Gia đình phản đối, cô gái trẻ vẫn quyết định gắn bó với người chồng thương binh nặng

Năm 19 tuổi, cô Nguyễn Thị Hiền đã quyết định nắm lấy tay, ở cạnh bên, đồng hành cùng người thương binh Nguyễn Văn Thống. Ngoài việc chăm sóc chồng, nuôi dạy con, xây dựng kinh tế gia đình vững chắc, cô Hiền còn là một cán bộ Hội gương mẫu.

 Khi cô Hiền quyết định lấy chú Thống, người nhà đã phản đối, vì sợ cô vất vả...

Khi cô Hiền quyết định lấy chú Thống, người nhà đã phản đối, vì sợ cô vất vả...

Lấy một anh thương binh, liệu có sợ cuộc đời vất vả?

Con đường dẫn vào tổ dân phố (TDP) Xuân Đài (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đi giữa những vườn rau xanh mát. Xóm phố khang trang, sạch sẽ với những ngôi nhà cao tầng to đẹp. Đến khu vực này, hỏi về cô Hiền, những người nông dân trên cánh đồng rau cho biết: "Bà Hiền vợ thương binh, Chi hội trưởng phụ nữ thì tuyệt vời rồi, khỏi phải nói. Bà Hiền là một trong những người dẫn đầu hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn đấy, làm giỏi mà chăm chồng lắm, mọi người ở đây đều quý mến".

Những ruộng rau xanh mướt của nông dân ở Xuân Đài

Những ruộng rau xanh mướt của nông dân ở Xuân Đài

Nơi gia đình cô Nguyễn Thị Hiền đang sống là ngôi nhà 3 tầng rộng rãi, mảnh sân có những giò phong lan, với cây cối được chăm sóc tốt đang đơm hoa kết trái.

"Chú nhập ngũ năm 1977, lúc vừa tròn 20, rồi vào chiến trường, được biên chế tiểu đoàn 2, trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3. Đồng đội chú nhiều người quê gốc Thái Nguyên, rồi các tỉnh thành khác, toàn lính trẻ, khi Tổ quốc cần là lên đường. Cuối năm 1978 đầu 1979, Sư đoàn 320 thực hiện Chiến dịch phản công biên giới Tây Nam, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của Polpot - Yeeng Sari. Quân tình nguyện Việt Nam giải phóng Kongpong Cham, vượt sông Mê Kông tiến về Phnom Penh. Chiến trường ác liệt kinh khủng, nhiều đồng đội của chú đã ngã xuống. Chú bị thương trong một trận đánh, mảnh pháo nổ sát cạnh găm đầy người, lúc đó tưởng đã hy sinh rồi…".

Thương binh Nguyễn Văn Thống, cựu chiến sĩ quân tình nguyện giải phóng Campuchia thuộc Sư đoàn 320 với 2 mảnh đạn giờ vẫn nằm trong bả vai

Thương binh Nguyễn Văn Thống, cựu chiến sĩ quân tình nguyện giải phóng Campuchia thuộc Sư đoàn 320 với 2 mảnh đạn giờ vẫn nằm trong bả vai

Trong lúc người thương binh hạng 3/4 Nguyễn Văn Thống ngồi kể lại những kỉ niệm chiến trường xưa, cô Nguyễn Thị Hiền ngồi bên cạnh, ánh mắt trìu mến nhìn chồng. Cô chia sẻ: "Nay chú khỏe còn nói chuyện được, còn những hôm trái gió trở trời, là đau nhức toàn thân. Vết thương ở đầu khiến chú nhiều lúc còn bị những cơn đau, cơn động kinh, không nói chuyện được. Mảnh đạn nằm ở vị trí hiểm, mà khi mổ bị chạm dây thần kinh. Hai mảnh đạn ở bả vai thì mới vừa rồi cô đưa chú đi viện, các bác sĩ bảo nếu mổ là có thể sẽ bị liệt cánh tay, nên cô đưa chú về chăm sóc, chưa dám mổ".

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương trên người người lính năm xưa vẫn còn ảnh hưởng sức khỏe. Bao năm đã qua, cô Hiền một mình chăm người chồng thương binh những khi phải đi bệnh viện, đi điều trị những vết thương trên người.

"Người chú thì nhiều mảnh đạn lắm, có mảnh gắp ra ở chiến trường, mảnh ở đầu thì mổ lấy ra sau, mảnh vẫn nằm lại trên người. Khi xuất ngũ, trở thành thương binh, chẳng có gì ngoài những vết thương, may sao, chú gặp cô. Cuộc đời chú, may là có cô đấy…", chú Thống chia sẻ.

