Kết hôn thời 'deadline': Khi người trẻ 'bình chân như vại'

Trước đề xuất mới đây về việc điều chỉnh thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái gia đình, đã thu hút sự bày tỏ quan điểm của nhiều bạn trẻ…

Đề xuất giảm giờ làm để dành thời gian cho bạn trẻ hẹn hò đang nhận được nhiều quan tâm của giới trẻ. (Ảnh minh họa: NT)

Đề xuất giảm giờ làm để dành thời gian cho bạn trẻ hẹn hò đang nhận được nhiều quan tâm của giới trẻ. (Ảnh minh họa: NT)

62% lười kết hôn vì nỗi lo cơm áo gạo tiền

Tới 62% bạn trẻ lựa chọn kết hôn sau tuổi 30 vì vẫn còn nỗi lo cơm áo gạo tiền. 18% bạn trẻ cho rằng kết hôn muộn vì chưa tìm được đối tượng phù hợp. Số liệu trên được trích dẫn từ một khảo sát nhanh trên fanpage VTV24 với hơn 400 nghìn bạn trẻ trả lời.

Theo Nguyễn Thu Hà: “Mình chọn kết hôn muộn vì muốn trải nghiệm nhiều hơn nữa. Người trẻ thường chưa thể chịu trách nhiệm cho việc duy trì một gia đình (từ kinh tế gia đình, chăm sóc gia đình nhỏ rồi đến họ hàng gia đình chồng). Bây giờ, chúng mình ưu tiên cho bản thân hơn là việc chịu trách nhiệm cho một bên khác. Miễn là cảm thấy hài lòng với cuộc sống đang có thì đều tốt cả. Kết hôn nên là khi mình chọn để hạnh phúc, chứ không vì bị bắt buộc”.

Khánh Linh nhìn nhận: “Dù đã kết hôn và có con nhưng tôi phải thừa nhận, tài chính là vấn đề trở ngại rất lớn đối với nhiều người trẻ. Khi thu nhập không chạy đua nổi với chi phí đắt đỏ. Vì vậy, thay vì hỏi vì sao các bạn chưa kết hôn, mình nghĩ nên có những chính sách giải quyết vấn đề mất cân bằng giữa thu nhập và chi phí sinh hoạt tại các thành phố lớn thì phần nào sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy yên tâm hơn khi lập gia đình, có con”.

Đồng quan điểm, bạn Duyên Trần cũng bình luận: “Người trẻ bây giờ chịu quá nhiều áp lực, đến tiền tiêu xài cho bản thân đôi khi còn không đủ. Việc chi tiêu cho cả một gia đình, đặc biệt là gia đình có con nhỏ cực kỳ tốn kém. Vì thế, việc kiếm tiền để chi tiêu thôi còn áp lực, chứ chẳng bao giờ mơ nghĩ đến mua nhà mua xe nếu không có ông bà, cha mẹ hỗ trợ. Chắc đó cũng là một nguyên nhân lớn ảnh hưởng lên tâm lý chưa muốn kết hôn của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam”.

Bạn Loan Võ nêu quan điểm rằng: “Mình 26 tuổi, xung quanh ai cũng giục mình lấy chồng. Nhưng hằng tháng bản thân mình có quá nhiều khoản phải chi, ngoài khoản chi tiêu cá nhân, mình còn tiền thuốc, tiền khám bệnh, tiền bảo hiểm... Thu nhập của mình nhiều khi lo cho mỗi bản thân còn bấp bênh. Mình lớn lên trong gia đình thuần nông, bố mẹ suốt ngày cãi nhau vì áp lực kinh tế. Nên thật sự, thời điểm này mình chưa dám nghĩ tới chuyện lập gia đình. Giờ ai cũng khuyên lấy chồng đi đã rồi về cùng nhau gây dựng, nhưng khi bản thân chưa cảm thấy đủ vững vàng (nhất là về kinh tế) thì mình chưa tính đến”.

Kết hôn muộn sau tuổi 30 đang ngày một tăng. (Ảnh minh họa: MT)

Kết hôn muộn sau tuổi 30 đang ngày một tăng. (Ảnh minh họa: MT)

Chưa kể, nhiều người trẻ có suy nghĩ phải mua được nhà trước khi kết hôn hoặc sinh con, nhưng do giá nhà đất hiện nay tăng vọt, không dễ để mua nên họ phải làm hết công suất để có thể mua nhà cho bằng được mà bỏ qua thời điểm vàng để lập gia đình, sinh con. Tiền thuê nhà, sinh hoạt hàng tháng chiếm gần hết lương khiến nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ dám sinh một con hoặc trì hoãn việc sinh con.

Đơn cử, TP HCM là nơi có giá nhà cao nhất cả nước, cũng là thành phố có độ tuổi kết hôn trễ nhất và mức sinh thấp nhất cả nước. Giai đoạn 2016-2018, giá nhà tại TP HCM liên tục tăng cao và địa phương này cũng có chỉ số giá sinh hoạt dẫn đầu cả nước. Từ năm 2019, trong khi giá nhà TP HCM tăng trưởng chậm lại thì giá nhà Hà Nội lại liên tục tăng cao.

Hà Nội cũng trở thành thành phố có chi phí đắt đỏ nhất cả nước. Cùng với xu hướng “ngại cưới, lười sinh”, những năm gần đây, nhiều chủ đầu tư đã tăng tỷ trọng phát triển căn hộ diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu của người mua độc thân, vợ chồng trẻ chưa có hoặc mới có một con. Các căn hộ này cũng luôn dẫn đầu về thanh khoản giao dịch.

