gia đình và nhà trường.
Cha mẹ chính là giáo viên dạy phẩm chất đầu tiên
PGS.TS. Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, theo truyền thống, trẻ nhỏ tin vào những gì đúng và sai theo truyền thống đã bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gia đình của chúng, gia đình là nơi truyền tải giá trị chính hoặc duy nhất. Có thể nói, gia đình là nhà giáo dục phẩm chất chính của trẻ.
Cha mẹ chính là giáo viên dạy phẩm chất đầu tiên và cha mẹ cũng là người có ảnh hưởng lâu dài nhất với học sinh. Cùng với những quan điểm, sự thể hiện thông qua lời nói, hành động, thì những nhận xét, đánh giá, uốn nắn của cha mẹ và những người thân trong gia đình tác động lớn đến đứa trẻ, giúp trẻ thay đổi nhận thức, hành vi, từ đó tạo ra phẩm chất của nó.
Phẩm chất của mỗi cá nhân với tư cách là một phần của tính cách, được hình thành và phát triển thông qua chung sống với người khác, hướng tới các chuẩn mực xã hội và ẩn dụ văn hóa. Trẻ thiết lập biên giới cá nhân thông qua một quá trình đàm phán giữa các cá nhân. Những nỗ lực của nhà trường có vai trò quan trọng trong việc đạt được các giá trị quan trọng, cốt lõi, đạo đức trong giáo dục phẩm chất.
Giáo dục phẩm chất khởi nguồn từ gia đình, tiếp tục ở nhà trường, đây chính là môi trường thứ hai trong cuộc sống trẻ em. Bầu không khí chấp nhận và ấm áp đối với học sinh là một yếu tố thiết yếu của giáo dục phẩm chất ở mỗi lớp học. Đặc biệt là ở những năm tiểu học, đánh giá đi đôi với uốn nắn trở thành công cụ quan trọng trong giáo dục ở mỗi nhà trường.
Người ta cho rằng, khi đánh giá, nhận xét lỏng lẻo, chung chung thì gây ra tác dụng ngược: trẻ em sẽ “nhờn”, không tôn trọng nội dung, mục tiêu, cách thức giáo dục phẩm chất. Lúc này, đánh giá như “bánh lái ngược” tác động trở lại mục tiêu, nội dung, cách thức giáo dục. Hơn nữa, trẻ em rèn luyện các phẩm chất trong suốt chương trình giảng dạy, các văn bản và từ giáo viên.
"Giáo viên là thành phần cốt lõi của trường học và họ đóng vai trò quan trọng trong giáo dục phẩm chất. Trước hết, giáo viên cần hiểu rõ rằng giáo dục phẩm chất là nỗ lực có chủ ý để dạy các đức tính đại diện cho các tiêu chuẩn đạo đức khách quan vượt qua thời gian, văn hóa và lựa chọn cá nhân. Để phát triển tính cách đạo đức trong học sinh của mình, giáo viên phải giúp trẻ biết những phẩm chất đó là gì, đánh giá cao tầm quan trọng của chúng và muốn sở hữu chúng, và để thực hành chúng trong hành vi hàng ngày. Giáo viên cũng là người kết nối gia đình và nhà trường trong đánh giá, phối hợp thực hiện những nội dung giáo dục phẩm chất người học" - PGS.TS. Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh.
Trong lý luận cũng như trong thực tiễn giáo dục, sự thống nhất tác động giáo dục từ nhà trường, gia đình và xã hội được xem là vấn đề có tính nguyên tắc đảm bảo cho mọi hoạt động giáo dục có điều kiện đạt hiệu quả tốt. Trong việc tổ chức kết hợp các lực lượng giáo dục, gia đình có vai trò và tác động vô cùng quan trọng, là trọng tâm của các hoạt động kết hợp. Gia đình là nơi trẻ được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách của mình. Nội hàm việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường được xác định trong nhiều văn bản pháp luật ở nước ta hiện nay như trong Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tăng cường hợp tác để phụ huynh và giáo viên hiểu nhau hơn
Trong Thông tư 30 và Thông tư 22 của Bộ GD-ĐT cũng có quy định về việc gia đình, nhà trường cùng nhau đánh giá phẩm chất học sinh tiểu học. Sự huy động tham gia của cha mẹ học sinh vào giáo dục phẩm chất học sinh, vai trò của cha mẹ học sinh trong đánh giá năng lực phẩm chất học sinh như: “Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.”; “Khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển năng lực, phẩm chất.”; “Đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét; kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất”.
PGS.TS. Chu Cẩm Thơ cho rằng, để tăng cường hiệu quả sự hợp tác của cha mẹ học sinh trong công tác đánh giá phẩm chất học sinh, nhà trường áp dụng phương pháp tuyên truyền cho giáo viên và phụ huynh học sinh về hoạt động giáo dục. Tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn, bồi dưỡng kinh nghiệm giáo dục cho cha mẹ học sinh. Tổ chức cho họ báo cáo điển hình ở lớp, ở trường về cách giáo dục con với những gương điển hình.