"Nghĩ kĩ đi, lấy một anh thương binh, mất hết sức lao động rồi, cuộc đời liệu có vất vả không", người thân của cô Hiền từng hỏi như vậy. Gia đình ban đầu không đồng ý, vì sợ cô khổ, sợ cô vất vả. Năm 1981, ở tuổi 19, cô gái xinh tươi và chăm chỉ không thiếu người muốn hỏi cưới, nhưng cô đã quyết định nắm tay người lính trẻ, người thương binh từ chiến trường trở về. "Chú hồi trẻ cũng đẹp trai đấy, hoặc chắc do cô thấy chú đẹp trai. Thời của cô chú, không có những lời yêu đương lãng mạn gì đâu, đến với nhau thì nói là quyết định xây dựng cùng nhau. Cô cũng biết, đến với chú là sẽ có những vất vả nhất định, nhưng cô tình nguyện, cô muốn đi cùng, chăm sóc cho chú…", cô Hiền tâm sự.

Từ việc chỉ quen với trồng cấy, cô Hiền quyết định đầu tư làm ăn, với ý nghĩ "phải có kinh tế tốt hơn thì mới chăm sóc chồng mình tốt hơn được"

Từ việc chỉ quen với trồng cấy, cô Hiền quyết định đầu tư làm ăn, với ý nghĩ "phải có kinh tế tốt hơn thì mới chăm sóc chồng mình tốt hơn được"

Lúc làm đám cưới, về bên nhau, cô chú nói với nhau rằng "rau cháo ngô khoai gì cũng được, miễn là cứ ở bên cạnh nhau". Cô Hiền kể thời ấy khó khăn lắm, ruộng lúa chỉ được một vụ, trồng rau trồng khoai cũng khó, vì thiếu nước tưới tiêu. Nhà chú Thống đông anh em, đất không nhiều để chia. Cô cứ cố gắng, rồi mua được mảnh đất, về sau cất được căn nhà cấp 4. Ở khu vực Hùng Sơn, người dân ngoài trồng lúa thì có thêm nghề trồng rau, các loại hoa màu. Chú sức khỏe yếu, một mình cô Hiền lao động bằng 3-4 người khác cộng lại.

"Chồng là thương binh, có chế độ của Nhà nước, nhưng còn nhiều những ca mổ, rồi thì cần thuốc thang bồi bổ thêm. Mình xuất thân là người nông dân có vất vả trên ruộng đồng thì cũng chẳng vấn đề gì. Nhưng rồi cô nghĩ nếu cứ trồng cấy mãi, thì cũng eo hẹp lắm, khi đó 2 đứa con đã ra đời. Mình phải có kinh tế tốt hơn, thì mới chăm sóc được tốt hơn cho chồng mình". Chính từ ý nghĩ "phải có kinh tế tốt hơn mới chăm sóc tốt được cho chồng", cô Hiền bắt đầu làm ăn kinh doanh.

Đầu những năm 2000, cô Hiền đã có một quyết định vô cùng táo bạo, gom góp toàn bộ số tiền có được rồi vay ngân hàng khoảng 300 triệu đồng để mua xe ô tô, là người đầu tiên trong vùng kinh doanh vận tải tuyến Thái Nguyên - Lạng Sơn. Kinh tế phát triển, nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa từ Lạng Sơn tăng cao, quyết định làm ăn của người phụ nữ vốn chỉ quen với ruộng đồng thu được kết quả tốt, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định đi lên.

Dù đã phát triển kinh doanh vận tải, cô Hiền vẫn ngày ngày có mặt trên đồng ruộng. Trong cuộc nói chuyện, cô cho biết chuẩn bị thu hoạnh 1.800 m2 lạc. Cứ vừa làm vừa mở rộng diện tích, người vợ thương binh hiện đang canh tác tổng cộng 7.000 m2, trong đó bao gồm trồng lúa, ngô, khoai sọ, lạc và các loại rau quả.

Vừa làm kinh tế giỏi, vừa là cán bộ Hội gương mẫu

Hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn mà cô Hiền là thành viên đã đạt tiêu chuẩn VietGap, là thương hiệu rau sạch đã được khẳng định trên thị trường Thái Nguyên. Những năm qua, nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất lên hiện đại, ứng dụng khoa học kĩ thuật, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, đời sống của người dân đã thay đổi hoàn toàn. Các thành viên HTX có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. "Riêng lạc với khoai sọ là cô ước tính năm nay cô đã thu được gần 100 triệu", cô Hiền vui vẻ cho biết. Bên cạnh đó, với diện tích canh tác lớn của mình, cô Hiền còn tạo ra được công việc và thu nhập thường xuyên cho nhiều lao động trên địa bàn.

Hiện tại, cô Hiền đảm nhận nhiều vai trò, là Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Xuân Đài, đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn Hùng Sơn. Cô đã tham gia công tác Hội và được bầu làm chi hội trưởng phụ nữ TDP Xuân Đài từ năm 1999. Từ con số ít ỏi chỉ chưa đầy chục hội viên, hiện số hội viên phụ nữ tại TDP Xuân Đài đã là 121 người.

