Gia đình nhà giáo nhiều thế hệ

PGS.TS Lý Hùng Anh - giảng viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM) là hậu duệ đời thứ 4 của đại gia đình 4 đời làm nghề giáo.

Gia đình nhà giáo Hồ Thị Hồng Nhung. Ảnh tư liệu

Gia đình nhà giáo Hồ Thị Hồng Nhung. Ảnh tư liệu

Khởi đầu theo nghề là thầy Hồ Văn Thể, một nhà cách mạng thời kháng chiến chống Pháp tại Đồng Nai.

Tự hào truyền thống gia đình

Nép mình bên dòng sông Đồng Nai, căn nhà của đại gia đình PGS.TS Lý Hùng Anh không quá rộng nhưng được điểm tô rực rỡ sắc màu bởi những khóm hoa đang độ vào xuân.

Cô giáo về hưu Hồ Thị Hồng Nhung (mẹ của PGS.TS Lý Hùng Anh) hồ hởi chia sẻ về những năm tháng đã đi qua. Dường như cả một bầu trời ký ức ùa về, đong đầy trong khóe mắt cô. Trong trí nhớ của cô Nhung, ông nội Hồ Văn Thể và người cha kính yêu Hồ Văn Hoa đều là những người yêu nước, tận tình với công việc. Thế hệ con của cô cũng tiếp nối truyền thống theo nghiệp “phấn trắng bảng đen” và luôn mang lại niềm tự hào xúc động cho cô.

Lật từng ký ức, cô Nhung kể: Thầy giáo Hồ Văn Thể là con trưởng trong gia đình nhân sĩ có tinh thần dân tộc. Cha ông là Hồ Văn Ngói, mấy em trai thầy Thể là Hồ Văn Leo, Hồ Văn Thế tham gia cách mạng từ trước tháng 8/1945. Ông Hồ Văn Tam là nhà giáo, người có công trong việc đặt nền móng xây dựng các trường tiểu học, trung học đầu tiên tại tỉnh Biên Hòa (nay thuộc Đồng Nai).

Thầy Thể có 5 người con, 3 người theo nghề của cha làm giáo viên, trong đó thầy Hồ Văn Hoa đã từng là Hiệu trưởng tại Trường cấp I Tân Vạn, Hiệu trưởng Trường cấp I Hiệp Hòa B của tỉnh Biên Hòa. Sau ngày đất nước thống nhất, thầy Hoa được phân về công tác tại Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp Hướng nghiệp của thành phố Biên Hòa. Thầy Hồ Văn Hoa có 5 người con, tất cả 4 cô con gái đều theo nghề giáo. Cô Hồ Thị Hồng Nhung là con đầu của thầy, theo nghề giáo viên từ năm 1982, cho đến trước khi nghỉ hưu năm 2011. Cô công tác tại Trường THCS Trần Hưng Đạo, thành phố Biên Hòa.

Cô Nhung xúc động chia sẻ: “Tôi rất vui và tự hào với truyền thống làm nghề giáo viên của gia tộc. Dù nhiều lúc cuộc sống có vất vả, trải qua không ít thăng trầm nhưng ngọn lửa nghề truyền thống luôn cháy bỏng và nối tiếp từ thế hệ ông bà sang thế hệ con cháu. Tôi cũng rất xúc động khi một trong hai con của tôi cũng lựa chọn tiếp nối thế hệ gia tộc, cùng theo nghề giáo”.

PGS.TS Lý Hùng Anh – đời thứ tư trong gia đình có 4 đời nhà giáo.

PGS.TS Lý Hùng Anh – đời thứ tư trong gia đình có 4 đời nhà giáo.

Tre già măng mọc

Cũng như ông cố, ông ngoại và người mẹ của mình, PGS.TS Lý Hùng Anh, giảng viên bộ môn Kỹ thuật hàng không – Khoa Kỹ thuật Giao thông là thế hệ thứ tư trong gia đình theo nghề dạy học. Với PGS.TS Lý Hùng Anh, truyền thống gia đình vừa là niềm vinh dự tự hào, vừa khích lệ bản thân nỗ lực hơn trong công việc, cuộc sống.

