Gia đình phải là 'pháo đài' bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục
Để tránh những vụ việc xâm hại trẻ em gây phẫn uất dư luận như thời gian qua, thiết nghĩ, cùng với việc trang bị kỹ năng để trẻ em tự bảo vệ mình, sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật thì mỗi gia đình phải là 'pháo đài' để bảo vệ các con em mình.
Vết thương lòng khi nào mới lành lặn?
Thời gian qua đã liên tiếp xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Gần đây nhất, dư luận vô cùng bàng hoàng và phẫn nộ trước vụ bé gái 5 tuổi ở Bà Rịa – Vũng Tàu bị giết hại rồi xâm hại tình dục và vụ việc bé gái 2 tuổi ở huyện Bình Thuận bị hiếp dâm.
Tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2019 cho thấy, có 8.442 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, xử lý, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Trong các vụ xâm hại này thì phổ biến nhất, để lại hậu quả nặng nề, gây bức xúc dư luận nhất là xâm hại tình dục, chiếm 75,4% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Qua giám sát, còn nhiều vụ trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý.
Mọi trẻ em trong cộng đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, không những trẻ em gái mà kể cả trẻ em nam cũng có thể trở thành nạn nhân.
Dù sau đó, hầu hết các đối tượng hiếp dâm trẻ em đều bị bắt giữ và chịu sự trừng phạt của pháp luật nhưng hậu quả để lại cho các nạn nhân vẫn vô cùng nặng nề. Những vết thương tinh thần sẽ đeo đẳng theo các em suốt cuộc đời. Các em dần trở nên sợ hãi, tự ti, trầm cảm, cô lập bản thân với thế giới chung quanh. Ðau lòng hơn, có những em đã phải làm mẹ bất đắc dĩ, có những em tự tử hoặc do chán cuộc sống mà buông thả, trượt dài trở thành gái mại dâm...Như vậy, vết thương lòng của các em khi nào mới lành lặn?
Trong số những vụ xâm hại trẻ em xảy ra trên cả nước thời gian qua, đáng chú ý, có tới 90% là xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với những tình tiết hết sức đau lòng. Thậm chí, một nơi tưởng chừng an toàn và bình yên như Trung tâm bảo trợ xã hội cũng từng xảy ra tình trạng này. Càng xót xa hơn khi kẻ hãm hại các em thường là người thân quen, hàng xóm, giáo viên…thậm chí cả người có quan hệ huyết thống. Càng ngày xã hội càng xuất hiện nhiều những con "yêu râu xanh", chúng lẩn quất khắp nơi từ gia đình, làng xóm, trường học, nơi công cộng…
Gia đình phải là "pháo đài" bảo vệ trẻ em
Sáng 27/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tại buổi làm việc, nhiều Đại biểu đề nghị cần tăng nặng hình phạt đối với loại tội phạm này như "thiến hóa học"…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị cần "thiến hóa học" kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này. Theo đại biểu, việc "thiến hóa học" này được nhiều nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt.
Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 so với BLHS 1999 đã có những thay đổi theo hướng tích cực hơn trong việc bảo vệ người bị xâm hại tình dục (XHTD), nhất là trẻ em. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tiễn, các tội danh liên quan đến xâm hại tình dục của BLHS 2015 vẫn chưa bao quát hết, một số hành vi tấn công tình dục vẫn còn chưa bị xem là tội phạm. Ví như mức xử phạt hành chính chỉ từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi quấy rối tình dục. Đây là mức phạt quá nhẹ so với tính chất nguy hiểm của hành vi…Sự "nương tay" của pháp luật sẽ dẫn đến tình trạng "nhờn thuốc", là nguy cơ dẫn tới những vi phạm nguy hiểm hơn của những kẻ biến thái.
Vì vậy, để có những trừng trị nghiêm khắc hơn nhằm ngăn chặn tình trạng hành vi xâm hại tình dục, Quốc hội cần xem xét lại luật pháp hiện hành, đặc biệt, đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em cần có mức hình phạt thật nặng, thật nghiêm minh. Mọi hành vi phạm pháp, dù là quan chức hay thường dân, dù giàu hay nghèo, đều phải phải bị trừng trị đúng người, đúng tội.
Bên cạnh sự nghiêm minh của luật pháp, các gia đình hoặc cộng đồng xã hội cũng cần phải nâng cao vai trò hơn nữa trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ nhỏ. Đặc biệt, vai trò của người bố, người mẹ là vô cùng quan trọng. Dù có bận bịu đến mức nào, bố mẹ cũng nên dành thời gian chia sẻ với con cái, giáo dục và hướng dẫn con các kỹ năng cơ bản trong giao tiếp, kỹ năng tự bảo vệ mình…
Sự bùng nổ mạng xã hội hiện nay khiến cho việc kết nối với những người không quen biết trên không gian mạng rất đơn giản. Đây cũng là một trong những nguy cơ dẫn tới việc nhiều em gái trở thành mục tiêu mục tiêu xâm hại tình dục từ kẻ xấu. Trước vấn đề này, nhà trường cần tăng cường kết nối với gia đình để hướng dẫn các em sử dụng điện thoại trong khuôn khổ cho phép.
Thiết nghĩ, để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các cấp, các ngành cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trong trường học… Cùng với sự sát sao của gia đình, các em sẽ tránh được nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng./.