Cô Nguyễn Thị Hiền với hoạt động ngày thứ 7 ra quân xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, một chương trình do Hội LHPN huyện Đại Từ phát động thực hiện

Cô Nguyễn Thị Hiền với hoạt động ngày thứ 7 ra quân xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị, một chương trình do Hội LHPN huyện Đại Từ phát động thực hiện

Cô Hiền cho biết: "Trong công tác Hội, phải hay, phải bổ ích, cuốn hút thì hội viên mới tham gia. Công tác hội phụ nữ tại Xuân Đài cũng có đặc điểm riêng thú vị, chẳng hạn như việc 40 hội viên của Hợp tác xã rau an toàn Hùng Sơn thì có đến 30 người cũng đồng thời là hội viên phụ nữ, nên nhiều khi chị em sinh hoạt cũng là 2 trong 1, vừa là công tác hội vừa cùng nhau phát triển kinh tế, rất hiệu quả, mà cũng rất vui và tình cảm"

Cô Hiền đang là chủ nhiệm mô hình "Phân loại và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình" tại địa bàn. Mô hình với phương pháp ủ phân hữu cơ từ nguồn rác thải hữu cơ trong các hộ gia đình bằng chế phẩm sinh học, sau đó sử dụng phân bón này phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tạo nên các sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn. Cô cho biết mình rất thích, rất chăm đi học, cứ có buổi tập huấn của Hội tổ chức là cô tham gia đầy đủ, rồi về tuyên truyền kiến thức tới chị em. Dù tuổi có cao hơn các chị em khác, cô Hiền vẫn là thành viên chủ chốt, nhiệt tình của câu lạc bộ dân vũ Xuân Đài. Cô cũng tự hào rằng mình cũng không hề lạc hậu, có những ứng dụng công nghệ gì để phục vụ công tác Hội thì cô đều thành thạo.

Chị Lâm Ngọc Châm - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn (bên trái) cùng cô Hiền trao đổi về hoạt động hội. Chị Châm chia sẻ: "Cô Hiền là cán bộ Hội kỳ cựu, cô luôn là tấm gương về nhiều mặt cho các hội viên trẻ học tập"

Chị Lâm Ngọc Châm - Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Hùng Sơn (bên trái) cùng cô Hiền trao đổi về hoạt động hội. Chị Châm chia sẻ: "Cô Hiền là cán bộ Hội kỳ cựu, cô luôn là tấm gương về nhiều mặt cho các hội viên trẻ học tập"

Bao năm gắn bó bên nhau, 2 con trưởng thành, giờ chú Thống cô Hiền đã là ông bà. Niềm vui, niềm hạnh phúc của cô chú là những bữa cơm gia đình quây quần, tiếng cười của con cháu. Ngay cả đàn gà, cô Hiền cũng nuôi nhiều hơn cả các gia đình khác, để có thoải mái thịt gà, trứng cho cả gia đình sử dụng. Cô học hỏi những bài thuốc, tự phơi thuốc, tự tay sắc thuốc cho chú uống, vì giờ ngoài vết thương bom đạn thì còn thêm những chứng bệnh người già.

Từ thời trẻ quyết định về bên nhau cho đến hiện tại, cô vẫn một tay chăm sóc cho chồng từng bữa ăn, giấc ngủ, xoa bóp cơ thể mỗi khi chồng đau yếu. "Cô có đi đâu chưa đầy ngày là chú đã thấy nhớ rồi", chú Thống chia sẻ, còn với cô Hiền thì "trước tới giờ, do sức khỏe yếu, chú không giúp được cho cô nhiều trong công việc, nhưng luôn là nguồn động viên tinh thần lớn cho cô, nhất là công tác hội phụ nữ, chú ủng hộ lắm".

Thị trấn Hùng Sơn là nơi có Khu di tích lịch sử Quốc gia 27/7, là nơi cội nguồn phát tích ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947). Ở gần nơi đó, là câu chuyện giản dị, đời thường về một người vợ thương binh. Bàn tay của cô gái trẻ năm nào đã nắm lấy tay người chiến sĩ Sư đoàn 320 quân tình nguyện giải phóng chiến trường Campuchia trở về, và đến giờ khi 2 mái đầu đều đã điểm bạc, đôi bàn tay ấy vẫn xiết chặt bên nhau. "Chú là thương binh, từ lúc quyết định lấy chú, rồi ở bên nhau, dường như cô có động lực, có sức mạnh, để mình mạnh mẽ hơn, dám nghĩ dám làm hơn, chẳng biết sức mạnh ấy đến từ đâu…".

Sức mạnh mà cô Hiền đã nhắc đến, đã đi qua bao năm tháng thời gian, vượt lên những khó khăn trong cuộc sống.

Sức mạnh ấy, ở một người phụ nữ, đã bù đắp và xua tan những vết thương chiến tranh còn để lại, dựng xây mái ấm hạnh phúc cho người thương binh, đến từ đâu và có thể gọi tên là gì?

Có lẽ chỉ có thể nói rằng, còn hơn cả tình yêu...

Quang Thái

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/gia-dinh-phan-doi-co-gai-tre-van-quyet-dinh-gan-bo-voi-nguoi-chong-thuong-binh-nang-20240727020655371.htm