Và ở góc độ cảm xúc, bạn Hoàng Dung đưa ra ý kiến: “Để tìm được một nửa hoàn hảo chúng ta sẽ phải gặp những mảnh ghép chưa hoàn hảo, những mảnh ghép cho chúng ta biết thế nào là tổn thương, là mạnh mẽ, là buồn bã, là học cách tự yêu chính mình trước tiên, rồi người ấy sẽ xuất hiện thôi...”…

Trong nghiên cứu về “Xu hướng kết hôn ở Việt Nam và khu vực Đông Á: Hai thập niên nhìn lại” của Trần Thị Minh Thi (Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2022), trong 4 năm trở lại đây số lượng kết hôn giảm liên tiếp, trong đó hai năm 2020 - 2021 có số cuộc kết hôn thấp nhất. Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu tại TP HCM là 30,4. Những năm qua, độ tuổi kết hôn của TP HCM luôn cao nhất cả nước, vượt xa nhiều tỉnh thành khác, năm nay lần đầu vượt mốc 30. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước cũng tăng dần thời gian qua, hiện ở mức 27,2.

Và đề xuất mới về thời gian “hẹn hò”

Trước đó, tại Hội thảo góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vừa qua, GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM nhận định, công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững khi số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ 1,96 con, và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023. Đồng thời xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp và chênh lệch về mức sinh giữa các vùng.

Từ thực tế trên, Giáo sư Nhân đề xuất cần quy định thời gian làm việc của người lao động phải đủ ngắn (8 giờ lao động/ngày, 40 giờ/tuần) để họ có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và sở thích riêng tư. Bởi mức sinh giảm hiện nay xuất phát từ xu hướng kết hôn muộn, nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, không kết hôn...

Nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ: “6h sáng ra khỏi nhà tới 18h tối về tới nhà. Nghỉ, thở, ăn, uống... mệt không muốn nói chuyện với ai chứ đừng nói đi đâu”; “Làm từ sáng 9h tới 20h, về đi chợ nấu cơm cái hết buổi tối, giặt đồ cái nữa tới khuya, ngủ tới 8h dậy cái đi làm tiếp. Full 24h không ngừng nghỉ thì sao kiếm được người yêu”…

Như Quỳnh (25 tuổi, ở quận Thanh Xuân) cho biết, việc giảm giờ làm sẽ giúp các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn chưa kết hôn có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc thư giãn và tìm kiếm nửa kia của mình. Thực tế, mỗi ngày, Quỳnh phải xử lý một khối lượng công việc nhất định, song phần lớn thời gian cô lựa chọn tăng ca, tăng lương để có thể đáp ứng việc chi trả trong sinh hoạt cuộc sống.

“Không chỉ mình, ở một bộ phận giới trẻ cũng có xu hướng “làm ngày, cày đêm”. Nhiều bạn phải kiếm tiền để trang trải cho chi tiêu cuộc sống, có bạn thì cần tích cóp khoản tiền trước khi tiến tới hôn nhân. Do vậy, rất ít người có thể hẹn hò đúng nghĩa”, Như Quỳnh chia sẻ.

Cùng với đó, nhiều người trẻ cho rằng, họ đang ở giai đoạn đầu sự nghiệp, việc cắt giảm thời gian làm việc có thể gây ra lo ngại về cơ hội thăng tiến và phát triển nghề nghiệp. Họ có thể cảm thấy áp lực phải chứng minh năng lực và đạt được thành tựu trong công việc, dẫn đến việc ít ưu tiên cho các mối quan hệ cá nhân. Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh nghề nghiệp ngày càng cao, việc giảm giờ làm có thể khiến người trẻ cảm thấy họ cần phải làm việc nhiều hơn ngoài giờ để đáp ứng yêu cầu công việc...

Vì vậy, cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giúp người trẻ có thể vừa phát triển sự nghiệp vừa xây dựng được các mối quan hệ tình cảm bền vững. Chưa kể, theo các bạn trẻ, thay vì tạo điều kiện cho bạn trẻ tìm kiếm mối quan hệ và xây dựng gia đình, nhiều khả năng họ sẽ tiếp tục đắm chìm trong thế giới ảo, nơi các thiết bị điện tử và mạng xã hội thống trị cuộc sống hàng ngày...

Nguyễn Khánh Chi bày tỏ: “Ở cơ quan mình, mình là người trẻ nhất. Mình chọn tăng ca 6/7 ngày 1 tuần. Mình thì bình chân như vại, mình chưa thấy muốn có chồng lắm. Phần vì mình yêu công việc, muốn dành thời gian trống để bồi đắp thêm các kỹ năng cần thiết. Phần vì do đặc thù công việc, mình tiếp xúc khá nhiều người, nghe được nhiều chuyện buồn trong tình yêu, nên mình lại giảm hứng thú hay chủ động đi tìm người yêu. Mình quan niệm, chạy tình thì tình theo, nên biết đâu trong “cuộc sống deadline”, mình lại tìm được ai đó giúp mình có những “nhịp thở” đều đặn hơn, cân bằng hơn… trong cuộc sống hối hả này…”…

Có thể nói, giới trẻ ngày nay đã thực tế hơn trước và xu thế kết hôn muộn lười sinh cũng là vấn đề của không chỉ nước ta. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta có thể tận dụng bài học, kinh nghiệm của các quốc gia khác để tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra giải pháp thấu đáo cho vấn đề kết hôn muộn - lười sinh ở Việt Nam. Trong đó ưu tiên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thực tế và phổ biến nhất của các cặp đôi trẻ hiện nay…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/ket-hon-thoi-deadline-khi-nguoi-tre-binh-chan-nhu-vai-post524276.html