'Gia đình mình vui bất thình lình' dùng bi kịch để câu khán giả: Cũ rích và nhàm chán
Những tập gần đây, bộ phim 'Gia đình mình vui bất thình lình' liên tục khiến khán giả ức chế vì bế tắc và bi kịch. Đỉnh điểm là tình tiết nhân vật Phương (Kiều Anh) 3 lần sảy thai và gia đình cô đứng trên bờ vực tan vỡ.
Tập 44 Gia đình mình vui bất thình lình lên sóng tối 4/8 xoay quanh bi kịch của gia đình Phương (Kiều Anh) và Công (Quang Sự). Ở tập trước, Phương đau đớn khi nhận kết quả không thể giữ đứa bé. Cô tổn thương hơn khi không nhận được sự chia sẻ và thấu hiểu của chồng. Công mất bình tĩnh, đập phá đồ đạc, bỏ nhà đi đến tối muộn.
Không thể kìm nén và chịu đựng thêm nữa, Phương đề nghị ly hôn. Cô cảm thấy mệt mỏi, bế tắc với cuộc hôn nhân này. Phương giãi bày về khoảng cách giữa hai người, sự khác biệt trong sở thích, tính cách. Phương thừa nhận cả hai đến với nhau chỉ vì cô lỡ có thai. Sau rất nhiều cố gắng thì Phương cũng không phải hình mẫu mà Công mong muốn.
Dù chủ động đề nghị ly hôn, Phương không khỏi bàng hoàng trước sự bình tĩnh của Công. Nỗi đau của cô như nhân lên khi Công đồng ý và không một lời níu kéo hay xót xa cho vợ mình. “Là anh đã sẵn sàng chuyện ly hôn này từ rất lâu rồi, đúng không?”, Phương nói trong nước mắt.
Sau khi bộ phim lên sóng đã vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt từ phía khán giả. Nhiều người cho rằng việc để Phương sảy thai lần thứ 3 đã quá tàn nhẫn với người phụ nữ. Thêm tình tiết cô phải ly hôn thì bộ phim thực sự thiếu tính nhân văn.
Ý tưởng cạn kiệt, càng kéo dài càng bế tắc
Ngay khi lên sóng, Gia đình mình vui bất thình lình được kỳ vọng bởi quy tụ dàn diễn viên thực lực gồm NSND Bùi Bài Bình, NSND Lan Hương, Kiều Anh, Lan Phương, Quang Sự, Doãn Quốc Đam, Thanh Sơn… Hơn nữa, bộ phim được cho là hướng tới đề tài chữa lành.
Thực tế, Gia đình mình vui bất thình lình từng có khởi đầu đầy thư giãn với những tình huống mang tới tiếng cười cho khán giả. Phim khai thác góc nhìn hiện đại hơn về các mối quan hệ trong gia đình - nơi mà con dâu không còn là "nạn nhân", mẹ chồng không còn là "phản diện", những người đàn ông "không vô tội" và những khái niệm về công - dung - ngôn - hạnh rất khác so với trước đây.
Ở giai đoạn đầu, những vấn đề của các nhân vật trong phim được đặt ra nhẹ nhàng và giải quyết cũng nhân văn, hài hước. Tuy nhiên, càng về sau, câu chuyện càng trở nên nặng nề và bế tắc.
Cụ thể, khi nhân vật Công (Quang Sự) vướng vào lưới tình của cô sinh viên thực tập, những cô em dâu thay Phương (Kiều Anh) hành sự. Phim được khen vì giải quyết vấn đề một cách thấu đáo và khiến người xem khoái chí. Xét trong tổng thể diễn biến về sau, đó được xem là điểm sáng duy nhất của Gia đình mình vui bất thình lình.
Càng về sau bộ phim càng gây thất vọng khi cố tình kéo dài kịch bản bằng những chi tiết rườm rà, rối rắm, thậm chí thiếu tính nhân văn. Đó là khi Trâm Anh (Khả Ngân) bất ngờ muốn ở lại nhà chồng hay chuyện Hà (Lan Phương) truy vấn chồng mấy tập phim chỉ vì làm mất nhẫn cưới… Cao trào hơn là khi gia đình Danh (Thanh Sơn) đứng trên bờ vực tan vỡ vì người chồng phát hiện ra chuyện quá khứ của vợ.
Chưa dừng lại, Gia đình mình vui bất thình lình thử thách sự kiên nhẫn của khán giả khi để cho Phương sảy thai lần thứ 3 và người chồng quay lưng, đồng ý ly hôn.
Nhiều khán giả phẫn nộ bỏ theo dõi bộ phim vì cho rằng ý tưởng, kịch bản đã cạn kiệt. Việc đẩy nhân vật Phương vào bi kịch không khiến bộ phim hấp dẫn hơn, ngược lại bế tắc và tàn nhẫn.
Phương sinh ra trong gia đình khó khăn. Cô từng mặc cảm vì hoàn cảnh mà bố mẹ chồng coi trọng em dâu hơn. Phương trải qua nỗi đau hai lần mất con và sống những ngày nặng nề vì không có sự đồng cảm, thấu hiểu của chồng. Tưởng rằng mọi đau khổ đã kết thúc khi Phương biết mình mang thai lần ba. Thế nhưng sự mất mát của Phương như được nhân lên bởi những háo hức, sự chờ đợi và mong ngóng của cả những người xung quanh.
