Gia đình - Nơi hạnh phúc bắt đầu
BPO - Gia đình không chỉ là nơi mỗi người được sinh ra và lớn lên, có những người thân yêu mà còn là nơi được yêu thương, được chở che, là chỗ dựa bình yên, vững chắc cho mỗi người. Và trong mọi giai đoạn phát triển, hạnh phúc luôn được mỗi gia đình nỗ lực xây dựng, vun đắp.
Ngày gia đình Việt Nam (28-6) năm nay có chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” đã nhấn mạnh đến trách nhiệm chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình để gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người và là tế bào lành mạnh, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
BỮA CƠM GIA ĐÌNH, GẮN KẾT YÊU THƯƠNG
Cuộc sống hiện đại, không ít cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc duy trì bữa cơm gia đình. Thế nhưng với gia đình chị Hoàng Thị Huyền Trang ở thôn Phú Nguyên, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng bữa cơm nhà lại trở thành thói quen không thể thiếu. Theo chị, bữa cơm gia đình không chỉ mang lại năng lượng để hoạt động mà còn là thời gian để cả gia đình quây quần, nuôi dưỡng tình cảm. Đó cũng là bí quyết để chị Trang gìn giữ hạnh phúc gia đình. Chị Trang chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng duy trì những bữa cơm gia đình để mọi người quây quần. Trong bữa cơm, mỗi thành viên cùng hỏi han những sự việc đã xảy ra trong ngày và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tìm cách giải quyết vướng mắc... như vậy cả gia đình sẽ gắn kết với nhau hơn”.
Công việc kinh doanh khá bận rộn, nhưng chị Nguyễn Thị Lan ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng vẫn sắp xếp thời gian khoa học để mỗi ngày gia đình chị quây quần bên bữa cơm với đầy đủ 4 thành viên. Nhờ những bữa cơm gắn kết đó mà không khí gia đình luôn vui vẻ, công việc cũng bớt áp lực. Chị Lan chia sẻ: “Theo tôi, bữa cơm chính là “nếp nhà” của mỗi gia đình, là nơi vun vén yêu thương và giữ gìn hạnh phúc”.
Theo bà Lê Thanh Nga, nguyên phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, bữa cơm gia đình quan trọng không phải ở chỗ “mâm cao cỗ đầy”, mà là không khí ấm áp, yêu thương và mỗi thành viên luôn cảm thấy bình yên, vui vẻ, mong ngóng được trở về sum họp. Bà Nga chia sẻ: “Bữa cơm không nhất thiết tổ chức tại gia đình, có thể là khu du lịch, ở nhà hàng phù hợp với túi tiền của mình, cũng có thể tổ chức tại nhà ông bà, cha mẹ hay tại nhà mình. Nhưng dù tổ chức ở đâu thì bữa cơm cũng góp phần rất quan trọng trong việc kết nối các thành viên với nhau”.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, gấp gáp, bữa cơm gia đình càng chứng tỏ được giá trị truyền thống tốt đẹp. Đó là chất xúc tác kéo mọi thành viên gia đình xích lại gần nhau sau một ngày tất bật công việc, nơi gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc.
XÂY DỰNG HẠNH PHÚC GIA ĐÌNH
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Dẫu cuộc sống chưa được sung túc nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Mai Tuyết ở thôn Phú Thành, xã Phú Riềng luôn được bà con lối xóm khen ngợi bởi con cái chăm ngoan, gia đình văn hóa. Bà Tuyết bộc bạch: “Muốn con cái nghe theo và làm được những gì có ích cho gia đình và xã hội thì trước tiên cha mẹ phải mẫu mực, sống vui vẻ, hòa đồng, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Gia đình ông Bùi Văn Vỵ ở thôn Phú Tân, xã Phú Riềng luôn được người dân địa phương yêu mến vì lối sống giản dị, chan chứa tình làng nghĩa xóm. Bốn thế hệ sống chung, các thành viên luôn yêu thương, chăm lo cho gia đình. Các con của ông Vỵ không chỉ hiếu thảo, giúp đỡ cha mẹ mà còn nỗ lực trong cuộc sống. Với ông, con cái chăm ngoan, tích cực làm việc tốt là niềm hạnh phúc của gia đình.
Nói về công tác gia đình ở địa phương, ông Lê Trọng Nghĩa, công chức văn hóa - xã hội, Chủ nhiệm Câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc xã Phú Riềng cho biết: “Trong thực hiện công tác gia đình, để có được nhiều gia đình điển hình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, kinh tế vững… thì cả hệ thống chính trị ở địa phương phải vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh và “giữ lửa” hạnh phúc gia đình. Bởi 1 gia đình hạnh phúc sẽ có thêm nhiều gia đình hạnh phúc và nhiều gia đình hạnh phúc thì sẽ có một xã hội văn minh”.
Chủ đề Ngày gia đình năm nay hướng đến mọi gia đình Việt Nam luôn giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình. Qua đó, sẽ làm cho giá trị truyền thống quốc gia, dân tộc ngày càng bền vững. Chúng ta cần tiếp nhận từ nhiều hướng để bổ sung thêm giá trị, tinh hoa mới để gia đình gắn kết, hạnh phúc hơn thì quốc gia, dân tộc mới thịnh vượng.
Bà LÊ THANH NGA, nguyên phụ trách Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
Gia đình là môi trường sống đầu tiên và quan trọng nhất, là tổ ấm hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi buồn vui, sự thành đạt cũng như khó khăn của mỗi người. Vậy nên niềm hạnh phúc riêng của mỗi gia đình có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của xã hội, của quốc gia, dân tộc.
Bài: Anh Ngọc
Ảnh: Như Nam
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/145831/gia-dinh-noi-hanh-phuc-bat-dau