Việc thông báo các kết quả đánh giá phẩm chất của nhà trường, giáo viên cho cha mẹ học sinh được thông qua các cuộc họp cha mẹ học sinh, qua tin nhắn điện tử, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên gặp gỡ trao đổi với cha mẹ học sinh, tổ chức thăm gia đình học sinh.
Nhiều nhà trường đã thiết kế các công cụ để cha mẹ học sinh có thể phối hợp cùng đánh giá phẩm chất học sinh, hình thức này có ý nghĩa rất thiết thực giúp cho giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh hiểu các em hơn, đánh giá các em một cách công bằng và toàn diện. Đây còn là dịp để cô giáo và phụ huynh hiểu nhau hơn, là dịp để phụ huynh gửi lời cảm ơn tới cô giáo - người đã và đang dìu dắt con em mình, là dịp để giáo viên lắng nghe phụ huynh nói để kịp thời tiếp thu và có hướng giúp các em ngày càng tiến bộ.
Kinh nghiệm quốc tế
Một số kinh nghiệm quốc tế về sự phối hợp giáo dục phẩm chất (trong đó có đánh giá) giữa gia đình và nhà trường như sau: Tại Canada, vào năm 1999 đã đưa ra khung chính sách về sự tham gia của gia đình, cộng đồng và nhà trường trong giáo dục phẩm chất của học sinh nói chung và đánh giá phẩm chất nói riêng. Hội đồng Giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc khuyến khích cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia và cộng tác.
Các chính sách và hỗ trợ được phát triển trên toàn hệ thống, thúc đẩy và tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia. Chính phủ xây dựng chính sách và hướng dẫn các hoạt động liên quan đến cha mẹ học sinh và cộng đồng, bao gồm các văn bản xác định rõ ràng về mục đích, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của từng bên tham gia; cung cấp thông tin kịp thời cho gia đình và các thành viên trong cộng đồng để tạo điều kiện cho họ tham gia và ra quyết định hiệu quả, khi cần thiết, đàm phán với cha mẹ học sinh và các tổ chức cộng đồng và hội đồng/hội đồng quận huyện để hoạt động một cách hiệu quả.
Hiệu trưởng nhà trường ngoài nhiệm vụ hành chính và giáo dục, còn khuyến khích và tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh và cộng đồng tham gia và hợp tác. Giáo viên có trách nhiệm chính là lên kế hoạch, tạo điều kiện và đánh giá phẩm chất và kết quả học tập của học sinh. Giáo viên khuyến khích cha mẹ học sinh tham gia đóng góp mạnh mẽ vào quá trình này.
Tại Hong Kong, Ủy ban phối hợp giữa gia đình và nhà trường” (CHSC) đã xuất bản cuốn sách cẩm nang “Phối hợp cha mẹ học sinh - giáo viên”, trong đó nêu lên tầm quan trọng của sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục và đánh giá phẩm chất của học sinh. Trong đó nêu rõ, mặc dù các trường học đóng một vai trò quan trọng trong giáo dục và đánh giá phẩm chất học sinh, nhưng chỉ với nỗ lực tham gia của cả gia đình và nhà trường, công việc này mới đạt hiệu quả.
Gia đình là yếu tố cần thiết để khởi động giáo dục và đánh giá phẩm chất cho học sinh. Cha mẹ nên phối hợp với ngành giáo dục trong việc thực hiện giáo dục và đánh giá phẩm chất học sinh. Cha mẹ có thể là tấm gương hàng ngày để thấm nhuần cho trẻ thái độ và giá trị tích cực và dạy chúng nhận thức đúng sai. Tác giả tin tưởng những nỗ lực hợp tác của nhà và trường học sẽ giúp học sinh được nuôi dưỡng dưới tình yêu và sự chăm sóc của nhà và trường học để phát triển và phát triển lành mạnh. Với tinh thần trách nhiệm cao, học sinh sẽ quan tâm và tôn trọng người khác, khi lớn lên các em sẽ trở thành trụ cột của xã hội chúng ta trong tương lai.
PGS.TS. Chu Cẩm Thơ nhấn mạnh: "Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường đã góp phần không nhỏ cho công tác giáo dục nói chung và giáo dục phẩm chất học sinh tiểu học nói riêng. Trong bối cảnh đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và đổi mới đánh giá kiến thức kỹ năng sang đánh giá năng lực phẩm chất, sự tham gia của cha mẹ học sinh trong giáo dục, đánh giá phẩm chất học sinh tiểu học lại càng trở nên vô cùng quan trọng. Phẩm chất của học sinh chỉ phát triển toàn diện nếu được giáo dục toàn diện trong cả môi trường gia đình và nhà trường".