“Mặc dù, làm nhiều công việc, nhưng vai trò chính của tôi hiện nay vẫn là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Lúc tôi trở thành giảng viên, bước vào con đường nghề giáo thì ông bà, cha mẹ, các dì đều động viên và dặn dò rằng nghề giáo là nghề thanh bần, tằn tiện mới đủ sống. Nhưng có lẽ ngay từ nhỏ đã tự nhận thức được nghề giáo là một trong những nghề được xã hội trân quý, cùng với truyền thống gia đình đã tiếp thêm cho tôi động lực, vượt qua khó khăn thường nhật để đứng lớp”, PGS.TS Lý Hùng Anh chia sẻ.

Kể về người mẹ của mình, PGS.TS Lý Hùng Anh cho biết: “Trong trí nhớ của tôi, mẹ là người say sưa với sách vở, trường lớp. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường được mẹ dẫn tới trường - nơi mẹ công tác. Thời đó khó khăn nhiều, đôi khi biết trong nhà hết sạch tiền phải đi mượn người quen, nhưng mẹ vẫn say sưa, nhiệt huyết với công việc. Cuộc sống gia đình tôi trải qua nhiều thăng trầm từ giai đoạn không có nhà ở, ở nhà tập thể; lúc được giao đất thì gia đình không có tiền cất nhà. Bây giờ cuộc sống đã tạm ổn”.

Tốt nghiệp Trường ĐH Bách khoa vào năm 2005, hoàn thành chương trình thạc sĩ vào năm 2007 tại Indonesia, Lý Hùng Anh tiếp tục theo đuổi con đường học tập tiến sĩ tại Nhật Bản và được nhận bằng vào năm 2012. Anh được phong hàm Phó Giáo sư vào năm 2018 (36 tuổi), là một trong những phó giáo sư trẻ nhất được phong hàm vào thời điểm đó.

Trong quá trình học tập và giảng dạy, thầy Lý Hùng Anh giành nhiều giải thưởng như: Sinh viên xuất sắc của Viện Công nghệ Bandung (Outstanding Student Award of Bandung Institute of Technology, Indonesia), Báo cáo viên trình bày xuất sắc (Best Presenter Award) tại Hội thảo Quốc tế NAE 2007, Giải thưởng cấp quốc gia được Hội Kiểm tra Không phá hủy Nhật Bản trao tặng năm 2012…

PGS Lý Hùng Anh tâm sự: “Tôi chọn nghề giáo, bởi ngọn lửa truyền thống gia đình vẫn cháy trong tôi. Điều mà gia đình chúng tôi nhận được trong suốt các thế hệ cùng gắn bó với nghề là sự kính trọng của xã hội, sự yêu thương của các thế hệ học sinh, sinh viên. Đây chính là động lực to lớn để chúng tôi cùng nhau phấn đấu vượt qua mọi trở ngại, khó khăn.

Nếu sau này các con của tôi theo nghề giáo thì rất đáng trân quý, tuy nhiên tôi không áp đặt bất cứ điều gì cho con cái. Tôi cũng như ông bà của cháu, cũng sẽ tiếp tục truyền đam mê và tâm huyết với nghề như một cách định hướng nghề nghiệp cho các con. Nếu các con thấy được giá trị, ý nghĩa của nghề giáo thì các con sẽ theo nghề chính vì sự yêu thích”.

Vào những dịp 20/11 mỗi năm, hoặc những bữa cơm ngày Tết, cha mẹ, con cháu trong gia đình PGS Lý Hùng Anh lại quây quần ôn lại truyền thống của gia đình. Những dịp như thế lớp nhà giáo đi trước lại kể cho con cháu nghe về tinh thần vượt khó, về những niềm hạnh phúc của nghiệp “trồng người” như một cách khơi dậy ý thức tự giác giữ nghề cho thế hệ sau.

Thầy giáo, nhà cách mạng Hồ Văn Thể mất năm 1976. Năm 2007, UBND thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai quyết định đặt tên đường Hồ Văn Thể nhằm tưởng nhớ công trạng của thầy.

Anh Thư - Anh Tú

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gia-dinh-nha-giao-nhieu-the-he-post622828.html