Diễn viên Kiều Anh được khen ngợi về diễn xuất khi lột tả nỗi đau tột cùng của người mẹ mất con nhưng kìm nén nó đến mức bàng hoàng. Thương Phương bao nhiêu, khán giả bức xúc với đạo diễn và biên kịch Gia đình mình vui bất thình lình bấy nhiêu. Nhiều người đề nghị đổi tên phim và cho rằng nội dung phim chữa lành méo mó, sai lệch.
Dùng bi kịch để “câu” khán giả: Chiêu bài cũ và nhàm chán
Trước đây, bộ phim Thương ngày nắng về từng rơi vào trường hợp tương tự. Khán giả phẫn nộ, chỉ trích đội ngũ biên kịch khi đẩy nhân vật Khánh (Lan Phương) vào tận cùng bi kịch. Khánh liên tục rơi vào nghịch cảnh: chồng đem tiền đi đầu tư thua lỗ, ngày ngày sống trong lời chì chiết của mẹ chồng, chị chồng. Đỉnh điểm gây ức chế là tình tiết Khánh bị chị chồng gài bẫy lăng loàn, bị quấy rối, nhà chồng hiểu lầm, coi thường. Khánh bị dồn tới đường cùng và đi đến quyết định ly hôn.
Trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay phim, biên kịch chính của Thương ngày nắng về - Nguyễn Thủy chia sẻ: "Đạo diễn (Bùi Tiến Huy - PV) từng nói anh phát điên, phát khóc trong phòng dựng vì thương cho Khánh. Bản thân tôi khi xem tập phim ở phòng hậu kỳ cũng lặng đi rất lâu vì uất ức, xót xa, dồn nén, bất lực... Dù chúng tôi có là người tạo ra câu chuyện đi chăng nữa, cảm giác đó vẫn dâng lên ngột ngạt, huống hồ gì khán giả".
Trước những câu hỏi: “Có nhất thiết thế này không?” “Liệu có lựa chọn khác không?”, biên kịch Thu Thủy muốn khai thác tới cùng. Cô muốn cho nhân vật có một hành trình dẫu tận cùng cay đắng, thì thứ hạnh phúc sau này họ nhận được, cũng sẽ thật lòng xứng đáng.
“Hành trình của Khánh gian truân, trầy xước, và chúng mình, người tạo ra những vết thương cho nhân vật, không dễ dàng gì. Khi yêu câu chuyện của mình, yêu nhân vật của mình, thì nỗi đau của nhân vật, chúng mình chính là những người trải nghiệm đầu tiên”, biên kịch Thu Thủy tâm sự.
Sau cùng, nữ biên kịch chia sẻ những phẫn nộ, chỉ trích, đồng cảm, góp ý và đòi hỏi của khán giả, cả nhóm nội dung cũng như ê-kíp làm phim thực tâm đón nhận.
“Ở khía cạnh nào, chúng mình cũng luôn thấy đó là động lực để cố gắng và hoàn thiện nhiều hơn cho chặng đường sắp tới”, biên kịch Thu Thủy bày tỏ.
Trở lại với Gia đình mình vui bất thình lình, việc đẩy nhân vật Phương vào bi kịch khiến khán giả ngán ngẩm. Nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ vì cho rằng cả biên kịch và đạo diễn đã cố tình đẩy nội dung phim đến mức tiêu cực khó có thể chấp nhận.
"Thật sự quá tàn ác và thiếu nhân văn, nhân đạo. Biên kịch để cho nhân vật lương thiện, hiền lành phải chịu những nỗi đau cùng cực. Xem phim với cảm xúc tiêu cực thế này thực sự không muốn xem nữa", "Bao nhiêu người chờ đợi bộ phim như để chữa lành, để giải trí thì giờ cả ê-kíp từ đạo diễn tới biên kịch vì lợi nhuận quảng cáo, cố bôi phim ra lê thê với tình tiết dở tệ như thế này. Đáng thất vọng, đừng có vịn vào chữ 'đời' để khiến tâm lý người xem bất ổn nữa", "Biết là phim, nhưng có những sự đau đớn không nên day đi day lại như thế. Để mất con đến tận 3 lần. Biên kịch có biết cảm giác mất con nó như cắt từng khúc ruột thế nào không", "Phim giờ vàng giúp giải trí, thư giãn sau giờ làm việc. Đâu cần quá lắt léo, bi lụy, sẽ tạo tâm lý tiêu cực"...
Thực tế, khán giả Việt Nam đang khát phim tâm lý, chữa lành thế giới nội tâm, ít đề cập các vấn đề tâm lý mà con người đang đối mặt. Những bộ phim gần đây như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Món quà của cha, Nơi giấc mơ tìm về, Gia đình mình vui bất thình lình… đều được kỳ vọng là những sản phẩm chữa lành. Tuy nhiên, kỳ vọng chữa lành mới chỉ dừng lại ở tên phim. Trong khi đó, diễn biến, tình tiết phim vẫn khá nặng nề, bế tắc.
Bộ phim chữa lành là khán giả phải tìm thấy sự đồng cảm sâu sắc giữa mình với nhân vật, với câu chuyện được kể, từ đó mới tìm thấy được sự xoa dịu khi xem phim. Vậy nên, điều quan trọng nhất với một bộ phim về đề tài chữa lành chính là kịch bản.